Ông kể: Tôi nhập ngũ năm 1962, làm lính pháo binh, đến năm 1967, làm chính trị viên đại đội thì được vào chiến trường miền Nam chiến đấu liên tục đến ngày thống nhất đất nước. Đó là buổi trưa ngày 17/12/1975, Sài Gòn nắng lắm, nắng rực rỡ. Chúng tôi bận quần xà lỏn, áo may ô ăn cơm trưa. Ăn xong, ngồi xỉa răng, uống nước nghe bản tin dự báo thời tiết thấy miền trung du Bắc bộ bị ảnh hưởng gió mùa đông bắc, nhiệt độ xuống tới 5 độ C. Tôi nhớ đến nhà tôi, một nông dân tần tảo. Giờ này, chắc nhà tôi vẫn còn trên ruộng cấy. Chúng tôi cưới nhau năm 1965, tới năm 1967 thì tôi đi vào Nam và chưa một lần được về thăm nhà. Tôi bần thần… các câu thơ cứ tự nhiên bật ra…. Buổi trưa hôm ấy, tôi không ngủ. Đến giờ làm việc, tôi lên nhà ban chỉ huy, lấy điện thoại điện cho nhà báo Cung Văn (lúc đó đang làm cho tờ Sài Gòn Giải phóng) nói rằng, tôi vừa nghĩ ra một bài thơ mà tôi rất tâm đắc. Cung Văn bảo tôi đọc qua điện thoại cho anh ấy nghe. Nghe xong, Cung Văn nói tôi đọc lại để Cung Văn chép. Tôi đề nghị để tôi chép ra giấy, mai đem qua toà soạn nộp. Cung Văn bảo: “Mai báo đăng luôn, ông không cần mang bản thảo đến làm gì cho mất thì giờ”.
Bài thơ Gửi nắng cho em được ra đời như thế. Và thượng úy Bùi Văn Dung cũng quên khuấy đi “đứa con tinh thần” của mình do công việc bộn bề của nhà binh. Một năm sau, vào một buổi chiều, thượng úy Dung đang ngồi uống cà phê cùng một người bạn ở bến cảng Nhà Rồng, bỗng người bạn đập vào vai nhắc khẽ: “Này, bài thơ của ông được phổ nhạc đang được hát trên loa truyền thanh kia kìa!”. Bùi Văn Dung lắng nghe và vui mừng khôn xiết. “Tôi không ngờ, bài thơ lại được một nhạc sĩ nổi tiếng là Phạm Tuyên phổ nhạc”, ông Dung cười hóm hỉnh, kể lại. Sau đó, Bùi Văn Dung lại có bài thơ “Con kênh ta đào”, ông gửi đăng báo Tuổi Trẻ TP.HCM, mấy tháng sau, bài thơ này cũng được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc. Bài hát còn được báo Tuổi Trẻ TP.HCM in thành tờ rơi phát cho hàng vạn thanh niên xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới. Năm 1978, biên giới phía Tây Nam nóng bỏng, từ Sài Gòn, Bùi Văn Dung được cấp trên điều động tăng cường vào mặt trận này rồi năm 1979, lại điều ra mặt trận phía Bắc. Thời gian này, Bùi Văn Dung làm khá nhiều thơ nhưng không gửi đăng báo nào.
Một buổi tối mùa đông năm 1981, trong một dịp về Hà Nội họp, Bùi Văn Dung đã tìm gặp nhạc sĩ Phạm Tuyên tại một căn nhà nhỏ ở phường Khương Thượng, quận Đống Đa. Đây là cuộc gặp đầu tiên của tác giả thơ và tác giả nhạc sau 5 năm khi ca khúc “Gửi nắng cho em” được phổ biến. Nhạc sĩ Phạm Tuyên vui mừng khôn xiết vì ông cứ nghĩ Bùi Văn Dung phải là nhà thơ có tiếng trong… Sài Gòn. Năm 1986, ông Dung nghỉ hưu với quân hàm trung tá.
Mới chân ướt chân ráo về quê nghỉ hưu được ba tháng, địa phương nơi ông ở đã đến tận nhà mời ông ra tham gia công tác xã hội, mời ông làm Chủ tịch hội Cựu chiến binh rồi kiêm Chủ nhiệm hợp tác xã. Năm 1996, sau khi đảm nhiệm hết hai nhiệm kỳ Bí thư Đảng uỷ xã, ông Dung về nhà nghỉ ngơi theo đúng nghĩa. Có thời gian, ông đã hoàn thành cuốn sử làng, tiếp đến lại nhận lời mời làm cuốn lịch sử quân sự huyện, ông Dung cứ tất bật liên tục đi đến các làng xã xác minh các nhân chứng, sự kiện. Ở tuổi ngoài thất thập, tính tình vui vẻ, hóm hỉnh cộng thêm sức khoẻ vẫn còn dẻo dai, tác phong nhà binh nhanh nhẹn, khiến ông Dung cảm thấy ham thích việc viết lách. Ông kể, mới đây, ông đã gửi in tập thơ “Gửi nắng cho em” đến nhà xuất bản. Khi tập thơ lần đầu được ra mắt công chúng, ông đã tổ chức một bữa “tiệc nắng” mời bà con xóm làng, anh em đồng chí đến… ăn mừng. Ngày ông mở “tiệc nắng”, vợ chồng nhạc sĩ Phạm Tuyên đã lặn lội từ Hà Nội đến để chúc mừng ông.
Từ trong nhà, tôi cùng ông Dung trầm ngâm nhìn ra mảnh sân nhỏ trước cửa. Bỗng ông Dung ồ lên một tiếng và chỉ tay ra ngoài sân. Tôi ngỡ ngàng khi thấy giữa trưa mùa đông xứ Bắc, sân nhà ông Dung lấp lánh những vệt nắng dài!