Tuổi thanh niên của Bác: Cuộc sống vừa học vừa làm
Bước chân xuống tàu tìm đường cứu nước “Suốt ngày anh Ba đẫm hơi nước và mồ hôi, mình đầy bụi than, người ta thấy anh Ba phải dùng hết tinh thần và sức lực để làm cho xong việc. Mỗi ngày đến chín giờ tối công việc mới xong anh Ba mệt lử. Nhưng trong khi các thủy thủ khác nghỉ hoặc đánh bài, thì anh Ba đọc hay viết đến mười một giờ đêm”.
Qua tiểu sử của Bác, điều có thể rút ra về vấn đề đạt tới đỉnh cao của các lĩnh vực học vấn khác nhau là: Vừa lao động vừa học tập – một giải pháp có hiệu quả đối với lớp thanh niên nghèo mà có chí vươn lên.
Ảnh tư liệu
Đáng chú ý là trước đó, cụ Phan Bội Châu đã chọn hai anh em Bác đi du học Nhật Bản mà hai anh em Bác không đi.
Năm 1923, trả lời phỏng vấn của tạp chí Ngọn lửa nhỏ (Liên Xô), Bác đã giải thích quyết định của mình như sau: “Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi đã nghe những từ ngữ tiếng Pháp: Tự do, bình đẳng, bác ái – đối với chúng tôi lúc ấy, mọi người da trắng đều được coi là người Pháp – thế là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy”.
Với trái tim, khối óc và hai bàn tay của mình, Bác đã làm tất cả mọi công việc lao động chân tay và lao động trí óc để kiếm sống, để có tiền học tập nhằm thực hiện lý tưởng cao đẹp của mình: Giành độc lập cho Tổ quốc, giành tự do và hạnh phúc cho nhân dân.
Chọn lọc và phát triển tư tưởng của tiền nhân
“Hiếu học và trọng lao động”:
Thuở bé, thân sinh Bác Hồ rất thông minh, hiếu học. Nhà nghèo, ông phải đi học mót, vừa chăn trâu vừa học. Nhờ cụ Hoàng Đường biết, giúp cho ăn học, ông đỗ Phó Bảng lúc phong trào Cần Vương lên cao, ông không muốn ra làm quan. Gương lao động và học tập của ông chắc chắn có ảnh hưởng rất lớn đối với thời niên thiếu của Bác Hồ .
Hơn nữa, thời này cũng có một số nho sĩ có quan điểm tiến bộ về mặt lao động trong giáo dục. Chẳng hạn, Hoàng giáp – Thượng thư Bộ lại Nguyễn Tư Giản (1823 – 1890), một nhà thơ thời Tự Đức, từng cho rằng: kẻ sĩ cũng phải tham gia công việc đồng áng, bởi vì “ngồi mà ăn không là xấu” mà “ngồi không, không làm lụng cũng làm cho chân tay lười biếng, thân thể bạc nhược”. Nguyễn Tư Giản là thành viên trong nhóm Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đức Hậu, Bùi Viện, dâng sớ lên Tự Đức đề nghị một chương trình canh tân mà đến nay vẫn còn có ý nghĩa. Nguyễn Tư Giản viết: “Nhà trường không phải dạy cho người ta hư văn mà phải cung cấp cái học hữu dụng, phải vừa học vừa biết làm ruộng, đó là một cách kết hợp “tri” và “hành”. Nguyễn Trường Tộ cũng viết: “Học là gì, học tức là học cái chưa biết để mà biết. Biết để mà làm việc gì? Làm ở đâu? Làm tức là làm công việc thực tế trong nước hiện nay và để việc làm hữu dụng đó cho đời sau mãi mãi”.
Hẳn là, khi theo cha vào Huế, cậu thiếu niên Nguyễn Tất Thành đã tiếp nhận được luồng tư tưởng canh tân này.
Ở Huế, Nguyễn Tất Thành còn say mê với tư tưởng khai sáng của Pháp. Nhà nghiên cứu người Nga về Hồ Chí Minh E.Kobelev kể: “Qua tác phẩm “Thú tội” của Rousseau, Thành biết được rằng chàng thanh niên Rousseau trước khi trở thành nhà khai sáng vĩ đại đã có tới mười năm lưu lạc trên các nẻo đường của các nước châu Âu và ông đã học được nhiều ở một ngành khoa học quan trọng và cũng khó khăn nhất – khoa học về cuộc sống”.
Giác ngộ học thuyết của Mác – Lênin
Về giáo dục lao động
Ngày 30/06/1923, Bác tới nước Nga Xô Viết. Qua N.K. Krupskaia, Bác tìm hiểu luận đề giáo dục lao động của Mác, luận cương của Lênin về giáo dục kỹ thuật tổng hợp.
