Đi học là hành phúc…
“Đi học là hạnh phúc không chỉ là khẩu hiệu, không phải là các chiến dịch hay đợt thi đua mà phải trở thành thói quen, suy nghĩ của mọi người và thể hiện bằng những hành động, ứng xử cụ thể hàng ngày…”, cô Lê Thị Mai Hương - Phó Hiệu trưởng phụ trách trường Tiểu học, THCS và THPT Thực nghiệm khoa học giáo dục khi chia sẻ với Báo GD&TĐ về mô hình “trường học hạnh phúc”.
Theo cô Hương ở trường Thực nghiệm, học sinh được tạo mọi điều kiện để phát triển khả năng của bản thân, tự mình tìm ra kiến thức và sáng tạo. Với phương châm này, các thầy cô và nhân viên nhà trường thường xuyên được nhắc nhở để áp dụng mọi nơi mọi lúc.
“Muốn có học sinh hạnh phúc, trước tiên thầy cô cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cần là những người hạnh phúc. Vì vậy nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, giáo viên, nhân viên được phát huy khả năng của mình, làm tốt công việc của mình, dân chủ trong mọi công việc. Cán bộ giáo viên nhân viên luôn phải cảm thấy trường là của chính mình, là ngôi nhà thứ hai của mình, có sự gắn bó và yêu thương…”, cô Hương chia sẻ.
Hoạt động trải nghiệm của học sinh trường Tiểu học, THCS và THPT Thực nghiệm khoa học giáo dục.
Lý giải rõ hơn về điều này, cô Hương dẫn chứng, Nhà trường chia sẻ tầm nhìn, sứ mạng, mục tiêu cho toàn thể các thành viên. Cùng nhau xây dựng những giá trị cốt lõi của nhà trường: Tôn trọng, thương yêu, hợp tác, trách nhiệm, tự tin, sáng tạo. Mọi người cùng nhau xây dựng kế hoạch để hướng tới mục tiêu đã thống nhất.
Cán bộ giáo viên được trao quyền, chịu trách nhiệm với công việc, được phân công vào những vị trí, nhiệm vụ phù hợp sở trường, khả năng; được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ; được cư xử công bằng.
Bên cạnh đó, Công đoàn Nhà trường luôn quan tâm thiết thực đến đời sống vật chất, tinh thần, quyền lợi của mọi thành viên, đồng thời cũng hỗ trợ để cán bộ, giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Còn đối với học sinh Thực nghiệm, tại trường các em được phát biểu những suy nghĩ của mình, được thể hiện khả năng mà không bị cười chê hoặc bình phẩm.
“Ngay từ đầu năm học các em học sinh đại diện mỗi lớp được họp với Ban Giám hiệu để đề nghị các hình thức, nội dung của các hoạt động trải nghiệm như: Hoạt động trung thu, hoạt động chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, Lễ hội chào xuân, Hội chợ… Trường có hộp thư “điều em muốn nói” để học sinh đối thoại, chia sẻ với Hiệu trưởng nhà trường.
Mọi thông tin được tôn trọng và lắng nghe, được phản hồi. Trường có phòng tâm lý học đường giúp các em học sinh, cán bộ giáo viên và phụ huynh chia sẻ, được tư vấn khi gặp khó khăn trong các mối quan hệ. Trường có những nhóm chia sẻ thông tin, có các hình thức truyền thông để mọi thông tin giữa nhà trường và gia đình được chia sẻ rộng rãi…”, cô Hương bày tỏ.
Ngoài ra, trường Thực nghiệm còn tạo điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất cho việc học tập của học sinh và việc tổ chức dạy học, sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên như: Trang bị các phòng học đủ thiết bị nghe nhìn, loa phát thanh, thiết bị đồ dung phục vụ hoạt động bán trú, trang trí lớp học sạch, đẹp, nhiều hình ảnh.
