Đến với cuộc thi tôi chỉ muốn chia sẻ về một người chị - một cô giáo mẫu mực, tâm huyết với những cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của mình. Cô giáo đó đã thắp lên ngọn lửa đam mê, cống hiến cho chúng tôi tiếp bước truyền thống tốt đẹp mà bao thế hệ giáo viên thủ đô đã tạo nên.
Đó là một người phụ nữ với vóc dáng nhỏ bé, nhưng đã làm nên những điều phi thường, những điều tốt đẹp nhất cho học trò, cho đồng nghiệp và cho mái trường mà chị đã gắn bó hơn 20 năm. Tôi viết về cô trong thời điểm ngành GDĐT đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn trong đổi mới. Và đây cũng có lẽ là thời điểm mà nhân vật trong câu chuyện của tôi cũng đang trải qua nhiều biến cố lớn trong gia đình. Nhưng bằng nghị lực và những phẩm chất tuyệt vời của người phụ nữ trong thời đại mới, cùng một lúc, chị vẫn làm tròn trách nhiệm của một người con, người vợ, người mẹ trong gia đình, làm rất tốt những trách nhiệm của một nhà quản lý trong trường học. Ngành Giáo dục thủ đô nói riêng và Giáo dục Việt Nam nói chung cần những con người như vậy, đó thực sự là tấm gương sáng cho các thế hệ giáo viên, nhất là thế hệ trẻ noi theo và học tập. Người phụ nữ đó là cô giáo Lưu Thị Lập - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình tri thức, giàu truyền thống hiếu học. Người cha sinh thành của cô là một nhà sư phạm, một nhà quản lý giáo dục uy tín trong ngành, cộng thêm bản tính cần cù, chịu khó và chỉn chu trong công việc, cô giáo Lưu Thị Lập có thừa những cơ hội để làm việc và cống hiến ở những vị trí ngành nghề được trọng dụng trong xã hội. Nhưng với niềm đam mê, lòng yêu nghề và ước mơ làm những điều lớn lao hơn trong dạy học, cô giáo Lưu Thị Lập về công tác tại một ngôi trường nhỏ bé, mờ nhạt, cơ sở vật chất còn rất khó khăn trong hệ thống giáo dục phổ thông ở Hà Nội và phải tự chủ hoàn toàn về tài chính. Nhưng chính tại nơi mà ai cũng kêu khổ, kêu vất vả; học sinh chưa thật ngoan, chưa thật giỏi; cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, lại là nơi cô gắn bó suốt 20 năm cho đến tận bây giờ. Với cô, ngôi trường THPT Hoàng Cầu chính là gia đình thứ 2 của mình. Cô giáo Lưu Thị Lập đã đem hết khả năng, tâm huyết, lòng yêu nghề, yêu trò để đưa ngôi trường THPT Hoàng Cầu ngày càng phát triển hơn, có chỗ đứng trong lòng phụ huynh học sinh và hệ thống giáo dục phổ thông ở Hà Nội.
Tôi không bao giờ có thể quên được cách đây 5, 6 năm trở về trước, rất nhiều phụ huynh đến trường tìm hiểu cho con vào học lớp 10 đã không bao giờ quay trở lại, chỉ vì lí do, cơ sở vật chất của trường còn hạn chế. Thậm chí có phụ huynh đã thẳng thừng nhận xét: “trường không bằng cái chuồng gà”. Lúc đó tôi đã nhìn thấy giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt cô giáo Lập (thời điểm cô đang giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng nhà trường). Mong muốn thay đổi ngôi trường đem đến sự hài lòng cho phụ huynh và học sinh càng trở lên mãnh liệt trong trái tim và suy nghĩ của cô. Là ngôi trường tự chủ hoàn toàn về tài chính, không được nhận sự ưu đãi như các trường công lập. Nhưng bằng năng lực tư duy nhạy bén và nhất là tình yêu thương vô bờ bến đối với các em học trò, suốt những năm tháng trên cương vị lãnh đạo, cô đau đáu một quyết tâm, phải xây dựng, sửa chữa lại cơ sở vật chất, trường lớp khang trang, hiện đại cho học sinh được học tập tốt nhất. Phải đổi mới, đầu tư nâng cao chất lượng chuyên môn cho giáo viên. Cho đến ngày hôm nay, tuy phía trước còn vô vàn khó khăn thử thách, nhưng cô đã làm thay da đổi thịt cho ngôi trường THPT Hoàng Cầu. Trong suốt 5 năm giữ cương vị Hiệu trưởng, cô đã trực tiếp chỉ đạo, định hướng mọi mặt của nhà trường và những cống hiến đó đã được các ban ngành cấp trên ghi nhận qua bảng thành tích cá nhân (nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ GD&ĐT, UBND Thành phố Hà Nội, Sở GDĐT Hà Nội, Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo…) và tập thể nhà trường (Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu của Bộ GD&ĐT, TW Đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động Thành Phố Hà Nội, UBND TP Hà Nội, Sở GDĐT Hà Nội ...).
