Ngành Giáo dục Hà Nội xây dựng trường, lớp mầm non hạnh phúc nhằm tạo nền tảng cho trẻ mầm non bước vào các bậc học sau. Trong ảnh: Một giờ học tại
Trường Mầm non Hoa Hướng Dương (quận Cầu Giấy). Ảnh: Đỗ Tâm
Những chuyển biến tích cực
"Xây dựng trường học hạnh phúc" là phong trào được Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động từ tháng 4-2019. Tại Hà Nội, theo đánh giá của Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà, phong trào này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực. Mỗi nhà trường đã cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực, khắc phục các hạn chế.
Hà Nội là địa phương có cấp học mầm non quy mô lớn nhất cả nước với 1.140 trường, gần 2.700 nhóm lớp mẫu giáo độc lập tư thục, gần 535.000 trẻ. Với sự chú trọng đầu tư, đến nay tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 70%; 100% giáo viên đứng lớp đều có trình độ đào tạo đạt chuẩn, tạo dựng học đường thân thiện, gần gũi với học sinh. Giáo dục mầm non Hà Nội còn làm điểm cho Bộ Giáo dục và Đào tạo về mô hình “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Những kết quả tích cực này giúp các nhà trường duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng, thời gian qua, huyện Đan Phượng đã tập trung đầu tư xây dựng trường mầm non khang trang, an toàn. Đến nay, toàn huyện đã có hơn 90% trường học đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non có nhiều chuyển biến, tạo được sự tin tưởng của phụ huynh, hằng năm tỷ lệ trẻ ra lớp ở các độ tuổi đều tăng.
Còn bà Nguyễn Thị Quỳnh, phụ huynh Trường Mầm non Yên Hòa (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Các con được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm, có thêm nhiều thiết bị vui chơi, vận động ngoài trời và thực đơn các bữa ăn hằng ngày khá hấp dẫn nên thích đến trường hơn. Phụ huynh cũng yên tâm và bớt vất vả”.
Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ, thách thức hàng đầu với khối mầm non là số trẻ trong độ tuổi ra lớp hằng năm ngày càng tăng, trong khi cơ sở vật chất trường, lớp chưa đáp ứng kịp; chất lượng chăm sóc trẻ ở các nhóm lớp mầm non độc lập tư thục hạn chế. Đặc biệt, vụ việc một cô giáo phạt trẻ bằng cách nhốt vào tủ quần áo hồi tháng 9-2019 tại một cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn quận cho thấy kỹ năng sư phạm của một số giáo viên chưa tốt...
Cô giáo hướng dẫn các bé tập vẽ tại Trường Mầm non Vân Hồ
(quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Nguyễn Quang
Quyết tâm tăng tốc
Để giải quyết dứt điểm những bất cập, tồn tại ở cấp mầm non, năm học 2020-2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phát động phong trào “Xây dựng trường, lớp mầm non hạnh phúc”, nhằm tạo nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở cấp học sau. Ngoài việc tiếp tục tham mưu với UBND thành phố tăng cường đầu tư xây dựng, mở rộng trường, lớp, Sở đã ban hành 3 tiêu chí trường, lớp mầm non hạnh phúc. Cụ thể là: Xây dựng trường học xanh, sạch, an toàn, thân thiện; chương trình giáo dục được thực hiện theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm; cán bộ, giáo viên, nhân viên làm gương cho trẻ...
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu, là đơn vị có quy mô giáo dục mầm non lớn, với hơn 200 cơ sở, trong đó có 160 nhóm lớp mầm non độc lập tư thục và số trẻ ra lớp hằng năm tăng mạnh, ngoài việc tham mưu với UBND quận tăng cường đầu tư, mở rộng mạng lưới trường, lớp học để đáp ứng đủ nhu cầu gửi con của người dân, Phòng còn tập trung thực hiện mô hình kỷ cương trong quản lý cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm.
Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu, đơn vị sẽ tập trung bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng xử lý tình huống cho giáo viên mầm non, quyết tâm không để xảy ra hành vi bạo lực hoặc vi phạm quy chế chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.
Cô giáo Nguyễn Thị Hường, giáo viên Trường Mầm non Mậu Lương (quận Hà Đông) thì chia sẻ: “Mục tiêu là làm sao để mỗi buổi sáng trẻ đến lớp không khóc và ngày càng hào hứng khi đến trường. Giáo viên luôn niềm nở, thân thiện khi đón - trả trẻ, cố gắng quản lý cảm xúc tiêu cực và luôn coi học sinh như con mình”.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, để thúc đẩy, tăng tốc xây dựng trường, lớp mầm non hạnh phúc, năm học này, Sở yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo tăng cường tham mưu với chính quyền địa phương đầu tư xây dựng, bổ sung trường, lớp mầm non có cơ sở vật chất bằng hoặc cao hơn tiêu chuẩn mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo để không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân, mà còn nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Tích cực gom các điểm lẻ, sáp nhập các trường có quy mô nhỏ, không để xã, phường nào không có trường mầm non công lập và không còn phòng học nhờ, phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp; đồng thời, ưu tiên xây dựng trường mầm non công lập ở địa bàn có khu công nghiệp.
"Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục hướng dẫn các đơn vị tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; thực hiện tốt quy tắc ứng xử; nâng cao đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng tốt hơn", ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.