KHÁC BIỆT GIỮA PHONG CÁCH ĐẠI HỌC MỸ VÀ ANH
'Sinh viên Mỹ có thể mặc quần áo thể thao, đi dép tông tới trường trong khi các bạn Anh diện trang phục lịch sự hơn. Các môn học ở Mỹ thường có nhiều bài kiểm tra ngắn trong khi tại Anh việc ra đề viết luận dài là phổ biến', độc giả Đan Vy chia sẻ với VnExpress.
Trong năm thứ hai đại học ở Anh, tôi có cơ hội được đi Mỹ học trao đổi một học kỳ ở Sacramento, thủ phủ của bang California. Sau một thời quan làm quen với cuộc sống ở Mỹ, tôi nhận thấy khá nhiều điều khác biệt thú vị giữa phong cách của sinh viên Mỹ và Anh, cũng như cách giáo dục đại học ở hai quốc gia này.
- Trang phục đến trường:
Ở California, sinh viên đi học ăn mặc khá giản dị, có thể với quần áo thể thao, thường đi dép tông hoặc giày thể thao đến trường. Trong khi đó, sinh viên Anh ăn mặc lịch sự hơn. Hầu như không bao giờ có đôi dép tông xuất hiện ở giảng đường đại học, có thể một phần vì thời tiết lạnh.
Các sinh viên Mỹ hay dùng ba lô hơn, còn ở Anh, túi xách cho nữ và túi đeo chéo cho nam lại là thời trang phổ biến khi đến trường của cánh sinh viên.
- Phương tiện đi học:
Sacramento là một thành phố rất rộng của California nên sinh viên hay đi học bằng ô tô. Bạn tôi vẫn thường rất căng thẳng khi phải tìm chỗ đỗ xe trong trường vì có quá nhiều xe của sinh viên. Ngoài ra, sinh viên Mỹ, đặc biệt là nam, rất hay đi lại trong khuôn viên trường bằng ván trượt.
Ở Anh ván trượt hầu như không có và sinh viên thường đi học bằng xe buýt vì các tuyến xe buýt ở xứ sở sương mù này rất thuận tiện. Người dân Mỹ ít đi xe buýt hơn vì hệ thống phương tiện công cộng không được tốt như ở châu Âu.
- Sách giáo khoa:
Ở Mỹ gần như môn học nào cũng yêu cầu mua sách giáo khoa và đây là thứ có giá rất đắt đỏ, kể cả khi bạn chỉ thuê về học. Sách cho môn Nghệ thuật phục hưng có giá khoảng 70 USD (hơn 1.5 triệu đồng) nếu thuê một học kỳ và 120 USD (2.6 triệu đồng) nếu mua hẳn.
Trường đại học của tôi ở Anh không bắt buộc mua sách giáo khoa, mà phát tài liệu học từng buổi một hoặc tải lên mạng.
- Bài tập:
Các môn học ở Mỹ có nhiều bài kiểm tra và bài tập nhỏ hàng tuần hơn tại Anh. Các sinh viên sẽ phải viết bài ra giấy và nộp lấy điểm. Trong khi tại Anh, sinh viên chỉ cần thảo luận ngay trên lớp.
Khi học tại Mỹ tôi phải làm bài tập hàng tuần (khoảng 150 từ), cứ khoảng 3-4 tuần có một bài trắc nghiệm, ngoài ra còn có các bài luận, thi giữa kỳ và cuối kì. Đại học ở Anh thì dùng nhiều bài luận dài hơn. Một học kỳ thường có hai bài luận, mỗi bài dài 1500 từ và một bài kiểm tra viết 2 tiếng cuối kỳ.
- Đề cương ôn thi:
Đôi khi ở Mỹ, sinh viên sẽ được phát đề cương và biết trước câu hỏi trong bài kiểm tra.
Tại các đại học Anh, câu hỏi rất ít khi được tiết lộ, sinh viên chỉ có thể tham khảo đề của các năm trước.
- Nhận xét của giảng viên:
Ở Mỹ bài luận phải in ra rồi nộp trong khi ở Anh thường nộp qua Turnitin - một hệ thống mạng dành riêng cho việc nộp bài tập. Giảng viên Mỹ hay viết nhận xét bằng bút chì còn giảng viên Anh thì đánh máy và tải lên mạng. Đặc biệt là những lời nhận xét của giảng viên Mỹ khá thân thiện, cởi mở, còn văn phong của giảng viên Anh thì nghiêm túc hơn.
- Điểm thưởng:
Giảng viên Mỹ cho sinh viên rất nhiều cơ hội lấy điểm thưởng. Ví dụ ở môn Nghệ thuật hiện đại, khi đi xem triển lãm liên quan đến môn học rồi viết một đoạn văn cảm nhận, sinh viên được cộng 5-15 điểm.
Khi học tại Anh, tôi chưa thấy có điểm thưởng này.
- Dụng cụ học tập:
Sinh viên Mỹ hay dùng bút chì kim, sinh viên Anh thường dùng bút chì gỗ. Tại các cửa hàng văn phòng phẩm ở Mỹ, có nhiều sự lựa chọn cho bút chì kim, còn bút chì gỗ thì ít phổ biến hơn.
- Quà tặng và linh vật:
Trường ở Mỹ rất hay tặng quà miễn phí cho sinh viên, nhất là những món quà liên quan đến linh vật của trường như: cốc, ba lô và đồ lưu niệm. Trường ở Anh thì không có linh vật và không có nhiều quà tặng.
- Hoạt động ngoài trời:
Đại học Mỹ có nhiều hoạt động ngoài trời trong khuôn viên của trường hơn đại học ở Anh. Có thể vì ở bang California, thời tiết ôn hoà, trời nắng nhiều nên sinh viên rất thích dành thời gian ngồi dưới tán cây hay chơi thể thao trên bãi cỏ. Tại Anh, trừ khi trời nắng, sinh viên hay ngồi đọc sách trong một quán cà phê thư thái hay học trong thư viện nhà trường.
Không phải trường nào ở Mỹ hay ở Anh cũng giống những gì tôi mô tả ở trên. Đây chỉ là trải nghiệm của riêng tôi và cá nhân tôi cho rằng, kiểu đại học của Anh hay Mỹ đều có điểm thu hút riêng và dễ thích nghi.
Nguồn tin: VnExpress