Trang bị các phòng chức năng, hội trường, sân chơi, sân bóng, thư viện và các khu vui chơi khác. Trang bị nhà vệ sinh sạch và đẹp. Trang bị các thiết bị đảm bảo phòng chống dịch bệnh…
Bên cạnh đó, trường Thực nghiệm còn tổ chức nhiều hội thảo để thảo luận và tìm hiểu về hai vấn đề trọng tâm sau: Tiêu chí của một trường học hạnh phúc; và chiến lược và phương thức để đạt được tiêu chí của một trường học hạnh phúc…
“Để xây dựng tiêu chí của một trường học hạnh phúc là một việc khó khăn và lâu dài bởi mỗi trường học lại có một điều kiện khác nhau. Vì vậy, buổi hội thảo đã rất hiệu quả khi tất cả cùng được lắng nghe các trường học giới thiệu, trình bày quá trình xây dựng một môi trường hạnh phúc tại chính trường mình. Những khó khăn và tồn tại vì thế cũng được nêu lên và nhận được sự đóng góp cùng những giải pháp từ các bên…”, cô Hương nhấn mạnh.
“Thầy cô hạnh phúc - Giáo dục hạnh phúc”
Còn tại trường THCS Nguyễn Trãi là một trong những cơ sở giáo dục tiên phong và quyết liệt trong việc triển khai xây dựng Trường học hạnh phúc.
Cô Lê Hoàn Châu - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trãi trao quà cho học sinh.
Ban giám hiệu, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường xác định sớm nhận thấy để xây dựng Trường học hạnh phúc cần đi từ nhận thức tới hành động.
Bên cạnh đó, nền móng để xây dựng Trường học hạnh phúc là tạo dựng được mối quan hệ thân thiện, hài hòa, hợp tác đáp ứng nhu cầu phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần của tất cả mỗi thành viên trong nhà trường, mà tập trung là học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên; xây dựng môi trường học tập, làm việc an toàn, hứng thú và hiệu quả.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, cô Lê Hoàn Châu - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trãi cho biết, Nhà trường trong chặng đường trưởng thành và phát triển không chỉ là đã xây dựng được một môi trường giáo dục thân thiện, chất lượng mà nhà trường còn đóng góp cho xã hội nhiều thế hệ công dân ưu tú, thành đạt.
Với phương châm cốt lõi “Thầy cô hạnh phúc - Giáo dục hạnh phúc”, nhà trường xác định vai trò của thầy cô trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, tạo dựng môi trường sư phạm thân thiện, hạnh phúc rất quan trọng. Theo cô Vũ Thị Thanh Thủy - Giáo viên Tiếng Anh của trường chia sẻ, việc thầy cô giáo duy trì lớp học trong tình trạng căng thẳng sẽ không có tác dụng trong việc dung nạp tri thức cho học sinh.
Không chỉ luôn chuẩn bị cho mình một tâm thế hứng khởi khi dạy học, các thầy cô Trường THCS Nguyễn Trãi còn chủ động duy trì việc khởi động các tiết học bằng các trò chơi như ô chữ, đoán tranh ảnh, xem video,… gợi mở và lôi cuốn học sinh vào từng hoạt động của bài học, khuyến khích học sinh chủ động sáng tạo và làm chủ được việc dung nạp nội dung bài học.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết, trường học hạnh phúc là trường học thân thiện, đem đến sự hài lòng, thỏa mãn và đáp ứng tốt nhu cầu, quyền được học tập, giáo dục, rèn luyện một cách toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ của người học.
Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình.
Trường học hạnh phúc cũng đem đến cảm giác thỏa mãn các nhu cầu, cơ hội được học tập, làm việc, giao lưu, hợp tác... của tất cả các thành viên trong môi trường giáo dục như giáo viên, cán bộ nhân viên, học sinh, phụ huynh.
Tuy nhiên, xây dựng Trường học hạnh phúc là cả một quá trình, cần có lộ trình và các bước đi phù hợp. Mức độ đạt được của xây dựng Trường học hạnh phúc cũng được đánh giá căn cứ vào đặc điểm, tình hình thực tế ở mỗi địa phương, cơ sở giáo và theo lộ trình thực hiện của mỗi nhà trường, ông Thuận nhấn mạnh.