“Lẽ sống” của một con người trong cuộc đời
Sự phát triển quan trọng nhất của một con người là nhân cách/tư cách. Nhân cách/tư cách được hiểu một cách khái quát: Cốt cách làm người; Phẩm cách làm người; Cách thức nên người.
Nhân cách con người Việt vô luận trong hoàn cảnh nào cũng phải hài hòa cả 3 mặt: Giữ gìn được “Nhân tính” (sống theo đạo làm người); Bảo tồn được “Quốc tính” (sống theo truyền thống dân tộc Việt); Khẳng định được “Cá tính” (sống theo bản sắc tiến tới bản lĩnh).
Mỗi con người phải có phẩm chất nói chung một cách tích cực. Từ phẩm chất có lối sống tốt đẹp và có “lẽ sống” cao quý.
Phạm trù “lẽ sống” được từ điển tiếng Việt minh định: “Điều thường thấy ở đời được coi là hợp với quy luật, với đạo lý”.
Khi đề cập quan điểm sống, lối sống là nói những điều to tát. Còn khi đề cập “lẽ sống” dù có bình dị hơn nhưng trong đó đã bao hàm “quan điểm sống và lối sống” đồng thời cũng đề cập tới lý tưởng sống.
Bốn phạm trù “H” trong lẽ sống do thầy Hà Thế Ngữ và thầy
Hoàng Ngọc Hiến đề cập
Thầy Hà Thế Ngữ (1929-1990), thầy Hoàng Ngọc Hiến (1930-2011) là hai người thầy khả kính của giới giáo dục học Việt Nam.
Sinh thời các thầy cho môn đệ những lời huấn đức được cô đọng trong 4 phạm trù “H”:
“H1”: Sống hiện thực, đừng mơ mộng viển vông.
“H2”: Sống hiện đại, đừng nhếch nhác, luộm thuộm.
“H3”: Sống hoài bão, đừng bèo dạt mây trôi.
“H4”: Sống hẳn hoi, đừng thiếu sự chu đáo, tử tế.
Thầy Hoàng Ngọc Hiến có bình luận rất sâu sắc về sống hẳn hoi: Hẳn hoi không phải là một tiêu chuẩn quá cao, không phải thật giỏi mới hẳn hoi, không phải thật đàng hoàng, thật dũng cảm, thật “đạo cao, đức trọng” mới hẳn hoi… Hẳn hoi là một phẩm chất có thể đặt ra trong mọi lĩnh vực, ở mọi bình diện: ăn mặc hẳn hoi, nhà cửa hẳn hoi, lời lẽ hẳn hoi, một người thầy hẳn hoi, một người cha hẳn hoi, một người lãnh đạo hẳn hoi, học vấn hẳn hoi, làm ăn hẳn hoi…
Ảnh minh họa
Xã hội nào cũng có kỷ cương và lễ nghi, người hẳn hoi tiếp nhận tinh thần của kỷ cương và lễ nghi với/do lòng tự trọng chứ không bị lệ thuộc một cách mù quáng vào những quy ước của kỷ cương và lễ nghi. Xã hội nào cũng có tôn ti trật tự, người hẳn hoi không gò mình vào trật tự này nhưng rất có ý thức về lẽ phải của thứ bậc. Vài chục năm trước đây với bộ phim nổi tiếng về người Hà Nội, Trần Văn Thủy đã làm sống lại phẩm chất “tử tế” trong ý thức đạo đức của xã hội. Tuy nhiên, phẩm chất này dường như vẫn chưa được chính thức công nhận, đạo đức và hành vi được kiểm điểm theo nhiều chuẩn mực trừ chuẩn mực “người tử tế”. Phẩm chất hẳn hoi cũng có số phận tương tự. Một hiện tượng quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân loại là những gì không được người ta nhớ đến thì dần dà sẽ biến mất. Xã hội không quan tâm đến “sự tử tế”, “sự hẳn hoi” thì dần dà những người tử tế, hẳn hoi sẽ biến mất, ngược lại, xã hội còn nhớ đến những phẩm hạnh này, thì những người hẳn hoi, tử tế xuất hiện khắp nơi.
Thầy Hà Thế Ngữ thường nhắc học trò: “Phải theo tấm gương của tiền nhân nhưng phải nhớ lời khuyên của Thiền Sư Quảng Nghiêm:
“Nam nhi tự hướng xung thiên chí
Hưu hướng Như Lai hành xử hành”
(Làm trai có chí xông trời thẳm
Đừng nhọc lòng theo bước chân của Như Lai). Thiền Sư Quảng Nghiêm (1121-1190). Ông quê ở huyện Đan Phượng, Hà Nội, sống ở đời Trần rất được nhân dân kính trọng.
