Sáng 15/6, ông Phạm Văn Đại đến trụ sở làm việc trong tâm thế thoải mái sau khi kết thúc ba ngày thi vào lớp 10. "Cả hệ thống chính trị, xã hội đã vào cuộc và đến lúc này có thể khẳng định kỳ thi diễn ra thành công, vừa đảm bảo công tác phòng chống Covid-19, vừa đảm bảo việc tuyển sinh diễn ra thuận lợi, đánh giá được chất lượng giáo dục", ông Đại nói.
Kỳ thi vào lớp 10 công lập ở Hà Nội diễn ra trong bối cảnh chưa từng có. Hai năm qua, học sinh phải trải qua nhiều đợt học online do Covid-19. Tháng 5, giai đoạn ôn thi nước rút thì các em phải học online vì trường học đóng cửa phòng dịch. Ông Đại cho rằng lãnh đạo thành phố và ngành giáo dục đã phải đưa ra những quyết định khó khăn, đôi khi khiến phụ huynh chưa hài lòng.
Dựa trên đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đầu tháng 4 thành phố quyết định lùi kỳ thi vào lớp 10 từ 29-30/5 sang ngày 10-11/6. Sở nhận thấy học sinh cuối cấp gặp nhiều khó khăn trong học tập và rèn luyện do ảnh hưởng của Covid-19. Việc lùi lịch nhằm tạo thuận lợi, giúp các em có thêm thời gian ôn tập.
Phó giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại. Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại.
Đến giữa tháng 5, khi Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội ghi nhận tới hơn 400 ca, trong đó có chùm ca bệnh ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện K, lãnh đạo thành phố và ngành giáo dục vẫn tin tưởng dịch ở Hà Nội sẽ được kiểm soát tốt, kỳ thi diễn ra đúng kế hoạch.
"Chúng tôi cũng xác định chỉ trường hợp bất khả kháng mới phải lùi lần nữa bởi làm như vậy học sinh sẽ rất mệt và áp lực. Nếu lùi lịch, kỳ thi này sẽ sát kỳ thi tốt nghiệp THPT, gây khó khăn trong khâu tổ chức. Nếu để sau thi tốt nghiệp THPT thì không biết đến bao giờ mới có thể diễn ra", ông Đại chia sẻ.
Đến đầu tháng 6, số ca nhiễm ở Hà Nội chỉ lẻ tẻ, nhưng các tỉnh lân cận dịch đang rất nóng. Tổ chức thi cho hơn 93.000 thí sinh đồng nghĩa phải huy động tới hơn 14.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi. Việc đảm bảo công tác phòng chống dịch cho số lượng lớn người như vậy là thách thức rất lớn. Nhiều phụ huynh mong muốn chuyển từ thi sang xét tuyển.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã lấy ý kiến giáo viên, phụ huynh và cả học sinh các trường THCS để trình UBND thành phố lùi lịch thi từ 10-11/6 sang ngày 12-13/6, rút ngắn thời gian làm bài các môn tự luận là Toán và Ngữ văn từ 120 xuống 90 phút, môn trắc nghiệm Lịch sử và Tiếng Anh từ 60 xuống 45 phút. Thay vì thi ba buổi, thí sinh sẽ chỉ làm bài hai buổi sáng 12-13/6. Các buổi chiều, lực lượng phục vụ sẽ vệ sinh, khử khuẩn điểm thi.
Theo ông Đại, việc lùi hai ngày nhằm để kỳ thi diễn ra vào đúng thứ bảy, chủ nhật. Những ngày này, người dân không đi làm, hàng quán đóng cửa phòng dịch nên nhu cầu ra ngoài không cao, giao thông sẽ thuận tiện. Các lực lượng chức năng có thể dồn toàn lực hỗ trợ cho kỳ thi. Phụ huynh cũng được nghỉ làm, có thời gian đưa đón, chăm sóc, động viên con nhiều hơn.
Thời gian làm bài mỗi môn cũng được tính toán sao cho phù hợp. Ông Đại nhớ lại khi đề xuất rút ngắn thời gian làm bài, cả lãnh đạo, chuyên gia, đại diện các trường đều đặt ra câu hỏi ngược lại "Tại sao không rút sâu hơn", "Tại sao lại là 90 phút và 45 phút"? Những con số này đều dựa trên thực tế thi cử ở trường THCS. 90 phút bằng hai tiết học, 45 phút bằng một tiết, đúng thời gian kiểm tra định kỳ trên lớp với các môn tương ứng, giúp học sinh dễ thích nghi.
Thời gian thi Toán và Ngữ văn không thể giảm sâu hơn nữa bởi phải 90 phút các em mới thể hiện được điểm mạnh trong bài làm. Với hai môn trắc nghiệm Ngoại ngữ và Lịch sử, 45 phút mới phù hợp với 30 câu hỏi, đảm bảo có câu phân loại.
"Sở đã phải suy nghĩ, cân nhắc rất nhiều bởi thời điểm đó dịch vẫn chưa ổn định hẳn. Đó là đề xuất của cả tập thể, chứ không của riêng cá nhân nào. Phương án đã được UBND thành phố đồng ý ngay chiều 2/6", ông Đại nhớ lại.
Thí sinh vui vẻ sau khi hoàn thành kỳ thi vào lớp 10. Ảnh: Dương Tâm.
Sau khi quyết định thời gian làm bài từng môn, đội ngũ thầy cô làm đề phải nghiên cứu để có sự điều chỉnh phù hợp. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo làm đề thi ngắn, giảm tải hơn nhưng vẫn đảm bảo tính phân loại để chỉ lấy khoảng 62% trong số hơn 93.300 thí sinh dự thi, đội ngũ làm đề đã đáp ứng.
Sau kỳ thi, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhận được phản hồi tích cực của nhiều giáo viên, phụ huynh về đề thi. "Hầu hết ý kiến cho rằng đề nhẹ nhàng, phù hợp và đảm bảo công tác tuyển sinh diễn ra thuận lợi", ông Đại thông tin.
Lãnh đạo Sở cũng nhận được lời cảm ơn từ nhiều người vì đã quyết tâm tổ chức thành công kỳ thi. Đây là bài học cho công tác vừa phòng chống dịch, vừa nâng cao chất lượng, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày 7-8/7 sắp tới.
Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập diễn ra trong hai ngày 12-13/6 với sự tham dự của hơn 93.000 thí sinh tại 184 điểm thi, tăng khoảng 10.000 em sẽ với năm ngoái và lớn nhất cả nước. Trong hai ngày thi, gần 280 thí sinh vắng mặt, trong đó có 38 em không dự thi do ảnh hưởng của Covid-19 (một em F0, 20 em F1, 7 F2 và 10 em ở trong vùng phong tỏa).
Hiện, nhiều địa phương chưa thể tổ chức kỳ thi vào lớp 10 do Covid-19, như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP HCM. Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định hủy thi, chuyển sang xét tuyển.