Người dân Hà Nội tất bật làm bánh chưng Tết
Tại làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) trong những ngày này, đi đâu ta cũng có thể bắt gặp màu xanh tràn ngập của lá dong, mùi thơm ngậy của đậu xanh cùng nồi luộc bánh chưng bốc khói trên bếp lửa bập bùng.
Bánh chưng Tranh khúc, đặc sản nức tiếng đất Hà Thành từ lâu đã trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô. Người làng Tranh Khúc làm bánh quanh năm, nhưng nếu chỉ tính riêng mỗi dịp Tết đến xuân về, thì người dân nơi đây hàng năm đều đặn ra lò cả vạn chiếc bánh to nhỏ khác nhau.
Vào dịp giáp Tết Nguyên Đán, nếu đi dọc các con đường trong làng thì sẽ không khó để bắt gặp những đống lá dong rừng lớn, được chở về từ Thanh Hóa, Nghệ An với giá từ 25.000 đến 30.000/100 tàu.
Lá dong khi mới mang về sẽ được nhúng nước cho tươi.
Sau đó đến khi chuẩn bị gói sẽ được cọ sạch sẽ nhiều lần bằng bàn chải.
Theo bà Đặng Thị Thắng (50 tuổi, người làng Tranh Khúc), công việc chuẩn bị nguyên liệu sẽ được tiến hành vào sáng sớm. Đến khoảng 9, 10 giờ sẽ bắt đầu gói bánh và xếp vào nồi luộc luôn để kịp giao cho khách vào sáng hôm sau.
Loại đỗ xanh được nhà bà Thắng sử dụng phải là loại thơm, vàng, hạt to đều.
Nhân bánh được nặn sẵn thành những nắm tròn, đậu xanh bao quanh miếng thịt ba chỉ đã ướp sẵn muối, tiêu.
Hầu hết các hộ gia đình trong làng Tranh Khúc đều gói bánh theo đơn đặt hàng. Tùy mức giá khách đặt, từ 40.000, 50.000 đến 60.000 đồng thì người gói sẽ có sự cân chỉnh tỉ lệ các nguyên liệu cho phù hợp.
Người dân Tranh Khúc gói bánh thành nghề nên không cần khuôn vẫn có thể gói được 3, 4 chiếc bánh chưng vuông vức trong 1 phút.
Để đẩy nhanh tiến độ, các khâu làm bánh được chia nhỏ cho nhiều người và hoạt động theo kiểu dây chuyền, rất công nghiệp.
Bánh chưng loại to
Bánh chưng loại nhỏ
Sau khi gói, bánh sẽ được xếp chặt vào nồi. Tùy vào kích cỡ mà mỗi nồi có thể xếp từ vài chục đến cả trăm chiếc bánh to, nhỏ.
Sau khi được bơm ngập nước, nồi bánh sẽ được bắc lên bếp. Những nồi nhỏ sẽ được luộc bằng bếp than, bếp củi. Nồi to luộc bằng bếp điện. Bánh sẽ được luộc trong 8 tiếng nếu trời ấm, và 10 tiếng nếu trời lạnh.
Dù sản xuất bánh rất nhanh với số lượng lớn, nhưng người dân Tranh Khúc vẫn rất chú ý đến việc đảm bảo chất lượng bánh, các khâu làm bánh dù cầu kì, vất vả nhưng vẫn được giữ nguyên chứ không bỏ bớt.
Càng gần Tết Nguyên Đán, người làng Tranh Khúc càng phải chạy đua với thời gian để kịp giao hàng cho khách. Hầu hết các hộ gói bánh sẽ nghỉ từ ngày 29 Tết.