Sau Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, nghệ nhân Phạm Chí Bích chuyên làm nhạc cụ dân tộc đã sáng tạo ra một nhạc cụ độc đáo, mang đậm tính văn hóa truyền thống Việt Nam với âm thanh réo rắt, trầm bổng đó là đàn nón đã được rất nhiều người biết đến.
Mới đây, tôi có dịp đến thăm người nghệ nhân ngày đêm vẫn đau đáu cố lưu giữ và thổi hồn vào các nhạc cụ dân tộc có dây như: tì bà, đàn bầu, đàn nguyệt, đàn tranh, đàn nhị… tại tầng 4 nhà số 9 phố Hàng Nón (Hà Nội). 13 tuổi, Phạm Chí Bích đã được làm quen với những tiếng trống, đàn nguyệt, bầu, tranh…, đã biết phân biệt thế nào là thanh trầm, thanh bổng. Lớn lên, ông càng bị những tiếng đàn ám ảnh... Tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh (Khoa Nhạc cụ Dân tộc) năm 1975, ông được tuyển về Đội Nhạc lễ của Lực lượng Công an. Đến năm 1982, Đoàn Nghệ thuật Công an Nhân dân thành lập và ông trở thành tay trống duy nhất của đoàn. Được thừa hưởng tinh hoa từ người cha là ông Phạm Chí Tịnh, nghệ nhân trống Đọi Tam nổi tiếng, trong dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, nghệ nhân Phạm Chí Bích từng gây ấn tượng mạnh với đông đảo người xem bằng màn "Trống hội Thăng Long", cũng trong dịp này, gia đình nghệ nhân Phạm Chí Tịnh được đặt hàng làm gần 100 chiếc trống to nhỏ. Đại gia đình nghệ nhân Phạm Chí Tịnh, Phạm Chí Bích vẫn đang âm thầm giữ lửa cho nghề làm trống và các nhạc cụ dân tộc với niềm yêu thích và tự hào.
Ðọc nhiều, nghe nhiều, Phạm Chí Bích nhận thấy việc phát triển và biến tấu các loại nhạc cụ của các nước trên thế giới ngày càng nhiều. Những loại nhạc cụ mà chúng ta có hiện nay phần lớn là của các nước khác, trừ đàn đáy, nguyệt và klongput… Ý tưởng về một cây đàn nào đó đặc trưng cho Việt Nam, vừa mang tính dân tộc lại vừa độc đáo cũng theo đó lớn dần lên trong suy nghĩ của ông. Những lúc rảnh rỗi, từ ngôi nhà mình ở phố Hàng Nón ông hay nhìn ra đường phố, nơi những người bán hàng rong cầm theo những dây nón đi bán cho khách du lịch. Rồi ông nhìn thấy sự khác biệt từ chính hình ảnh của những chiếc nón ấy. Là thành viên trong đoàn nghệ thuật CAND, được đi biểu diễn nhiều nơi, ông Bích nhận thấy tiết mục múa nón mang đặc trưng rất rõ nét của nghệ thuật dân tộc. Ý tưởng về chiếc đàn có hình dạng giống cái nón với hình dáng tròn đều, cùng với đỉnh chóp mang tính biểu trưng sum họp, quy về một mối đã ra đời từ đó. Ông chọn âm sắc của đàn tranh, dây của đàn tranh, mày mò để làm một hộp cộng hưởng mang hình dáng chiếc nón lam lũ mà cũng rất duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam. Chiếc đàn 170 dây, chia thành năm cung, có thể chơi 5-10 người, đáy có đường kính rộng 1m, người chơi có thể ngồi hay đứng, một cây đàn có thể thay cho cả một dàn nhạc, một người diễn chính và một dàn nhạc đệm tiếp theo… Âm thanh thánh thót của năm cung đàn có thể thay thế được nhiều loại nhạc cụ khác trong biến tấu. Phạm Chí Bích nghĩ thế và bắt đầu so dây. Ông mất năm năm nung nấu, sáu tháng mày mò với bản vẽ thiết kế, chọn gỗ, chọn dây, sửa chữa, hoàn thiện. Ông Bích cho biết: "Khi năm người chơi cùng lúc, nhưng mỗi người có thể chơi phân phổ riêng, có thể hoà tấu, hoà thanh tạo nên âm thanh cộng hưởng. Cái khó khi chơi đàn nón là phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa những người chơi. Chơi đàn nón cũng giống như hát tốp ca vậy. Năm người phải vào cùng lúc, các giai điệu trong bản nhạc phải khớp nhau…” . Một ngày cuối năm 2008 cây đàn nón lần đầu tiên và duy nhất được trình diễn trước khán giả trong buổi khai mạc Ðại hội làng nghề Việt Nam lần 2 (12/2008) bởi năm sinh viên Nhạc viện Hà Nội. Sản phẩm đã hoàn thành, ước mong của người sáng tạo lúc này cũng rất cụ thể: "Tôi rất mong trong những ngày quốc tế phụ nữ, cây đàn nón sẽ được trình diễn để tặng những người bà, người mẹ, người chị… những phụ nữ Việt vốn rất thân quen với chiếc nón một bản nhạc từ đàn nón" - nghệ nhân Phạm Chí Bích mơ màng.
Sự sáng tạo ra đàn nón đã góp phần - nói như nhạc sĩ Thao Giang, là sự kiện đánh dấu một bước tiến mới cho nền nhạc cụ Việt Nam. Đây là kết quả lao động sáng tạo của người nghệ sĩ, người nghệ nhân của làng nghề Việt Nam thời kỳ đổi mới.