Để học trò thêm yêu nhạc Việt
Có thể nói, âm nhạc có vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách cho nên trong chương trình giáo dục nói chung và bậc tiểu học nói riêng, âm nhạc đã được đưa vào nhà trường với tư cách là môn học bắt buộc. Nhiều bài hát hay có tác dụng sâu sắc giúp cho các em biết yêu thương quê hương, đất nước, yêu ông bà, bố mẹ, yêu thầy cô, mái trường và bạn bè... hướng cho các em đến tình cảm trong sáng và lành mạnh. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội đã tác động mạnh mẽ tới đời sống tinh thần của học sinh. Trong khi các ca khúc thiếu nhi hay trở nên khan hiếm thì các em chuyển sang “chuộng” ca khúc người lớn, âm nhạc nước ngoài và phần nào đó lơ là văn hóa truyền thống. Trong tình hình ấy, phong trào “Hát và sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi” trong các trường tiểu học Thành phố Hà Nội do Sở GD&ĐT Hà Nội phát động đã tạo ra một luồng gió mới trong các nhà trường, tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích cho cả thầy và trò.
Nói về ý nghĩa của phong trào này, NGƯT.TS Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định: Âm nhạc là một trong những loại hình nghệ thuật có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách, tâm lý và nhất là giáo dục đạo đức cho trẻ em. Âm nhạc có tác động mạnh mẽ đến tâm tư, tình cảm của con người, có tác dụng phát triển nghệ thuật toàn diện đối với các em học sinh như khả năng cảm nhận, trí nhớ, trí tưởng tượng, khả năng tập trung chú ý, tính kiên nhẫn. Bên cạnh đó, âm nhạc còn kích thích điều hòa trạng thái tâm sinh lý, cân bằng các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày của các em, giúp cho các em linh hoạt, nhanh nhẹn, mạnh dạn, tự tin hơn trong cuộc sống.
Theo Giám đốc Sở, việc phát động phong trào “Hát và sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi” nhằm nâng cao khả năng sáng tạo nghệ thuật với ngôn ngữ âm nhạc phong phú; các hình thức biểu diễn âm nhạc dành cho thiếu nhi, qua đó góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, rèn luyện năng khiếu thẩm mĩ cho giáo viên và học sinh; nâng cao lòng tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc góp phần làm giàu thêm cho hình ảnh thủ đô, đất nước và con người Việt Nam.
Ngay sau khi phong trào được phát động từ tháng 4/2015, các trường đã dạy cho học sinh hát một số bài trong tuyển tập 50 ca khúc thiếu nhi được nhiều thế hệ các em nhỏ yêu thích như “Em là mầm non của Đảng”, “Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội”, “Hoa thơm dâng Bác”… kết hợp với các bài hát truyền thống của trường vào các giờ sinh hoạt tập thể, ngoại khóa, giờ tăng cường môn Âm nhạc. Đặc biệt, một số trường như TH Xuân La, Chu Văn An (quận Tây Hồ), TH Trần Quốc Toản, Tràng An, Nguyễn Du, Thăng Long (quận Hoàn Kiếm), TH Lê Văn Tám, Tây Sơn, Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng), trường TH Kim Liên, Nam Thành Công, Cát Linh (quận Đống Đa)… đã dàn dựng cho học sinh múa hát rồi quay video công phu để rút kinh nghiệm, làm tư liệu để hướng dẫn cho học sinh, đồng thời giới thiệu về trường.
