Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung ghi nhận nhiều điểm nhấn của ngành giáo dục Thủ đô trong năm học 2018-2019
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao về mức đầu tư cùng sự
quan tâm của toàn Thành phố dành cho giáo dục tại Hội nghị tổng kết năm
học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 ngày 12-8.
Tham dự hội nghị, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn
mạnh những điểm nổi bật của ngành giáo dục Thủ đô quy mô mạng lưới
trường, lớp tiếp tục được mở rộng và không ngừng phát triển, với 2.713
trường mầm non, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp, 58.422 nhóm lớp,
1.983.435 học sinh. Chuẩn bị cho năm học mới 2019-2020, thành phố đã đầu
tư xây dựng 70 trường học mới và sửa chữa 387 trường với kinh phí trên 5
nghìn tỷ đồng.
Các vấn đề chính sách của thành phố được triển khai hiệu quả, góp
phần giải quyết trực tiếp các vấn đề bức xúc như đầu tư xây mới, sửa
chữa gần 80% nhà vệ sinh, triển khai chương trình sữa học đường với tỷ
lệ 90% học sinh tham gia...
Một điểm nổi bật nữa là công tác tổ chức hội nhập quốc tế của Hà Nội
khi năm học này đã có cơ sở để đánh giá hiệu quả chương trình song bằng
với thành công ban đầu với 43/50 học sinh khóa đầu tiên dự thi bằng quốc
tế đạt kết quả tốt.
“Chương trình song bằng giúp học sinh Thủ đô bước thẳng vào các
trường ĐH thế giới mà không phải chi phí học dự bị. Điều này vừa tiết
kiệm được chi phí cho xã hội vừa thể hiện đẳng cấp dạy và học của thầy
cô, học sinh Thủ đô” – Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhận xét.
Giao nhiệm vụ năm học mới cho ngành giáo dục, ông Nguyễn Đức Chung
nhấn mạnh Sở GD-ĐT cần sớm tham mưu cho Thành phố thành lập hội đồng
giáo dục với các nhà khoa học trong ngoài nước để đề xuất UBND TP, HĐND
TP những việc cần làm để đạt mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông
mới ngay khi triển khai vào năm học 2020-2021. Đây là mục tiêu ngành
giáo dục cần đặt lên hàng đầu trong năm học này.
“Tôi cho rằng điều quan trọng với mỗi sản phẩm giáo dục của chúng ta
là học sinh học xong phải có sức khoẻ, giữ vững đạo đức lối sống, được
cập nhật tri thức thế giới đáp ứng yêu cầu hội nhập” – Chủ tịch UBND TP
nhấn mạnh.
“Hiện nay học sinh vẫn quá tải về kiến thức nhưng những kỹ năng sống,
các bộ môn để hoà nhập thì chưa cân đối. Cần tích hợp các hoạt động
giáo dục gắn với đời sống như các nước đang thực hiện.
Giáo dục vẫn còn nhiều vấn đề còn khiến người dân bức xúc cần giải
quyết dứt điểm tồn tại, như việc xét tuyển giáo viên hợp đồng nhiều năm.
Qua rà soát có khoảng 2.000 giáo viên hợp đồng lâu năm cần giải quyết
vào biên chế” – ông Nguyễn Đức Chung nói.
Hà Nội đầu tư xây mới 70 trường học phục vụ năm học mới
Nhiệm vụ tiếp theo với ngành giáo dục Thủ đô là xây dựng hệ thống
giáo dục cân bằng, giảm tình trạng trái tuyến. Thành phố khuyến khích
lãnh đạo Sở và trường chất lượng cao mạnh dạn đề xuất cơ chế tự chủ.
“Sau cùng, thành phố mong muốn thầy trò Thủ đô nhìn thẳng vào tồn tại
như bạo lực học đường hay các vấn đề an toàn thực phẩm, những vấn đề
các địa phương khác vấp phải để rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời nhằm
đưa môi trường giáo dục Thủ đô lên một bước mới” – Chủ tịch UBND TP
Nguyễn Đức Chung nói.
Năm học vừa qua, Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu, giành
thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Tại các
kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, học sinh Hà Nội đã đạt được những
thành tích xuất sắc với 197 giải và Huy chương.
Năm học 2018-2019, các em giành 134 giải trong kỳ thi học sinh giỏi
cấp quốc gia; 21 đề tài đạt giải xuất sắc trọng cuộc thi Khoa học Kỹ
thuật.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 của Hà Nội đã diễn ra an toàn, nghiêm
túc, đúng quy chế, không có tiêu cực; tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia
tăng 0,86% so với 2018.
Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đạt thành tích xuất sắc,
năm 2018 vượt chỉ tiêu, đạt 150% kế hoạch, đưa tỷ lệ trường chuẩn quốc
gia công lập và ngoài công lập đạt 55,0%, trong đó công lập là 66,7%.