Kinh phí “khủng”, khán giả lèo tèo
Bên cạnh những tác phẩm múa đương đại thành công như: Trăng thề, Mẹ mặt trời, Bến lụy, Cặp ba lá, Men say, Suối tóc, Chú Tễu, Hồn đất, Từ nơi gió ngàn, Những con người huyền thoại, Con tạo xoay, Con thiêu thân… thì hiện nay, “bức tranh toàn cảnh” múa không thiếu những tác phẩm thiếu tính thẩm mỹ, ngôn ngữ thiếu sáng tạo, khó hiểu và không hiểu tác phẩm phản ánh cái gì, nó là cái gì?
Không ít tác phẩm gọi là “múa hiện đại”, chỉ trình diễn những hình thức mới lạ, biến thể của cái đã có từ bên ngoài, sáng tác theo thị hiếu cá nhân chỉ để thỏa mãn nhu cầu theo thị hiếu “tiêu dùng” xã hội, chạy theo thị trường. Có người khoe: “Chỉ trong vòng gần 2 tháng bay đến ba tỉnh mà tôi đã sáng tác được ba tác phẩm múa theo yêu cầu của từng địa phương”. Vậy nhưng, nếu ai được xem cả 3 điệu múa này cùng lúc, chắc chắn nhận ra chúng đều là những anh em “sinh ba” giống nhau như đúc.
Có biên đạo múa tìm được một đề tài mang tính thời sự đó là bảo vệ môi trường. Với lực lượng gần 50 diễn viên có tay nghề thuộc đẳng cấp cao của ngành múa phía nam. Còn êkip nhạc sỹ, nhạc công và biên đạo thuộc hàng ưu tú của thành phố. Nhưng tiếc thay, tác phẩm có thời lượng khoảng trên 50 phút với dàn diễn viên “khủng”, kinh phí dàn dựng trên trăm triệu đồng mà chỉ diễn được ba buổi với số khán giải buổi đầu bán vé được khoảng 18 người và hai đêm tiếp theo chưa tới chục người tới xem. Phải chăng bữa tiệc múa đó có hương vị nhạt nhòa, pha tạp, hay những người dự hạn chế về trình độ để thưởng thức một loại nghệ thuật hiện đại?
Một NSƯT ngành múa rầu rầu: “Tôi đã từng cười chảy nước mắt khi xem múa minh họa cho bài “Màu hoa đỏ”. Múa một đường, hát một nẻo, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, chẳng ăn nhập gì với nhau cả. Có một chị diễn viên múa chuyên nghiệp, khi cùng một tốp múa đi dựng chương trình cho một đội văn nghệ nghiệp dư, chị ấy nói với tôi: “Có bài hát sẵn rồi, chúng em bảo nhau múa nhí nhố một buổi là xong”. Lại có tiết mục nhóm múa mặc váy áo sen rộng, lại nằm ngửa tênh hênh, hai chân cứ giơ lên trần nhà vẫy vẫy hở hết cả nội y khiến cho tất cả khán giả cười ồ vì sự hớ hênh, vô duyên của đạo diễn cũng như các diễn viên múa. Rồi cả hai diễn viên lăn lộn, quăng quật nhau trên sân khấu. Nhiều vở, MC phải thuyết minh trước may ra người xem mới nắm rõ nội dung vở diễn. Đã xảy ra hiện tượng bát nháo và nghiệp dư hóa múa đương đại”.
Dạy múa theo a dua, bắt chước
Chính vì thiếu hẳn việc phân tích những hiện tượng đúng, sai, tốt, xấu, phê phán cái lạc điệu, cả những cái “bệnh hoạn” cho nên đã có sự lẫn lộn và múa đương đại Việt Nam đang diễn ra trong trạng thái “tranh tối tranh sáng”. Vì vậy, không ít những “cái mới” của nước ngoài vận dụng vào sáng tạo ở trong nước đã làm nhạt nhòa những biểu tượng truyền thống về văn hóa, thị hiếu thẩm mỹ tốt đẹp của công chúng.
Là người chứng kiến “cái chết” của những vở múa đương đại, Biên đạo múa Bá Thái cho rằng, hầu hết nội dung các tác phẩm bị rắc rối trong việc chuyển tải nội dung, phản ánh đời sống hiện thực như thế. Thêm vào đó, những thủ pháp sân khấu như các decort, phông màn không đáp ứng nội dung khiến cho vở diễn thành ra cầu kỳ, cách xử lý ánh sáng tùy tiện. Đặc biệt ngôn ngữ múa mà tác phẩm trình diễn trên sân khấu cứ như cóp nhặt từ các đoạn múa đương đại của các nước khiến chúng trở nên xa lạ, khó hiểu.
Hiện nay chỉ có 3 trường đưa múa đương đại vào học chính khóa và là một trong những môn thi tốt nghiệp quốc gia gồm: Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, Trường Múa Tp. HCM. Thế nhưng việc dạy và học ở các trường đều chung tình trạng tự mày mò. Mỗi nơi dạy một kiểu. Nguyên nhân là do giảng viên được đào tạo ở nhiều nước khác nhau và tiếp nhận phong cách riêng… Vì vậy, các giảng viên múa đương đại nhiều khi không gọi tên được trường phái, ngôn ngữ hiện đại mà họ đang giảng dạy… Dạy theo kiểu tự phát, truyền nghề, thành ra lắm thầy thì nhiều... trường phái. Thậm chí có những biên đạo ít tên tuổi hơn cứ mua đĩa chương trình ca nhạc ở nước ngoài về "học hỏi" vài chiêu mới rồi vội vã đi dựng cho các vũ đoàn để chạy sô...
Vì không nắm rõ về các trường phái, ngôn ngữ của bộ môn mình học nên nhiều biên đạo cứ nghĩ cho diễn viên múa quằn quại, đá chân, vung tay trên sân khấu là thành múa đương đại. Thông điệp càng khó hiểu, càng kỳ quái càng khẳng định chất… "đương đại".
Biên đạo múa Trần Ly Ly nhấn mạnh, việc xây dựng giáo trình cho chuyên ngành múa đương đại không chỉ là a dua, bắt chước theo thế giới mà cần có những nét riêng của múa đương đại Việt Nam.