Để viết về cô, có lẽ tôi cũng cần đến quãng thời gian 10 năm mới đủ. Đó là quãng thời gian tôi được làm việc cùng cô, được chứng kiến tất cả những cống hiến, những thành công và cả những khó khăn, thử thách, thậm chí có những điều phải gọi tên bằng cụm từ hy sinh thầm lặng của cô dành cho ngôi trường mang tên Hoàng Cầu. Có như vậy mọi người mới có thể cảm nhận được và nhìn thấy được hình ảnh của một nhà giáo: gương mẫu, tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu; một người quản lý tài năng, đức độ, có tầm nhìn và mạnh dạn đổi mới, sáng tạo trong dạy và học; một nhà giáo đầy đam mê và cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, trong khuôn khổ yêu cầu của bài viết, tôi xin mượn lời của tác giả Nhân Tâm khi bàn về cái Tâm- Tài- Tầm của người quản lý trong các cơ sở giáo dục để nói về cô giáo Lưu Thị Lập. Trong bài viết của mình tác giả Nhân Tâm có nói: “Thật vinh hạnh và may mắn cho những ai được làm việc dưới sự lãnh đạo của người quản lý có Tâm sáng lại có thực Tài; cũng vô cùng bất hạnh và đau khổ cho những ai phải làm việc dưới sự điều hành, chỉ huy, “cai trị” của người lãnh đạo vô tâm, bất tài!”. Không chỉ tôi, các đồng nghiệp của tôi, những thế hệ phụ huynh và học trò trường tôi mà các đồng nghiệp trường bạn trong Cụm, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ Đô đều thấy tự hào, vinh hạnh về một đồng nghiệp như cô - người quản lý hội tụ đủ 3 phẩm chất: Tâm - Tài - Tầm.
Điều đầu tiên cô giáo Lập luôn nói với chúng tôi khi làm bất cứ công việc, hoạt động gì trong trường học đó là: “Người giáo viên phải luôn đặt chữ Tâm lên hàng đầu”. Và trên cương vị người quản lý, cô chưa bao giờ quên rèn luyện điều đó cho chính mình. Cái Tâm ở con người cô giáo Lưu Thị Lập thể hiện qua mục đích nghề nghiệp cô theo đuổi, qua ý thức, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, qua lối sống chuẩn mực, qua cách ứng xử trong các mối quan hệ giao tiếp với đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh và những người xung quanh. Trong bất cứ hoạt động, công việc nào, cô giáo cũng luôn là người gương mẫu đi đầu, cô nói: “Cấp trên có chấp hành nghiêm túc, thì cấp dưới mới làm theo”. Trong giao tiếp, cô rất gần gũi, thân tình, cởi mở và tôn trọng đồng nghiệp. Điều đó đã khiến chúng tôi rất nể phục, luôn cố gắng làm tốt, thực hiện tốt công việc của mình. Cô Lập vẫn luôn tâm niệm “Sự thành công của một trường học không chỉ có giáo viên và học sinh, mà còn các lực lượng hỗ trợ khác như: tổ giám thị, tổ bảo vệ, lao công, văn phòng…”. Với đặc thù ngôi trường công lập tự chủ về tài chính, hội đồng sư phạm nhà trường gồm 3 thành phần: Biên chế, cơ hữu, thỉnh giảng, nhưng dưới sự quản lý của cô, mọi người đều cảm thấy Hoàng Cầu là tổ ấm, mái nhà chung của mình, đoàn kết, yêu thương, gắn bó.
