Học sinh Hà Nội hứng khởi uống sữa học đường như một thói quen thân thuộc mỗi buổi đến trường
Chiều 22/5, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội nghị “Đánh giá thực hiện chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2018 - 2020” với sự tham dự của các đại diện sở, ngành, phòng giáo dục các quận, huyện, đại diện trường mầm non và tiểu học tại Thủ đô.
Tại hội nghị, theo ghi nhận của Sở GD&ĐT TP Hà Nội, trong 24 đề án triển khai trên cả nước, sữa học đường (SHĐ) Hà Nội là đề án lớn nhất về quy mô và giá trị. Với số điểm trường lớn trên địa bàn rộng và số trẻ hơn 1 triệu.
Trong ngày đầu tiên triển khai đề án (2/1/2019), đã có 64% trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa. Sau 1 tuần, tỷ lệ này đã tăng đến 100% với các trẻ mầm non, học sinh tiểu học công lập và 61,8% các cơ sở ngoài công lập. Hiện tại, có 1.059.854 trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học đến từ gần 4.000 trường tham gia thụ hưởng SHĐ, đạt tỷ lệ 91,16%.
Theo đó, khối mầm non và học sinh tiểu học công lập đạt tỷ lệ 100% trường và 93% trẻ đăng ký uống sữa, với khối ngoài công lập, tỷ lệ trường tham gia đạt 86,74%, tỷ lệ học sinh đăng ký uống sữa là 80,73%.
Có được những kết quả tích cực này, là nhờ quá trình chuẩn bị kĩ lưỡng, sự quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao của Ban chỉ đạo chương trình Sữa học đường thành phố Hà Nội, Ban chỉ đạo các quận, huyện, cũng như sự chủ động, chuyên nghiệp của đơn vị cung cấp sữa là Công ty Vinamilk. Đặc biệt, sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến sự tin tưởng hưởng ứng tích cực từ các bậc phụ huynh để nâng cao thể lực và trí tuệ cho con em mình.
Trao đổi tại hội nghị, bà Bùi Thị Thanh Hải - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng, Hà Nội cho hay, địa bàn hiện có 17 trường mầm non, 19 trường tiểu học, tính trên toàn huyện đã có hơn 95% trẻ mầm non, học sinh tiểu học tham gia. “Đề án đã giúp đa số học sinh tham gia, với sự ủng hộ của tuyệt đại đa số của phụ huynh. Rất nhiều phụ huynh còn đến trường gia công thiết bị bảo vệ chất lượng sữa do giai đoạn đầu bên công ty sữa chưa kịp chu cấp.
Huyện chúng tôi cũng vừa tiến hành khảo sát, đã có 95,6% phụ huynh trẻ mầm non và hơn 88% phụ huynh học sinh tiểu học đồng ý tham gia đề án SHĐ giai đoạn 2021 - 2025. Để chương trình hiệu quả hơn, lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng đề nghị nhà sản xuất cần bổ sung một số vị như cam, dâu vào sữa để tăng sự hấp dẫn đối với trẻ, học sinh khi sử dụng".
Để chương trình sữa học đường được triển khai thành công trên địa bàn Hà Nội, là sự nỗ lực và đóng góp của lãnh đạo nhà trường và đội ngũ giáo viên cơ sở là rất lớn. Là cầu nối với phụ huynh học sinh, giúp các bậc cha mẹ thêm tin tưởng và yên tâm khi con em được thụ hưởng sữa học đường tại lớp.
Chia sẻ về vấn đề này, Hiệu trưởng trường mầm non Tây Mỗ A (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) Đỗ Thị Thanh Tâm cho hay: "Trường có 903 trẻ, giai đoạn đầu, trường nhận được nhiều ý kiến phản hồi không tích cực từ phụ huynh, một số phụ huynh gia đình có điều kiện cho rằng, sữa trong nước không có chất lượng bằng sữa nước ngoài, hoặc cho rằng, sữa này không bán được ở thị trường nên đưa vào sữa học đường. Do vậy, thời gian đầu chỉ hơn 47% phụ huynh ủng hộ.
Sau đó, nhà trường tổ chức nhiều chương trình lồng ghép việc tuyên truyền lợi ích của việc cho trẻ uống sữa nhằm cải thiện trí tuệ, dinh dưỡng, sự ủng hộ của phụ huynh đạt gần 100%. Tôi rất tin tưởng và cho rằng cần tiếp tục triển khai đề án SHĐ trong những năm tiếp theo".
Qua những chia sẻ thực tế tại hội nghị, có thể thấy chương trình SHĐ trở thành một phần không thể tách rời trong hoạt động của ngành Giáo dục Thủ đô. Việc triển khai chương trình SHĐ thời gian qua đã gặt hái được kết quả đáng ghi nhận: nhà trường đồng tình, phụ huynh hoan nghênh.
"Cho đến thời điểm này, chương trình SHĐ đã đón nhận được sự quan tâm, ủng hộ của tuyệt đại đa số phụ huynh cho các cháu học sinh mẫu giáo và tiểu học uống sữa tại trường. Các em học sinh đều rất hứng khởi khi được uống sữa và xem đó như một hoạt động quen thuộc khi đến trường. Đối với chương trình có hiệu ứng tích cực như vậy, chúng tôi đang nỗ lực phối hợp với các sở, ngành liên quan để có kiến nghị về việc triển khai chương trình trong những giai đoạn tiếp theo" - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến nêu ý kiến.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định việc "phổ cập" uống sữa học đường tại trường học là một chương trình mang ý nghĩa nhân văn. Do đó, chương trình đã nhận được sự vào cuộc tích cực của đông đảo cơ quan, ban ngành, sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà trường, phụ huynh và học sinh Thủ đô.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đưa ra đề nghị với các phòng GD&ĐT, chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan cần nghiên cứu, khảo sát, kiểm tra thực tế để tiếp tục "vận hành" chương trình SHĐ trong giai đoạn tiếp theo, từng bước nâng cao tầm vóc, trí lực của trẻ em, góp phần phát triển nguồn nhân lực của Thủ đô và đất nước trong tương lai.
Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội được chính thức triển khai đến tất cả cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn Thành phố vào ngày 2/1/2019, trên tinh thần tự nguyện đăng ký tham gia. Tham gia chương trình, các em học sinh mầm non và tiểu học hàng ngày đến lớp được uống một hộp sữa tươi tiệt trùng đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Nhà Nước và doanh nghiệp cung cấp sữa là Công ty Vinamilk đã hỗ trợ 53% kinh phí, gia đình chỉ đóng góp 47% giá trị mỗi hộp sữa. Đặc biệt, chương trình hỗ trợ 100% kinh phí uống sữa cho các em học sinh diện nghèo, cận nghèo, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách.
Đề án Sữa học đường Hà Nội đã được thực hiện theo hình thức đấu thầu công khai, rộng rãi và minh bạch với những tiêu chuẩn đấu thầu khắt khe. Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk là đơn vị cung cấp sữa cho đề án với mức hỗ trợ 23% (cao hơn mức mời thầu 3%), giúp tiết kiệm cho ngân sách thành phố hơn 300 tỷ đồng.