Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ trao Giấy khen của Sở GD&ĐT Hà Nội cho các tác giả có ca khúc đoạt giải A
Được triển khai từ tháng 3/2018, đến cuối tháng 8/2018, BTC cuộc thi đã nhận được 146 ca khúc với nội dung phong phú, đa dạng về đề tài như ca ngợi Tổ quốc, Đảng cộng sản Việt Nam, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội… Bên cạnh đó là những tác phẩm ý nghĩa về tình yêu quê hương đất nước, biển đảo Việt Nam. Nhiều sáng tác viết về thầy cô, mái trường, bạn bè cũng được hội đồng thẩm định đánh giá cao. Năm nay số lượng phòng GD&ĐT tham gia tăng hơn so với mọi năm, với 28/30 phòng.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại lễ sơ kết
Thành viên của hội đồng thẩm định gồm các phòng chuyên môn của Sở và nhiều nhạc sỹ chuyên nghiệp của Hội nhạc sĩ Việt Nam như: nhạc sĩ Hoàng Lân, Trần Nhật Dương, Lại Hồng Phong. Dựa trên các tiêu chí đánh giá ca khúc dự thi (nội dung, âm nhạc, lời ca, sức lan tỏa của tác phẩm), Hội đồng thẩm định đã chọn ra 3 ca khúc đoạt giải A, 7 bài hát đoạt giải B và 5 ca khúc đoạt giải C. Các ca khúc đoạt giải A là: "Nơi ấy mái trường mến yêu" của cô giáo Nguyễn Thị Kim Liên (TH Minh Khai A, quận Bắc Từ Liêm); "Cái trống trường em" của cô giáo Lê Diệu Linh (TH Tây Sơn, quận Hai Bà Trưng); "Em yêu biển Việt Nam" của cô giáo Trần Thanh Hằng (TH Lê Văn Tám, quận Hai Bà Trưng). Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã trao Giấy khen cho 5 đơn vị có thành tích xuất sắc và 4 đơn vị có thành tích tốt trong phong trào.
PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến trao Giấy khen cho các đơn vị đoạt thành tích cao trong phong trào
Theo đánh giá của Ban tổ chức, phong trào "Hát và sáng tác ca khúc thiếu nhi" trong các trường Tiểu học đã thực sự đến được với từng cán bộ, giáo viên và học sinh cùng với phụ huynh; tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích, phù hợp và đã thu hút hầu hết học sinh trong các trường tiểu học tham gia. Mỗi năm, Sở GD&ĐT Hà Nội đều tổ chức tổng kết phong trào và công diễn 15 ca khúc xuất sắc nhất. Theo thời gian, số lượng các đơn vị (phòng GD&ĐT, các trường học) tham gia nhiều hơn, đồng thời, số lượng và chất lượng các tác phẩm dự thi cũng ngày càng tăng.
Một số tiết mục biểu diễn tại chương trình
Phát biểu tại lễ sơ kết, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: "Tôi rất vui mừng vì sau mỗi năm chất lượng phong trào "Hát và sáng tác ca khúc cho thiếu nhi" lại được nâng lên. Năm 2018 với 15 ca khúc được công diễn từ 146 ca khúc được gửi về Sở GD&ĐT Hà Nội thì có cả các bài hát của học sinh. Như vậy, đối tượng tham gia không chỉ là các giáo viên đang công tác mà còn có các cựu nhà giáo, các em học sinh, các bậc CMHS".
Đông đảo phụ huynh đến theo dõi chương trình
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị, ngành GD&ĐT Hà Nội và các nhà trường trong gian tới cần nhận thức đầy đủ vai trò của âm nhạc trong việc hình thành phẩm chất và nhân cách của học sinh. Đồng thời, để tổ chức các phong trào hát và sáng tác ca khúc cho thiếu nhi sâu rộng và chất lượng hơn thì cần tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên và một số phụ huynh có nhu cầu trong việc sáng tác ca khúc. Sau 4 năm tổ chức, Sở GD&ĐT Hà Nội nên cho ra tuyển tập 60 ca khúc dành cho thiếu nhi kèm theo băng đĩa để có thể lan tỏa rộng rãi hơn tới các nhà trường.