Mọi người không chỉ nể phục cô giáo Lưu Thị Lập ở cái Tâm, mà còn bị thu phục, kính trọng bởi Tài năng của cô. Cái Tài của người phụ nữ ấy thể hiện trước hết qua năng lực quản lý, điều hành, thể hiện qua kiến thức chuyên môn, óc sáng tạo trong xây dựng kế hoạch và triển khai công việc. Minh chứng cho điều đó được thể hiện qua những kết quả, thành công được các cấp trên ghi nhận cho sự nỗ lực của cá nhân cô và tập thể nhà trường. Trong công việc, cô nắm rất rõ điểm mạnh và hạn chế của từng người và từ đó giao việc phù hợp với mỗi cá nhân để mọi người đều có thể cống hiến, phát huy hết khả năng, đạt kết quả cao nhất. Không chỉ giỏi trong quản lý, nâng cao chất lượng chuyên môn, giảng dạy, khó khăn lớn nhất đặt ra cho người đứng đầu cơ sở giáo dục công lập tự chủ về tài chính đó là vấn đề sáng tạo về kinh tế giáo dục. Mọi hoạt động của nhà trường đều dựa vào nguồn thu học phí. Trong 5 năm qua, mức học phí của học sinh biến động không nhiều, những bằng năng lực, tư duy khoa học, tầm nhìn chiến lược, cô đã xây dựng hiệu quả kế hoạch thu chi tài chính của nhà trường.
Con người của cô giáo Lưu Thị Lập hội tụ cả 2 phẩm chất Tâm và Tài, chính vì vậy cô luôn biết xác định mục tiêu lâu dài cho sự phát triển của nhà trường và đó cũng chính là cái Tầm của người quản lý. Trong quá trình xây dựng kế hoạch cô luôn đón đầu được sự đổi mới và chiều hướng phát triển của giáo dục nước nhà. Giáo viên chúng tôi luôn cảm thấy tự tin khi đứng trước những yêu cầu, đòi hỏi và thách thức của ngành giáo dục đặt ra, học sinh của chúng tôi luôn sẵn sàng tâm thế đón nhận sự đổi mới trong giáo dục, bởi lẽ người quản lý ngôi trường nơi chúng tôi làm việc đã luôn tạo ra một môi trường để chúng tôi được thử sức, được tập dượt, được chuẩn bị tốt nhất cho mọi sự đổi mới chung của ngành. Đó là điều mà nhiều mô hình giáo dục chưa làm được.
Năm tháng đã lấy đi nhiều sức khỏe, nếp nhăn cũng nhiều lên theo thời gian trên gương mặt người phụ nữ đó, nhưng những gì cô giáo Lưu Thị Lập đã làm được, đã cống hiến cho sự lớn mạnh của ngôi trường THPT Hoàng Cầu thì không ai có thể phủ nhận. Trong Hội nghị Công chức - viên chức - giáo viên năm học 2018-2019, cô đã phát biểu: “tất cả chúng ta, tôi và các đồng chí sẽ cố gắng xây dựng trường THPT Hoàng Cầu hướng tới mục tiêu: Thầy mẫu mực- Trò chăm ngoan- Trường khang trang - Lớp thân thiện, để ngôi trường này mãi là quả cầu vàng lung linh tỏa sáng, đúng như tên gọi” ,“Thầy cô chúng ta hãy cùng nhau xây dựng lớp học hạnh phúc để làm nên một ngôi trường hạnh phúc” và đến thời điểm này, cô giáo Lưu Thị Lập cùng với hội đồng sư phạm nhà trường đang dần đi đến cái đích của mình đề ra.
Qua bài viết, cá nhân tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến cô giáo Lưu Thị Lập - người đã thắp lên ngọn lửa của đam mê, của tình yêu, của niềm tin cho tôi vững bước trên bục giảng.