Đừng biến sinh viên thành rô bốt
Phát biểu mở đầu Tọa đàm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, vấn đề kết nối giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp không mới, các trường là nơi cung cấp nguồn nhân lực, doanh nghiệp coi trường như bạn hàng, hai bên đến với nhau có động lực cùng lợi ích và áp lực không hợp tác không thể tồn tại. Tuy nhiên, chỉ khi nào áp lực và động lực song hành, gắn kết mới bền vững, trở thành tự thân và không rơi vào phong trào.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Tọa đàm
“Thực tế sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp đã có, đã ký kết nhiều văn bản hợp tác nhưng kết quả đạt được chưa cao. Lần này sẽ phải làm khác, thiết thực. Nhà trường, doanh nghiệp và nhà nước phải thực sự đồng hành với nhau, không ai đặt cao hơn ai, tiến tới xây dựng hệ sinh thái sáng tạo khởi nghiệp, cộng sinh với nhau, phát triển bền vững. Vì sự phát triển chung của đất nước”.
Cho rằng, khởi nghiệp CNTT là thông minh nhất, tạo ra tăng trưởng nhanh nhất, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, nhu cầu việc làm CNTT rất lớn, theo tính toán đến năm 2020, Việt Nam cần 1 triệu cử nhân công nghệ thông tin, đây là cơ hội cho các trường đại học đào tạo chuyên ngành này.
“Vấn đề đặt ra là chất lượng đào tạo. Các trường phải đào tạo thế nào? Doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo đến đâu hay chỉ cấp học bổng hoặc cho sinh viên thực tập như hiện nay?” - Bộ trưởng đặt vấn đề.
Theo người đứng đầu ngành Giáo dục, phải bắt đầu với chương trình đào tạo, thiết kế chương trình đào tạo từ nhu cầu của thị trường, có tính đến sự thay đổi về khoa học công nghệ, các trường phải tiếp cập thị trường với tinh thần phục vụ chứ chỉ đưa ra những gì mình có sẽ khó thành công. Trong đó lưu ý đến Tiếng Anh, kỹ năng làm việc nhóm.
Bộ trưởng cũng đề cập tới đổi mới tư duy quản trị đại học trong mỗi nhà trường. “Các nhà trường phải thay đổi phương thức đào tạo, giảm bớt hàn lâm, tăng cường đưa sinh viên đi thực tập, để các em được “nhúng mình” vào các doanh nghiệp, như trường y với bệnh viên. Đây là cuộc cách mạng trong đổi mới tư duy quản trị đại học - quản trị theo mục tiêu”.
“CNTT rất đặc thù, nhưng đào tạo thế nào để đừng biến sinh viên thành rô bốt trong khi sinh viên CNTT có thể biến rô bốt thành con người” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cảnh báo.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Bộ, ngành có trách nhiệm đồng hành với doanh nghiệp, nhà trường. Rà soát chính sách tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện chính sách và thay đổi chính sách trong thẩm quyền đáp ứng yêu cầu thực tiễn. “Các Bộ, ngành cần kết hợp với nhau để có hệ cơ chế chính sách hợp lý”.
“Hôm nay chúng ta khởi đầu cho một chuỗi hoạt động, vai trò của bộ ngành hỗ trợ, quyết định thành công hay không là nhà trường và doanh nghiệp. Các trường tư duy đi xin, doanh nghiệp tư duy đi cho, thì không bền. Các trường cần quyết liệt đổi mới, tạo ra những đột phá từ trường, khoa, thầy cô, nhóm sinh viên đổi mới, kích hoạt thực sự, không đặt ra phong trào. Đây là sự nghiệp vừa trước mắt vừa lâu dài, không nóng vội nhưng thong thả như thời gian vừa qua cũng không được” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ.
Đã đến lúc “hai là một”
Phát biểu tại Toạ đàm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, khi Đảng ta tròn 100 tuổi và trở thành nước phát triển vào năm 2045, khi chúng ta tròn 100 năm tuyên bố độc lập.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Tọa đàm
“Điều quan trọng để đạt được khát vọng này là phải dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, dựa vào công nghệ, dựa vào các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp công nghệ số, công nghệ ICT” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng TT&TT, ICT là nền tảng của cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0; của chuyển đổi số; của kinh tế số và xã hội số. Trong cuộc cạnh tranh về nhân lực, nước nào có nguồn nhân lực tốt, đáp ứng nhanh nhu cầu của thay đổi công nghệ, làm chủ công nghệ dùng công nghệ để giải quyết tốt các bài toán của nước mình thì nước đó sẽ chiến thắng. Trong cuộc cạnh tranh này nhân lực sẽ là một lợi thế của Việt Nam nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán cung cầu về nhân lực giữa nhà trường và thị trường, đổi mới đào tạo để đáp ứng nhu cầu của đào tạo để đáp ứng sự thay đổi của thời đại.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặt câu hỏi: “Đầu ra của nhà trường là doanh nghiệp nhưng nhà trường đã hiểu doanh nghiệp, đã nắm theo doanh nghiệp quyết định sản phẩm của mình chưa? Để có nhân lực tốt cho mình thì doanh nghiệp đã tham gia với nhà trường để thiết kế sản phẩm hay chưa hay hai đối tượng này vẫn rất xa nhau, vẫn đổ lỗi cho nhau?”.
