Cách đây không lâu, tôi nhận được một bức thư tâm sự của một người mẹ, trong thư chị viết: “Tôi thật thất vọng về trẻ em bây giờ. Con trai tôi mới học lớp bốn, nhưng cháu hầu như không thích và không thuộc những bài hát trẻ em, mà say mê hát những bài hát của người lớn. Hôm trước thấy cháu hát bài “Rồi ai đó sẽ về”, tôi hỏi tại sao lại hát những bài không phù hợp với lứa tuổi như vậy, cháu bảo “Không lẽ con phải hát bài “Cháu lên ba” sao mẹ? Hôm sau lớp cháu tổ chức sinh nhật cho các bạn sinh cùng một tháng, cháu và nhóm bạn cũng hát bài “Em của ngày hôm qua”. Cô giáo có nhắc nhở phải hát bài hát phù hợp với lứa tuổi, các cháu bảo bài nào chúng con thấy hay, nhiều người hát, đó là phù hợp. Tôi cũng đến dự buổi tổ chức sinh nhật này, cả tôi và cô giáo đều cùng một nỗi băn khoăn là tại sao các cháu thích hát bài người lớn, làm cách nào để định hướng lại thẩm mỹ cho các cháu học sinh ở lứa tuổi như con tôi? Rất mong được chuyên gia đóng góp ý kiến, chia sẻ khó khăn này với phụ huynh chúng tôi, cũng như không ít các thầy giáo, cô giáo….”
Là người gắn bó lâu năm với công việc giáo dục trẻ em cũng như tư vấn các vấn đề tâm lý, xã hội, tôi “giật mình” bởi nội dung bức thư của người mẹ đó và trăn trở rất nhiều.
Nghĩ kỹ thì, trong nhiều vấn đề của trẻ em hiện nay, lỗi là ở người lớn. Chúng ta hãy trả lời câu hỏi “tại sao trẻ em thích hát bài hát không phù hợp với lứa tuổi?”. Trước tiên là vì các nhạc sĩ sáng tác nhiều bài hát người lớn, được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Các bài hát “người lớn” ấy thường có giai điệu, tiết tấu trẻ trung, khi biểu diễn được phối kết hợp với những vũ đạo, trang phục đẹp mắt. Ngược lại, những bài hát viết cho trẻ em quá ít so với những bài hát dành cho thanh niên. Chủ đề các bài hát dành cho trẻ em cũng nhàm chán, quay đi quay lại “Mẹ của em ở trường, là cô giáo mến thương”, “Mồng tám tháng ba, em ra thăm vườn, chọn một bông hoa xinh tươi tặng cô giáo…”, “Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm…”. Đã vậy, các bài này cũng ít được biểu diễn trên sân khấu lớn, trong các chương trình giải trí. Trong các giờ dạy hát nhạc ở trường, các cô giáo không có thời gian chú tâm đến dạy hát và bồi dưỡng tình yêu âm nhạc, mỗi tiết học được xé lẻ, dạy nhiều nội dung khác nhau. Nào là xướng âm, học đánh nhịp phách, học lai lịch bài hát, học tiểu sử tác giả, cuối cùng, các em không thuộc bài hát nào trọn vẹn. Đó là chưa kể, người lớn cứ tưởng mấy bài hát có chữ em, chữ cháu, chữ cô giáo… là những bài hát phù hợp với trẻ em. Nhưng thực ra, khá nhiều bài hát bị lồng ghép những tư tưởng quá cao siêu, giai điệu thì chậm chạp, đơn điệu, rất khó hấp dẫn trẻ em.
Các cuộc thi âm nhạc lớn dành cho trẻ em thiếu vắng các ca khúc thiếu nhi
Người lớn phải có chiến lược toàn diện, từ việc sáng tác, biểu diễn, truyền bá, định hướng sở thích cho trẻ em, chứ không phải chê bai, cấm đoán. Nếu các cháu hát ở nhà, bố mẹ chỉ có thể bày tỏ sự không thích của mình, ví dụ: “mẹ không thích con hát bài này”. Ở trường, các thầy cô giáo quy định “không hát những bài hát này” trong trường. Đồng thời lắng nghe trẻ em tâm sự tại sao các em thích những bài hát bị coi là “không phù hợp với lứa tuổi” để rồi nhận ra trách nhiệm của mình, bắt tay vào cùng nhau chỉnh sửa những điều chưa phù hợp.
Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phát động phong trào “Hát và sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi” trong các trường Tiểu học. Đây là một phong trào rất đúng, rất trúng với nguyện vọng của nhiều người, nhất là những ai đang trăn trở với nghề dạy học… Phong trào góp phần phổ biến sâu rộng hơn nữa các bài hát thiếu nhi, đặc biệt là những bài hát hay trong tuyển tập “50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20” đồng thời cũng để bổ sung thêm những ca khúc mới dành cho thiếu nhi cả nước nói chung, thiếu nhi Thủ đô nói riêng.
Phong trào mới được phát động vài tháng, nhiều trường đã sáng tác và phổ biến những bài hát riêng của mình. Sáng sáng, loa đài của trường vang lên bài hát “trường ta”. Học sinh háo hức nghe và khoe “bài này cô tớ viết lời, còn cô dạy nhạc phổ nhạc đấy”.
Đừng trách trời tối khi chúng ta không chịu khó bật đèn, thắp nến, bật diêm. Đừng trách trẻ em không chịu hát những bài hát phù hợp với lứa tuổi, khi người lớn không sáng tác, không phổ biến, không định hướng thẩm mĩ cho học sinh. Hy vọng phong trào này của ngành giáo dục Thủ đô có sức lan tỏa rộng rãi không chỉ trên địa bàn Hà Nội.