Được về nhận công tác tại trường THPT Tùng Thiện, thị xã Sơn Tây, cô giáo Tạ Thị Thanh Lê như được trở lại ngôi nhà của mình bởi ngôi trường này là nơi đã gắn bó với cô từ thời thơ ấu. Có mẹ đã từng làm việc tại trường, nên cô luôn canh cánh trong lòng những vất vả, hi sinh thầm lặng của các thầy cô giáo chuyên chở con đò tri thức cho bao thế hệ học trò. Bùi ngùi nhớ lại kỷ niệm xưa, cô giáo Tạ Thị Thanh Lê chia sẻ: Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh các gia đình trong khu tập thể quét lá để đun, dậy sớm đi gánh nước, ở trong những gian tập thể chật chội nhưng vẫn cố gắng tăng gia trồng rau, nuôi lợn, vẫn cưu mang giúp đỡ các anh chị học sinh, chia sẻ từng củ sắn, củ khoai, bo bo, mì ép, có chút cơm độn cha mẹ vẫn luôn nhường cho các con phần cơm trắng. Hay như mẹ tôi nhiều hôm đi dạy về đã trưa, chỉ ăn vội lưng cơm nguội rồi lại vội vàng đạp xe đi dạy tiếp cách nhà 10 km để bổ túc thêm cho học sinh trường nghề gần đó. Tất cả đã trở thành những bài học thiết thực, quý giá để tôi trưởng thành. Ngưỡng mộ, biết ơn, thấu hiểu những nhọc nhằn, lo âu của thầy cô khi đảm nhiệm sứ mệnh “trồng người” cao cả, tôi đã chọn nghề dạy học, nguyện bước tiếp con đường thầy cô mình đã đi. Thật vinh dự, tự hào khi được trở lại mái trường xưa trên cương vị mới - là một giáo viên dạy môn tiếng Anh, tôi đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với nghề, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong công việc, cống hiến hết mình vì học sinh và ngôi trường thân yêu.
Niểm vui bên học trò
Dạy học ở ngôi trường xa trung tâm Thành phố, cô giáo Tạ Thị Thanh Lê luôn trăn trở về thực tế học sinh có tâm lý e ngại lảng tránh môn tiếng Anh mặc dù các em được làm quen với tiếng Anh từ rất sớm, nhưng lại chỉ chăm chăm học ngữ pháp, hay từng từ mới riêng biệt để rồi hầu hết các em bị hạn chế khi giao tiếp với người nước ngoài. Vì vậy, cô đã tìm tòi đổi mới phương pháp dạy và học tiếng Anh theo hướng không chỉ tập trung vào kỹ năng đọc và viết, mà coi trọng cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết để học sinh có thể chủ động làm tốt các dạng bài thi, đồng thời tự tin hơn khi giao tiếp bằng tiếng Anh, khắc phục tình trạng học sinh vùng nông thôn học tốt ngữ pháp nhưng giao tiếp tiếng Anh không hiệu quả. Liên tục từ khi về công tác tại trường THPT Tùng Thiện, cô đã đúc rút kinh nghiệm viết các sáng kiến để cải thiện kỹ năng nói ở học sinh như “Hướng dẫn trò chơi ngôn ngữ trong các hoạt động dạy học tiếng Anh”; “Hướng dẫn học sinh làm powerpoint để làm kỹ năng thuyết trình”; “Hướng dẫn học sinh khai thác fanpage để tạo sổ từ”. Đặc biệt, năm học 2018-2019, sau khi được tham gia khóa học bồi dưỡng về kiến thức chuyên môn, phương pháp giảng dạy cho giáo viên THPT, cô giáo Tạ Thị Thanh Lê thấy rất tâm đắc với cách tiếp cận vấn đề từ nhiều khía cạnh của 6 chiếc mũ tư duy, cô đã chia sẻ với đồng nghiệp, cũng như hướng dẫn cho học sinh khai thác để các em có thể lĩnh hội vấn đề trên 6 tiêu chí “nhớ, hiểu, áp dụng, phân tích, đánh giá, sáng tạo” tạo cho lớp học một không khí học tập, nghiên cứu, sáng tạo, giúp học sinh tự tin trình bày ý tưởng trước toàn trường.
Luôn tâm niệm phải đổi mới và học hỏi hơn nữa, cô cũng đề xuất với BGH cho giao lưu với các trường bạn như trường THPT Hai Bà Trưng, Thạch Thất để có thể xây dựng các tiết học trực tuyến giúp học sinh được giao lưu, giao tiếp nghe nói, khám phá thế giới xung quanh, hiểu thêm về đất nước con người, địa lý, văn hóa của các nước trên thế giới. Cô giáo Thanh Lê cho biết: “Từ những tiết học như vậy, tôi thấy học sinh luôn vui vẻ, sôi nổi, hào hứng tham gia hoạt động và làm chủ kiến thức một cách tự nhiên, nhẹ nhàng nhất”.
