Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; về phía Sở Giáo dục và Đào tạo có các đồng chí: Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT, đồng chí Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GDĐT, đồng chí Nguyễn Quang Tuấn - Phó Giám đốc Sở GDĐT; đồng chí Trần Lưu Hoa - Phó Giám đốc Sở GDĐT; cùng lãnh đạo các phòng thuộc Sở; lãnh đạo các Phòng GDĐT quận, huyện, thị xã.
Nhiều thách thức trong phổ cập giáo dục
Trong ba ngày 3, 4 và 5-10, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ làm Trưởng đoàn đã kiểm tra việc thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3 ở 30 quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội. Trong đó, đoàn kiểm tra trực tiếp tại 24 đơn vị; 6 đơn vị còn lại kiểm tra theo hình thức trực tuyến.
Thành phố Hà Nội là 1 trong 10 tỉnh, thành phố đầu tiên đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2013; là đơn vị đầu tiên được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2000.
Thành phố Hà Nội được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1 vào năm 2001; đạt mức độ 2 vào năm 2018 và luôn nỗ lực để duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Xuân Tiến, một trong những thách thức lớn trong công tác phổ cập giáo dục của thành phố Hà Nội là địa bàn rộng, quy mô giáo dục lớn nhất trong các tỉnh, thành phố của cả nước. Hiện nay, Hà Nội có 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã với 579 đơn vị hành chính cấp xã; quy mô giáo dục có hơn 2.800 trường mầm non và phổ thông với hơn 2,2 triệu học sinh. Thời gian vừa qua, dù có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, song việc thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở các địa phương chưa đồng bộ; số lượng di dân cơ học lớn; kinh phí thực hiện phổ cập còn hạn hẹp...
Thực tế kiểm tra tại cơ sở cũng cho thấy, thành phố Hà Nội vẫn còn sự chênh lệch về điều kiện kinh tế - xã hội giữa địa bàn nội thành và ngoại thành. Nhiều trường ở khu vực ngoại thành còn nhiều điểm lẻ, khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học... Tình hình dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng giáo viên và việc điều tra phổ cập giáo dục.
Đủ điều kiện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3
Để duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập, phấn đấu để được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3, năm 2021, thành phố Hà Nội đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; chỉ đạo ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các quận, huyện, thị xã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Một trong những giải pháp trọng tâm là thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường học; nâng cao điều kiện và chất lượng giáo dục dân tộc; làm tốt công tác huy động học sinh ra lớp... Đồng thời, tăng cường phối hợp với các lực lượng vận động học sinh bỏ học tiếp tục đi học; giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn...
Kết quả, Hà Nội đã có 98,8% số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6; 99,82% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; tỷ lệ thanh niên, thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 98,49%... Các điều kiện bảo đảm chất lượng (cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên) đạt yêu cầu.
Khẳng định thành phố Hà Nội luôn quan tâm đến công tác giáo dục và đào tạo, trong đó có việc phổ cập giáo dục, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho rằng, đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đánh giá khách quan kết quả phổ cập giáo dục; đồng thời cũng hướng dẫn, gợi mở các giải pháp cho thành phố Hà Nội trong việc duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục.
UBND thành phố Hà Nội giao Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp thu những ý kiến đóng góp của đoàn kiểm tra; hoàn thiện hồ sơ để được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; đồng thời, tổ chức rút kinh nghiệm để chỉ đạo, triển khai công tác phổ cập đạt hiệu quả tốt hơn. UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đẩy mạnh công tác xã hội hóa; tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, quyết tâm phấn đấu để Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục ở cả diện đại trà và mũi nhọn.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ ghi nhận những cố gắng và kết quả của thành phố Hà Nội trong việc đầu tư các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục. Căn cứ Nghị định số 20/2014/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về việc phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và kết quả kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra đánh giá, thành phố Hà Nội đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.
“Việc được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3 không phải là danh hiệu, mà phải gắn với trách nhiệm, là cơ sở để thành phố Hà Nội tiếp tục đạt nhiều kết quả tốt hơn trong công tác giáo dục và đào tạo” - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.