Bốn phạm trù “T” theo lời huấn đức của thầy Nguyễn Khắc Viện
Thầy Nguyễn Khắc Viện (1913-1997) là trưởng nam của Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm, người đề ra phương châm “Tứ tôn” cho Vua Thành Thái với nội dung: “Tôn tộc đại quy/Tôn lộc đại suy/Tôn tài đại thịnh/Tôn nịnh đại nguy” (Tôn trọng dân tộc, dòng tộc mình thì đem lại sự đoàn kết/ Tôn trọng bổng lộc, tài lộc thì đó là mầm mống của sự suy đồi/ Tôn trọng người hiền tài thì đem lại sự thịnh trị/Tôn trọng bọn cơ hội xiểm nịnh thì đem lại nguy cơ cho sự tan vỡ…).
Thầy Nguyễn Khắc Viện tích hợp trong cuộc đời hai nền văn hóa Đông – Tây. Ông có phương châm sống “4T” như sau và truyền cảm hứng của mình cho đồng chí, cho môn đệ cùng thực hiện:
- “T1”: - Có lòng tự trọng bản thân.
- “T2”: - Tạo cho mình một thế đứng vững giữa xã hội tự lập cố gắng không nhờ vả ai.
- “T3”: - Nuôi dưỡng tình người cho phong phú, gắn bó trước hết với gia đình, họ tộc và đất nước.
- “T4”: - Tạo cho mình có tâm ổn định, mình làm chủ lấy mình, đời dù có sóng gió, cái tâm mình vẫn vững vàng.
Trong một lần nói chuyện tại Viện Khoa học Giáo dục cuối những năm 70 của thế kỷ trước, ông nhắc đến “ba điều” mà Bảng nhãn Lê Quý Đôn đã nói trong “Kiến văn tiểu lục”: Con người cần “Biết sợ - biết xấu hổ - biết chịu khó/chịu khổ”. Biết sợ theo Nguyễn Khắc Viện nhấn mạnh là: “Sợ làm sai đạo lý”, “Sợ làm sai pháp lý”, “Sợ làm sai công lý”.
Bốn phạm trù “C” theo quan điểm của GS. Klaus Schwab
Ông là Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), trong bài nói chuyện đầu năm 2017 khi nhân loại sôi nổi bước vào cách mạng công nghiệp 4.0, ông có nêu: “Chúng ta đang trong thời khắc lối rẽ của lịch sử, khi phải đối mặt với những bất ổn về kinh tế, chính trị, di cư, khủng bố và có những rạn nứt về thể chế, đạo đức, năng lực, lãnh đạo …”. Ông đề ra bốn phạm trù “C” mà bất cứ người hiện đại nào, dù thuộc dân tộc nào, dù làm nghề gì cũng cần rèn luyện.
- C1: Critical thinking/ Tư duy phê phán.
- C2: Creative/ Năng lực sáng tạo.
- C3: Communication/ Năng lực giao tiếp.
- C4: Collaboration/ Năng lực hợp tác.
Ý tưởng trên của Klaus Schwab được học giả người Israel – Yuval Noah Harari nồng nhiệt tán thành.
Trong một tác phẩm ấn tượng: “Hai mươi mốt bài học cho thế kỷ 21” (do Nhã Nam và NXB Thế giới ấn hành năm 2019), Harari biểu lộ quan điểm: “Nhiều chuyên gia sư phạm cho rằng trường học nên chuyển sang việc dạy “bốn chữ C”, tức tư duy phản biện, giao tiếp, hợp tác và sáng tạo (critical thinking, communication, collaboration, creativity). Nói rộng hơn, họ tin là trường học nên giảm bớt các kỹ năng kỹ thuật và nhấn mạnh vào các kỹ năng sống đa mục đích. Quan trọng hơn cả sẽ là khả năng đối phó với thay đổi, học điều mới và duy trì cân bằng tâm lý trong các tình huống xa lạ. Để theo kịp thế giới năm 2050, bạn sẽ không chỉ cần sáng tạo các ý tưởng và sản phẩm mới mà trên hết, bạn sẽ cần tự đổi mới mình hết lần này đến lần khác”.
Harari cho rằng đi vào bối cảnh mới có tác động của 4.0 con người không lo đói rét mà con người lo sự “vô dụng” trong cuộc đời.
Mô hình (Paradigm) về lẽ sống cho thế hệ trẻ trong bối cảnh hiện đại
Tổng hợp các lời huấn đức trên có thể xây dựng công thức và Paradigm sau đề cập đến “lẽ sống” cho thế hệ trẻ trong bối cảnh hiện đại:
* Công thức về “lẽ sống” cuộc đời: F(lscđ) = f(4H + 4T + 4C)
“4H”:
- H1: Sống hiện thực.
- H2: Sống hiện đại.
- H3: Sống hoài bão.
- H4: Sống hẳn hoi.
“4T”:
- “T1”: - Sống tự trọng, tự tin.
- “T2”: - Sống có thế tự lập.
- “T3”: - Sống có tình gắn bó.
- “T4”: - Sống có tâm ổn định.
“4C”:
- C1: Critical thinking/ Tư duy phê phán.
- C2: Creative/ Năng lực sáng tạo.
- C3: Communication/ Năng lực giao tiếp.
- C4: Collaboration/ Năng lực hợp tác.