Từ đó, Bộ trưởng khẳng định, đã đến lúc tuy hai là một. Doanh nghiệp và các trường đại học đào tạo CNTT cần phối hợp chặt chẽ với nhau vì “Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là nhân lực thì doanh nghiệp phải đầu tư vào nguồn lực tài nguyên này”.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cam kết Bộ thông tin và truyền thông luôn quan tâm và tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp kết nối ICT và cơ sở giáo dục đại học. Bộ trưởng cũng mong các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ sở đào tạo gắn kết đào tạo chặt chẽ hơn nữa trong giai đoạn tới để đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường về ICT, góp phần hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường.
Cung chưa đáp ứng nổi cầu
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện tỉ lệ các trường đại học, cao đẳng đào tạo CNTT ở nước ta chiếm 37,5%, mỗi năm có khoảng 50.000 sinh viên CNTT tốt nghiệp. Thống kê của Bộ TT&TT cho thấy, số lượng việc làm ngành phần mềm và dịch vụ CNTT cả nước hàng năm tăng khoảng 30.000 lao động CNTT. Theo dự báo, đến năm 2020, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là 1 triệu nhân lực CNTT. Dự báo của Vietnamworks cũng cho thấy, tới năm 2020, nước ta còn thiếu 400.000 lao động CNTT và mỗi năm cần cung ứng mới tới 78.000 lao động.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tham quan gian hàng trưng bày sản phầm của doanh nghiệp trong khuôn khổ Tọa đàm
Mặc dù nhu cầu nguồn nhân lực ICT lớn như vậy nhưng theo ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh - HCA, hiện nay, các chương trình đào tạo ngành CNTT trong nước được cho là chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, đặc biệt là trong việc đào tạo kỹ sư chất lượng cao. Hiện chỉ có khoảng 27% lao động CNTT là có thể đáp ứng yêu cầu, số còn lại 72% cần phải được đào tạo bổ sung trong thời gian tối thiểu 3 tháng.
Theo ông Phí Anh Tuấn, sinh viên CNTT của Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức như: Tốc độ phát triển công nghệ quá nhanh : AI, IoT, Blockchain …; tiếp cận ứng dụng truyền thống thay đổi tương ứng với công nghệ ; các kỹ năng cần thiết của người lao động cũng thay đổi đáp ứng phân công lao động toàn cầu; kỹ năng cho Start-up còn mới với sinh viên. Bởi vậy, sinh viên CNTT cần phải cập nhật, cải tiến thường xuyên cho nhu cầu “chất lượng cao” của nguồn nhân lực CNTT và cũng cần có sự phối hợp đa dạng giúp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT.
Trong tham luận về “Kết nối cung - cầu nhân lực trong kỷ nguyên số: Thực trạng và xu thế”, PGS.TS. Trần Thị Thái Hà, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGDVN) cho rằng, hạn chế hiện nay đối với các trường đại học trong đào tạo CNTT là chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu trong khi sinh viên cũng còn thụ động, không chỉ lúng túng trong chọn trường mà còn khó tìm việc và chưa sẵn sàng tâm thế cho tương lai.
Để có thể sẵn sàng chuẩn bị được nguồn nhân lực ICT cho tương lai, PGS.TS. Trần Thị Thái Hà cho rằng các trường cần đổi mới các nội dung dạy và học. Dạy và học đều phải dựa trên năng lực, phát triển các kỹ năng cho thế kỷ 21. Bên cạnh đó, phương pháp dạy - học cũng phải chú trọng tới thực hành là chính và tiếp cận với những đòi hỏi mới của thị trường.
Từ thực tế đào tạo, PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định, nhân lực ICT đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của mọi lĩnh vực, không phải chỉ của chính lĩnh vực ICT. Vấn đề hiện nay là để đào tạo được nguồn nhân lực ICT đáp ứng yêu cầu, cần rất nhiều yếu tố như sinh viên phải được cung cấp một nền tảng kiến thức tốt, làm chủ công nghệ “lõi”: IoT, Big Data, AI, Blockchain…
"Sinh viên cũng cần được trang bị kỹ năng nghiên cứu độc lập, tự học tốt đảm bảo nền tảng cho cập nhật công nghệ, kỹ năng làm việc nhóm và Tiếng Anh tốt, kỹ năng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…, mà điều này cần có sự phối hợp chặt chẽ từ cả 3 phía: Trường đại học - doanh nghiệp và Nhà nước" - ông Sơn cho hay.
Nói về kinh nghiệm có thể tuyển dụng được nguồn nhân lực ICT trình độ cao và chia sẻ góp ý với các trường đại học trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT, đại diện lãnh đạo Samsung Việt Nam cho biết, sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các trường trong lĩnh vực này là rất quan trọng.
Samsung là doanh nghiệp IT có 8 Công ty thành viên tại các tỉnh, thành và 1 trung tâm nghiên cứu phát triển điện thoại tại Hà Nội. Hiện Samsung hợp tác với nhiều trường Đại học của Việt Nam, cung cấp nhiều học bổng cho sinh viên ngành CNTT. Đại diện Lãnh đạo Samsung Việt Nam Việt Nam cho rằng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT, các trường cần liên tục cập nhật công nghệ mới, đồng thời phải đầu tư cơ sở hạ tầng để sinh viên có thể tăng thời gian thực tập, trải nghiệm công nghệ mới.
Tại Tọa đàm, ngoài 4 tham luận chính, các đại biểu cũng tập trung trao đổi ý kiến tại 2 phiên thảo luận về “Giải pháp về cơ chế chính sách để gắn kết cung cầu trong đào tạo nhân lực ICT trình độ cao”; “Giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực ICT trình độ cao”.