Báo cáo tại buổi làm việc, Trưởng phòng GDĐT quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ cho biết: Hiện toàn quận có 54 trường với 31.046 học sinh; 182 CBQL, 1.906 giáo viên. Tỷ lệ trên chuẩn của CBQL là 100%; của giáo viên là 89,7%. Cơ sở vật chất các trường học công lập được đầu tư đồng bộ theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đáp ứng tiêu chuẩn thiết kế trường học và trường Chuẩn quốc gia. Số phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị, đồ dùng dạy học của 100% các trường trên địa bàn đã cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh. Các hoạt động giáo dục tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ở các trường mầm non, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn ở các bậc học được giữ vững và nâng cao hằng năm. 100% các trường thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn, triển khai nhiệm vụ năm học, trong đó tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, dạy và học ngoại ngữ, từng bước đưa giáo dục Steam vào trong nhà trường… Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, UBND quận đã chỉ đạo phòng GDĐT, một mặt hướng dẫn các trường tổ chức các tiết sinh hoạt nội, ngoại khóa, dạy học theo chủ đề dưới nhiều hình thức, mặt khác tổ chức cho học sinh tham gia vào các hoạt động giáo dục thể chất, giáo dục kĩ năng sống dưới hình thức câu lạc bộ, phát huy hiệu quả trang thiết bị rèn luyện thể chất ngoài trời, hệ thống nhà thể chất, sân bóng rổ…
Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, bên cạnh đánh giá cao những kết quả, thành tích nổi bật, lãnh đạo các phòng của Sở cũng thẳng thắn nêu ra những vấn đề còn khó khăn, tồn tại của GDĐT Tây Hồ trong thực hiện các nhiệm vụ năm học. Tập trung vào các vấn đề: Xây dựng trường chất lượng cao trên địa bàn; bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên; quan tâm chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non, nhân viên nuôi dưỡng; đẩy mạnh chức năng hoạt động của trung tâm GDNN-GDTX; quản lí chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm, thu chi trong nhà trường; ưu tiên xây dựng thêm một số trường theo quy hoạch mạng lưới trường học; tăng cường quản lí chất lượng giáo dục trường ngoài công lập, trường có yếu tố nước ngoài…
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn cho biết: Trong những năm qua, quận Tây Hồ dành nhiều sự quan tâm đến công tác giáo dục, đào tạo trên địa bàn. Quận đã xây dựng nhiều Đề án phát triển giáo dục, đào tạo đến năm 2025, đến nay nhiều nội dung đã cơ bản hoàn thành. Trong đó, thực hiện đề án “Phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn quận Tây Hồ giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030”, năm 2019 trên địa bàn quận Tây Hồ khối các trường công lập có 8/9 trường đang được hoàn thành nâng cấp, mở rộng, xây mới. Tổng số trường công lập đạt Chuẩn quốc gia đến cuối năm 2019 sẽ có 23 trường, đạt tỉ lệ 92% (trường TH và THCS Tứ Liên đã hoàn thành công tác kiểm định công nhận Chuẩn quốc gia).
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc
Về công tác xây dựng đội ngũ, Chủ tịch UBND quận nhận định: Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản đảm bảo đủ về cơ cấu, 100% giáo viên có trình độ chuyên môn đạt chuẩn trở lên, số lượng CBQL, giáo viên có trình độ trên chuẩn cao, có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, tư tưởng chính trị vững vàng góp phần để chất lượng dạy và học ngày càng nâng cao, tạo được niềm tin của cha mẹ học sinh. Việc thực hiện công tác tổ chức, biên chế nhân sự của các nhà trường được bố trí, sắp xếp, điều chuyển hợp lý khoa học. Công tác bồi dưỡng đội ngũ luôn được chú trọng, phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế (từ năm học 2019-2020 các trường THCS đã tiến hành cơ cấu lại tổ chuyên môn theo hướng chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình sách giáo khoa mới).
Chủ tịch UBND quận cũng nêu rõ những khó khăn, vướng mắc hiện nay của GDĐT Tây Hồ. Đồng chí cho biết: Quận Tây Hồ đang trong quá trình đô thị hóa cao, mức tăng dân số cơ học nhanh. Hệ thống trường lớp được xây mới mở rộng về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh. Nhưng đứng trước yêu cầu giảm sĩ số học sinh tiểu học/lớp, Tây Hồ đang rất lúng túng. Thực hiện yêu cầu về an sinh, Tây Hồ sẽ không giảm được sĩ số học sinh/lớp. Tổ chức phân luồng lại, Tây Hồ cũng hết sức khó khăn do địa bàn bị chia cắt bởi Hồ Tây, đê sông Hồng. Số trường THPT công lập trên địa bàn quận chưa cân đối với số lượng dân cư, khả năng tiếp nhận học sinh vào THPT công lập thấp (32%)… Chế độ, chính sách cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, nhân viên nuôi dưỡng đã tìm nhiều biện pháp tháo gỡ nhưng vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tế. Trên địa bàn quận còn thiếu giáo viên dạy thể dục, nhạc, họa. Quận chưa có trường chất lượng cao…
Trường THCS Tứ Liên vừa được xây dựng mới khang trang, hiện đại
Chủ tịch quận Đỗ Anh Tuấn mong muốn, Sở GDĐT tham mưu UBND Thành phố khi phê duyệt Quy hoạch các khu đô thị, phải có quỹ đất để xây dựng trường công lập. UBND Thành phố có cơ chế chính sách đặc thù cho giáo viên, nhân viên mầm non (mức thu nhập trung bình của giáo viên mầm non, nhân viên nuôi dưỡng hiện còn thấp hơn mức lương tối thiếu theo Nghị định 91 có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 của Chính phủ. Với quy định sĩ số học sinh tiểu học 35/lớp, các trường nội thành, trong đó có Tây Hồ rất khó thực hiện, đề nghị có giải pháp tháo gỡ…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, TS Chử Xuân Dũng- Thành ủy viên, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt và đồng bộ của lãnh đạo quận Tây Hồ trong công tác giáo dục, đào tạo. Qua đó, GDĐT quận Tây Hồ ngày càng phát triển và đạt nhiều thành tích cao trên các mặt hoạt động. Quận quan tâm xây dựng trường Chuẩn quốc gia, trang bị cơ sở vật chất khang trang, hiện đại cho các nhà trường; chủ động đề xuất các Đề án nâng cao chất lượng GDĐT trên địa bàn; đảm bảo kỷ cương, nền nếp trong dạy học, không để xảy ra bức xúc trong dư luận…
Giám đốc đề nghị, trong thời gian tới, quận Tây Hồ tập trung thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường học, bổ sung, xây mới, sửa chữa các phòng học, tìm giải pháp nâng tầng trường học để giảm tải sĩ số HS/lớp, chỉ đạo quyết liệt việc hạn chế tuyển sinh trái tuyến. Quận quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để các nhà trường tiếp cận phương pháp dạy học hiện đại, ứng dụng hiệu quả hơn CNTT trong quản lý và dạy học. Công tác quản lí nhà nước về GDĐT cần được thực hiện công bằng, minh bạch và trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ, luân chuyển cán bộ quản lý đảm bảo đúng qui định; đẩy mạnh hơn nữa công tác hội nhập quốc tế; chuẩn bị kỹ lưỡng cho kế hoạch triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới… Quận cũng tập trung quản lí tốt việc dạy thêm học thêm, hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài và chú trọng công tác truyền thông trong ngành và các nhà trường để giới thiệu, lan tỏa những hoạt động ý nghĩa của ngành đến với cha mẹ học sinh và xã hội…