Vừa là giáo viên dạy bộ môn tiếng Anh vừa là giáo viên chủ nhiệm, cô giáo Thanh Lê cho rằng bản thân học sinh như tờ giấy trắng, mỗi học sinh có năng lực, sở trường, có một trong các loại trí thông minh khác nhau, cái quan trọng của người thầy là làm sao có thể đóng góp một phần nhỏ giúp các em phát huy được năng lực của mình cũng như vươn lên hoàn cảnh, vượt qua mặc cảm. Nếu như học sinh thành phố có điều kiện đầy đủ về vật chất thì còn rất nhiều em học sinh ngoại thành vẫn phải vất vả bươn chải mưu sinh, thậm chí có ý định bỏ học đi làm. Đã từng được nghe các em tâm sự về chuyện mỗi lần xin tiền học của bố mẹ là một lần nghe mắng chửi, cô cảm thấy rất buồn vì bản thân các em còn đang tuổi đi học mà đã bị quấn vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền. Biết các em muốn bỏ học đi làm thêm, không muốn làm gánh nặng cho gia đình nên cô đã luôn sâu sát tìm hiểu hoàn cảnh, để từ đó phối hợp với giáo viên bộ môn, ban đại diện cha mẹ học sinh có sự quan tâm kịp thời, giúp đỡ các em, xin miễn giảm cũng như trao các suất học bổng động viên khi các em có nhiều cố gắng vươn lên trong học tập, tu dưỡng đạo đức. Cô đã cùng các thầy cô bộ môn tình nguyện dạy lại và hệ thống hóa kiến thức cho học sinh yếu kém, giúp các em vượt qua mặc cảm, tự ti, đưa ra những lời khuyên giúp các em chọn ngành, chọn trường, phù hợp với năng lực sở trường của các em, hay những học sinh đã có nền tảng kiến thức, sẽ phát huy được năng lực sở trường của mình. Dưới sự dìu dắt của cô giáo Tạ Thị Thanh Lê có nhiều em đã thi đỗ ĐH, có những em đã ra trường và có việc làm ổn định. Tiêu biểu như em Nguyễn Thị Lệ đã tốt nghiệp trường đại học Luật, em đã có công việc ổn định, xây được nhà cho bố mẹ; em Nguyễn Văn Dũng, dân tộc Mường, thi đại học trên 26 điểm, đã được nhận Bằng khen của Ủy ban Dân tộc Thành phố; em Lương Xuân Hiệp hiện đang là sinh viên Đại học Kỹ thuật quân sự; em Hạ Kim Ngân học khoa tiếng Đức trường đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN), đạt học bổng chương trình trao đổi sinh viên tại Đức…
Khi được hỏi về việc làm của mình, cô giáo Thanh Lê bộc bạch: Là một người giáo viên, tôi chỉ mong muốn góp một phần nhỏ cho cộng đồng, tham gia công tác từ thiện theo tôi quyên góp vật chất là một điều đáng quý, đáng trân trọng, nhưng xét về lâu dài cần nuôi dưỡng cho các em đam mê, khám phá năng lực, phát huy sở trường, để từ đó trang bị kiến thức, giúp các em tìm kiếm được một ngành nghề phù hợp, nuôi sống được bản thân và trở thành người công dân có ích cho xã hội. Tôi thật sự xúc động khi thấy các em trưởng thành, vươn lên hoàn cảnh.
Học sinh Chu Thị Hậu là một trường hợp khi nhắc đến cô giáo Tạ Thị Thanh Lê luôn cảm thấy tự hào. Em có hoàn cảnh đặc biệt, mẹ mất sớm, bố lấy vợ hai, sau đó không may bố em cũng mất đi, mẹ kế vất vả nuôi mấy chị em ăn học. Em phải đi làm thêm nhặt chỉ áo cho những xí nghiệp may gia công, bản thân em mắc bệnh tim nhẹ nên cô đã cùng các thầy cô trong trường luôn sát cánh, động viên, giúp đỡ em hệ thống lại kiến thức. Hậu cũng không phụ lòng thầy cô, em đã đỗ khoa Tiếng Anh kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội. Em không ngừng cố gắng vươn lên, từ đi giúp việc, làm thêm quán phở, dạy gia sư cho đến trợ giảng cho trung tâm tiếng Anh. Giờ đây em đã ra trường và đi làm cho một tập đoàn công nghệ.
Với cô giáo Tạ Thị Thanh Lê, Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo do Sở GDĐT Hà Nội và Công đoàn ngành trao tặng đã truyền cho cô có thêm sức mạnh và động lực tiếp tục chuyên chở con thuyền ước mơ, hi vọng của học sinh đến bến bờ để các em trở thành những người công dân có tài, có đức, có nhân cách tốt đẹp trong cuộc sống và tương lai.