Cô Giáo Nguyễn Thị Đào – Hiệu trưởng trường TH Uy Nỗ (huyện Đông Anh) chia sẻ: Trường tổ chức cho học sinh hát múa theo chủ đề vào dịp sinh nhật Bác, kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, thường xuyên dạy học sinh những bài hát ca ngợi Tổ quốc, tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội… Đầu giờ và trong giờ giải lao, trường cũng cho học sinh tập thể dục, hát múa dân vũ, chơi trò chơi dân gian. Bên cạnh đó, mỗi năm trường tổ chức ít nhất 2 lần hội diễn văn nghệ cấp trường cho giáo viên, học sinh tham gia. Các hoạt động này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của CMHS. Họ không chỉ đến xem và cổ vũ mà còn thuê trang phục biểu diễn cho các con…
Khi thầy làm nhạc sĩ
Đến thăm trường TH Uy Nỗ, không ít người ngạc nhiên khi thấy cả thầy và trò đều thuộc làu bài hát mới có tựa đề “Mơ làm chú hải quân” của thầy giáo Vũ Xuân Mạnh. Bài hát không chỉ được học trò yêu thích, ngân nga trong các giờ ra chơi mà còn được các em biễu diễn trong các liên hoan văn nghệ. Lời bài hát chính là những câu thơ được thầy Mạnh viết cách đây vài năm. Khi Biển Đông “dậy sóng”, thầy đã dâng trào cảm xúc và phổ nhạc cho những câu hát rất dễ hiểu, ngắn gọn: “Chú bộ đội Trường Sa/ Đêm ngày canh giữ đảo/ Súng chú vẫn chắc tay/ Mặc nắng mưa gió bão…” để giúp học sinh thêm yêu Tổ quốc, có ý thức bảo về chủ quyền biển đảo. Ca khúc của thầy đã đoạt giải A trong đợt sơ kết lần một phong trào Hát và sáng tác ca khúc thiếu nhi cho học sinh tiểu học. Cùng nhận giải A còn có Cô giáo Hoàng Thu Nga (TH Nam Thành Công, quận Đống Đa), đồng tác giả Nguyễn Xuân Minh và học sinh Vũ Minh Khuê (TH Liên Hà, huyện Đông Anh).
Thực tế cho thấy ở Hà Nội, một số đơn vị trình độ giáo viên dạy môn Âm nhạc còn chưa đồng đều, có nơi giáo viên cơ bản còn kiêm nhiệm dạy môn Âm nhạc; một số giáo viên Âm nhạc chưa qua đào tạo hay tập huấn về môn lý luận sáng tác, điều kiện một số nơi còn thiếu về cơ sở vật chất như phòng chức năng, trang âm, nhạc cụ… Tuy nhiên, phong trào sáng tác ca khúc thiếu nhi đã thực sự phát triển và thu hút sự tham gia của những người yêu nhạc, quan tâm đến trẻ thơ. Chỉ sau 2 tháng phát động phong trào, Sở GD&ĐT Hà Nội đã nhận được 119 ca khúc được các phòng GD&ĐT lựa chọn gửi về. Các tác giả đã trải nghiệm và nắm bắt được nhịp sống của thời đại, đưa vào bài hát giai điệu tươi mới, lời ca trong trẻo hấp dẫn thiếu nhi.
Đặc biệt, cuộc thi đã thực sự thành công khi nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực của những cựu giáo chức, học sinh nhỏ tuổi của Thủ đô. Ông Nguyễn Quang Khương nay đã 70 tuổi (cựu giáo chức quận Hai Bà Trưng) vẫn gửi 6 ca khúc tham gia phong trào. Nhiều học sinh còn ít tuổi như Vũ Minh Khuê (lớp 3C, trường TH Liên Hà, huyện Đông Anh), Phan Lê Thái An Học (lớp 4A1, trường TH Lê Văn Tám, quận Hai Bà Trưng)… cũng bắt đầu tập sáng tác và gửi bài dự thi. Những tác phẩm của các em có thể chưa hoàn mĩ về giai điệu, lời ca… nhưng nó cũng cho thấy tình yêu âm nhạc mãnh liệt của các em, gợi mở nhiều tiềm năng nghệ thuật trong từng mái trường thân yêu.
Cô giáo Hứa Thu Huyền, Hiệu trưởng trường Tiểu học Giang Biên (Long Biên) - một trong những tác giả đoạt giải trong cuộc thi sáng tác ca khúc cho thiếu nhi, từng tham gia nhiều cuộc vận động sáng tác ca khúc cho thiếu nhi, có nhiều tác phẩm đạt giải, được phát thanh, phát sóng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Nhưng với cô Huyền, phong trào “Hát và sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi” do Sở GD&ĐT phát động có ý nghĩa thật đặc biệt bởi theo cô, học sinh sẽ vô cùng phấn khởi và tự hào khi được hát bài hát truyền thống của trường, hát những bài hát do chính các thầy cô giáo của trường mình sáng tác. Cô giáo Hứa Thu Huyền cũng mong mỏi các ca khúc có chất lượng sau khi đã được hội đồng thẩm định sẽ được tuyển chọn thành tập bài hát thiếu nhi có kèm theo đĩa CD để phát hành, phổ biến đến không chỉ tới đông đảo thiếu niên nhi đồng Thủ đô mà còn lan tỏa tới cả nước.