Khi kiên quyết chống lại phái Latsalle đòi cấm lao động trẻ em, Mác đã chỉ ra: “Điều này là phản động trước xu hướng của phát triển công nghiệp”. Trong chế độ xã hội hợp lý, Mác cho rằng trẻ em từ 9 tuổi trở lên phải tham gia lao động sản xuất; đó là cơ sở cho sự tồn tại xã hội. Tuy nhiên, Mác nhấn mạnh ở xã hội tư bản điều này mang các hình thức quái gở, vì nó không có sự giáo dục thích hợp. Trong chỉ thị cho các đại biểu Hội đồng trung ương lâm thời, Mác nêu: “Trong bất luận trường hợp nào cũng phải để trẻ em lao động kết hợp với sự giáo dục hợp lý”.
Thời gian Bác ở Liên Xô giữa những năm 1920 là lúc tại đây đang triển khai rộng rãi loại trường gắn với nhà máy, công trường. Đó là trường F.Z.U (trường trung học thuộc nhà máy – xí nghiệp), một kiểu trường vừa học vừa làm, kết hợp dạy văn hóa với dạy nghề. Được sự giúp đỡ của Krupskaia và nhiều người khác, Bác đã đi thăm nhiều cơ sở kinh tế, văn hóa, các nhà trường Xô Viết. Ấn tượng của những cuộc đi thăm này cùng với việc học tập hệ thống các vấn đề lý luận giáo dục cộng sản do Krupskaia giúp đỡ chắc chắn càng thuyết phục Bác về tính hiện thực của một chế độ giáo dục công bằng với phương thức tổ chức cho thanh niên vừa học tập vừa lao động.
Phát biểu của Bác tại phiên họp đầu tiên của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 3/9/1945
Chỉ sau Quốc khánh 2/9/1945 một ngày, ngày 3/9/1945 trong phiên họp “Bàn những nhiệm vụ cấp bách của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, Bác có những lời phát biểu đầy xúc động và minh triết:
“Thưa các cụ và các chú!
Sau tám mươi năm bị áp bức, bị bóc lột và dưới chính sách ngu dân của thực dân Pháp, các bạn và tôi đều chưa quen với kỹ thuật hành chính. Nhưng điều đó không làm cho chúng ta lo ngại. Chúng ta vừa làm vừa học, vừa học vừa làm, chắc rằng chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm. Với lòng yêu nước và yêu nhân dân sâu sắc, tôi chắc chúng ta sẽ thành công”. (TT 2011, Nxb CTQG, tập 4 tr 6).
Vừa làm -vừa học, Vừa học -vừa làm với Bác không chỉ giới hạn trong kỹ thuật hành chính mà trong mọi lĩnh vực. Đó là nguyên lý phát triển của chế độ mới, chỉ cần như Bác căn dặn: “chắc rằng chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm…”.
Ngay năm học đầu tiên của chế độ mới (1945-1946), cho đến năm Bác hoàn thành Di chúc (1969), không năm nào, Bác không có thư cho thầy trò các nhà trường và Bác luôn mong mỏi ngành giáo dục thực hiện tốt nguyên lý giáo dục: Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn bó với đời sống thực tiễn. Bác dành sự quan tâm đặc biệt cho việc mở ra các loại hình huấn luyện vừa học vừa làm.
Ngày 17/8/1962, đến thăm Trường Thanh niên Lao động Xã hội Chủ nghĩa Hòa Bình (một trường có nhiều thành tựu về huấn luyện Vừa học -vừa làm, Vừa làm -vừa học), Bác ghi vào sổ vàng nhà trường: “Phải học tập tốt, lao động tốt. Cố gắng mãi, tiến bộ mãi”. Bác căn dặn “Đây là trường nông chớ biến thành nông trường”. Đồng thời Bác tâm tình: “Trước đây lúc tuổi thanh niên, Bác hoạt động ở Pháp, cũng vừa lao động, vừa học tập, nhưng lúc đó Bác lao động là lao động nô lệ cho đế quốc. Bác phải làm để tự kiếm sống, nhưng vẫn dành thì giờ để học tập, ngày lao động, đêm học tập chứ Bác không được đến trường học đâu. Vì vậy, Bác khuyên các cháu lao động tốt để trở thành người lao động xã hội chủ nghĩa”. Tháng 8/1963, tại Hội nghị tuyên giáo miền núi, Bác lại nhắc: “Cần phải chú ý phát triển loại trường thanh niên dân tộc vừa học vừa làm”.
