Thanh xuân là những trang giáo án
Với kinh nghiệm 27 năm dạy học, cô An đã đồng hành với biết bao thế hệ học trò. Thanh xuân của cô là những trang giáo án, gắn liền với bục giảng và phấn trắng, bảng đen. Cô tâm niệm, là giáo viên chủ nhiệm phải đồng hành với học trò, song hành cùng các em trong học tập. Trong quá trình dạy học, cô áp dụng nhiều sáng kiến nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Những sáng kiến đó đã đơm hoa kết trái.
Chia sẻ một số kinh nghiệm về việc phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong công tác chủ nhiệm, cô An bật mí: “Đầu năm học, khi nhận lớp, giáo viên khuyến khích học sinh xung phong nắm giữ các chức vụ trong lớp. Với các vị trí quan trọng như lớp trưởng, lớp phó, tôi cho học sinh tự ứng cử bằng một bài phát biểu trước tập thể lớp. Tất nhiên với học sinh tiểu học, chỉ cần các em phát biểu mạch lạc, phong thái tự tin là tốt lắm rồi. Thông qua đó, tôi có thể phát hiện và bồi dưỡng thêm với những em có tố chất”.
Cô An cũng cho biết: Với các vị trí tổ trưởng, tổ phó, bàn trưởng, giáo viên thực hiện chế độ “luân phiên” sao cho trong năm học, tất cả học sinh đều được trải nghiệm công việc này. Qua đó rèn luyện cho các em kỹ năng quản lý, tự sắp xếp công việc. Quan trọng hơn là rèn kỹ năng tự tin, cách làm việc nhóm của học sinh.
Vốn là người giản dị, nhiệt huyết trong công việc và sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp, cô An luôn tìm tòi, sáng tạo và biết cách làm mới tiết dạy của mình. Cô luôn chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin và tự tay làm đồ dùng dạy học. Cô gần gũi và động viên những học sinh chưa tích cực, tạo điều kiện cho các em hòa đồng với tập thể lớp. Thông qua đó, giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp, tiến bộ trong học tập và rèn luyện.
Khi dạy học online, cô luôn thay đổi hình thức phù hợp với tâm lý học sinh như: Tạo ra các hoạt động gắn kết trên trang palet, phát động thi đua trên ClassDojo; đồng thời sử dụng nhiều phiếu quà tặng phù hợp khi học sinh có tiến bộ mỗi tuần.
Cô Lê Thị Hồng An. Ảnh: NVCC
Nhiều đổi mới, sáng tạo
“Tôi luôn lắng nghe những điều học sinh nói, tôn trọng và coi các em như người bạn. Những gì mà một số giáo viên cấm thì tôi lại mở. Chẳng hạn, thay vì yêu cầu học sinh bắt buộc phải bật camera khi học trực tuyến, tôi dùng từ khuyến khích học sinh bật camera. Có một số giáo viên cấm học sinh chat, nhưng tôi cho phép các em sử dụng và vẫn trong vòng kiểm soát của mình” - cô An chia sẻ đồng thời nhìn nhận: Nhiều giáo viên và phụ huynh cảm thấy áp lực khi chuyển sang phương thức dạy - học trực tuyến, nhưng với bản thân, đó là động lực để đổi mới sáng tạo trong dạy học; trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.
Không chỉ là giáo viên “cốt cán” của trường, cô An còn là cây viết sáng kiến kinh nghiệm. Trong đó, cô tâm huyết nhất là sáng kiến kinh nghiệm dạy Tập làm văn miêu tả lớp 5. Sáng kiến này từng đoạt giải C cấp thành phố và trở thành “cẩm nang” để nhiều đồng nghiệp trong và ngoài trường nghiên cứu tham khảo, vận dụng vào thực tế giảng dạy. Quan trọng là đã khơi dậy cho học sinh niềm yêu thích môn Tiếng Việt và “thoát ly” được văn mẫu.
Ngoài ra, cô An còn là đồng tác giả của 12 đầu sách dành cho cán bộ quản lý và sách tiểu học, trong đó có sách về thực hành STEM. Mỗi trang sách là những kiến thức bổ ích hướng dẫn cho các trường triển khai thực hiện giáo dục STEM một cách linh hoạt, có hệ thống. “Tôi vừa là người viết sách, vừa là người thực nghiệm cho học sinh của mình nên cũng đã có kết quả và hiệu ứng tích cực” - cô An cho hay, đồng thời tự nhận đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm cũng như có thêm trải nghiệm thú vị từ việc viết sách. Với cô, viết sách cũng là tích lũy kinh nghiệm, chia sẻ chuyên môn với đồng nghiệp. Quan trọng hơn là lan toả tri thức đến các thế hệ học trò qua từng trang sách.
Nhận xét về đồng nghiệp của mình, cô Nguyễn Lan Anh - giáo viên Trường Tiểu học Thành Công A cho hay: “Cô An rất say nghề. Chúng tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ cô, đặc biệt là trong công tác chủ nhiệm. Bởi cô An luôn có phương pháp quản lý lớp linh hoạt, sáng tạo và tích cực. Trong dạy học, cô An có nhiều sáng kiến, sáng tạo để chúng tôi học tập noi theo”.
Cô Lương Hồng Mai - Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Thành Công A cho biết: Cô An có thâm niên là khối trưởng khối 4, 5. Cô có trình độ chuyên môn tốt, có uy tín cao với học sinh, phụ huynh và luôn nhiệt tình, sẵn sàng dìu dắt giáo viên trẻ. Cô là giáo viên có nhiều sáng kiến kinh nghiệm và luôn chủ động đổi mới phương pháp dạy – học, trong đó phải kể đến sáng kiến phương pháp dạy học bằng sơ đồ tư duy đối với môn Tập làm văn. Cô An cũng là một trong những giáo viên đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Vì thế, tiết dạy trực tuyến của cô luôn sinh động, hấp dẫn học sinh. Nhiều giáo viên trong trường đã học hỏi kinh nghiệm và vận dụng phương pháp dạy học tích cực của nữ nhà giáo.
Là phụ huynh của em Tuệ Minh, anh Nguyễn Lê Hùng bày tỏ tin tưởng và hài lòng khi con mình được học lớp cô An chủ nhiệm. Anh Hùng nhận xét: Cô An là người nhiệt tình, sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất để học sinh học tập; đồng thời tương tác rất tốt với phụ huynh trong mọi hoạt động giáo dục. “Trong thời gian học online, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ từ cô, nhất là việc hướng dẫn con cái tự học ở nhà” – anh Hùng nói.
Thực tế, có giáo viên còn lúng túng khi dạy học theo Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Một số giáo viên vẫn còn “tham” nhồi nhét kiến thức cho học sinh khiến giờ học trở nên nặng nề và quá tải. Tôi cho rằng, nghề nào cũng cần đam mê và tâm huyết. Có như vậy, giáo viên sẽ biết cách để xây dựng những giờ học hạnh phúc để cô – trò được hạnh phúc. - Cô Lê Thị Hồng An