Trong phong trào kết hợp giáo dục với lao động sản xuất thời kỳ này, ở nông thôn xuất hiện các “Đội học tốt, làm tốt” và “Hợp tác xã măng non”, Bác rất chú ý khuyến khích. Ngay trước lúc đi xa không lâu, ngày 19/5/1969, buổi sáng sau khi xem lại kỹ toàn bộ bản viết Di chúc, Bác mời cơm một số chiến sĩ miền Nam. Buổi chiều 14 giờ, các bác sĩ đến thăm bệnh cho Bác, sau đó Bác lên nhà sàn viết thư khen các cháu thiếu niên Hợp tác xã Măng non thôn Phú Mẫn (Hàm Sơn, Yên Phong, Hà Bắc). Bác viết: “Bác rất vui lòng biết các cháu vừa học tập tốt, vừa tham gia sản xuất tốt. Các cháu có nhiều cố gắng trong việc chăm sóc tốt trâu bò của hợp tác xã”.
Vừa học vừa làm: Xu thế kinh tế giáo dục của thế giới trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và được diễn đạt qua cụm từ “Learning by doing”
Có người nghĩ “Vừa học -vừa làm, Vừa làm - vừa học” là chuyện riêng của Việt Nam. Thực tế không phải như vậy. Đây là xu thế kinh tế giáo dục của thế giới trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Quý III/ 2016, một học giả Việt kiều, một nhà kinh tế giáo dục có tầm cỡ của thế giới, GS John Vũ đã xuất bản cuốn chuyên khảo giá trị “Giáo dục trong thời đại tri thức” (Nxb Lao động H. 2016) với những thông tin cô đọng và quý báu như sau:
a/ Nhân loại đang tiến sâu vào Thời đại Tri thức, ở thời đại này nhân tố chính tạo nên tiến bộ tổng thể và tiến bộ kinh tế giáo dục là tốc độ: Cá nhanh nuốt cá chậm chứ không phải là cá lớn nuốt cá bé (Tr 13).
b/ Để có thể thắng lợi trong cuộc cạch tranh này theo John Vũ trường học và doanh nghiệp phải biết kết hợp chặt chẽ với nhau.
Trường học phải giúp cho người học qua “Learning by doing” mà muốn vậy phải kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp.
Doanh nghiệp phải kết hợp với trường học giúp công nhân có ý chí học suốt đời để nâng cao kiến thức và hoàn thiện kỹ năng khi xuất hiện công nghệ mới.
c/ Nhà sư phạm phải giúp cho người học tiếp thu tri thức, kỹ năng qua Thính học – Thị học – Hành động học.
Nếu chỉ có Thính học, người học lưu lại được 10% nội dung kiến thức kỹ năng. Nếu kết hợp Thính học + Thị học (được bổ sung bằng các tranh luận…) người học sẽ lưu lại được 30% nội dung kiến thức kỹ năng.
Nếu nhà sư phạm giúp cho người học cả Thính học + Thị học + Hành động học (học qua hành), người học sẽ lưu lại được 90% và trên 90% kiến thức và kỹ năng John Vũ khích lệ cho các nước tổ chức đào tạo Learning by doing, ông cho biết: “Để thúc đẩy việc sử dụng thanh niên, hệ thống giáo dục mới phải áp dụng phương pháp “học qua hành” bằng việc tổ hợp hai môi trường học tập: Trường học và Công nghiệp.
Về căn bản người học (ở hệ đào tạo cao đẳng /đại học) tham dự trường trong 2 ngày một tuần và dành 3 ngày khác trong tuần để làm việc áp dụng điều đã học vào công ty theo chế độ được gọi là “Co-op”(cùng làm). Họ nhận lương trong thời kỳ “Co-op” và sau khi hoàn thành việc huấn luyện, sinh viên được nhận vào làm ở cơ sở đó. Kiểu huấn luyện này có tác dụng tốt cho một số loại việc nào đó nơi sinh viên học các tri thức kỹ thuật cơ bản”.
Ông cho biết: “Tôi đã tới thăm vài công ty ở Đức và các nước Scandinavian và thấy rằng hệ thống giáo dục này đã có tác dụng rất tốt cho cả phát triển kinh tế và giáo dục”.
Ông cho biết thêm:
“Việc huấn luyện kết thúc bằng hai kỳ thi, một kỳ do trường 2 năm tổ chức (đánh giá về kiến thức), kỳ kia (đánh giá về kỹ năng) do đại diện công nghiệp tổ chức. Vượt qua được các kỳ thi này, sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp, được các nhà tuyển dụng tiềm năng thu nhận”.
John Vũ có nhận xét: “kiểu huấn luyện này được thiết lập từ đầu những năm 1990. Số thành viên có việc làm tăng lên rất nhiều. Phần lớn các công ty đều hài lòng khi nhân lực được tuyển dụng đều có kỹ năng cho ngành công nghiệp của họ. Bởi vì họ thấy nhân lực đó có kinh nghiệm làm việc và sẽ có tiềm năng tiến xa hơn khi áp dụng công nghệ mới. Tất nhiên những người trẻ có kỹ năng tốt được tự do tìm việc trong các công ty khác nếu người đó muốn” (sđd, tr 32 – 33 - 31)./.