Học lịch sử tại bảo tàng
“Đất nước trọn niềm vui” là chủ đề buổi sinh hoạt dưới cờ của HS Trường THCS Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhằm giúp các em thêm hiểu được ý nghĩa lịch sử của ngày 30/4, tầm vóc vĩ đại, giá trị to lớn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mà đỉnh cao là đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước.
Cô Nguyễn Kiều Duyên - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàn Kiếm cho biết: Những năm gần đây, để đưa môn Lịch sử gần lại với HS, tạo hứng thú cho các em nhiều hơn, thì việc học lịch sử thông qua những tiết học ngoại khóa là một nội dung bắt buộc trong chương trình tại Trường THCS Hoàn Kiếm.
Ngoài các buổi sinh hoạt dưới cờ, HS còn được tổ chức học lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Đây là hoạt động ngoại khóa đem đến nhiều cảm xúc cho các em. Trong khoảng thời gian 150 phút, các em được các cô hướng dẫn viên thuyết minh về các hiện vật của thời kỳ lịch sử dựng nước của cha ông.
Qua đó, các em thêm hiểu về cuộc sống lao động và bảo vệ đất nước của dân tộc, về lòng yêu nước trong suốt quá trình lịch sử. Các em đã lắng nghe, quan sát và ghi chép rất nghiêm túc, say mê để có thêm những kiến thức lịch sử còn thiếu vắng trong những cuốn sách giáo khoa.
Không chỉ thế, HS còn được tham gia trò chơi, làm bài tập thu hoạch, giao lưu với các bạn để củng cố, khắc sâu hơn những kiến thức đã học trên lớp. Buổi học ngoại khóa đã đưa các em gần hơn với môn Lịch sử theo một cách rất thú vị, hấp dẫn và hiệu quả, để thêm yêu hơn môn Lịch sử, tự hào về truyền thống của dân tộc.
Còn tại Trường THCS Thanh Quan (quận Hoàn Kiếm – Hà Nội), trong những năm qua, nhà trường luôn chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ này dưới nhiều hình thức như: Hoạt động câu lạc bộ em yêu thích, tổ chức trò chơi, diễn đàn, sân khấu tương tác, tham quan dã ngoại, các hội thi, hoạt động giao lưu, hoạt động nhân đạo, thể dục thể thao, tổ chức các ngày hội.
Vừa qua, HS toàn trường được tham gia học tập trải nghiệm sáng tạo với bộ môn Lịch sử qua hoạt động tham quan, học tập tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Các em được tham quan những hiện vật trên hệ thống trưng bày để tìm hiểu về tiến trình lịch sử Việt Nam bám sát chương trình học trong SGK. Mỗi khối lớp các em sẽ được tìm hiểu về các giai đoạn lịch sử khác nhau của dân tộc.
Khi được lắng nghe những câu chuyện về các nhân vật, sự kiện lịch sử được chia sẻ từ hướng dẫn viên, các em rất chăm chú theo dõi và thích thú. Qua lời thuyết trình sinh động, những kiến thức trong sách vở trở nên sống động, hấp dẫn, giúp các em thêm hiểu, yêu và tự hào về những chặng đường lịch sử, những nét đẹp của văn hóa dân tộc.
Hào hứng tham quan những địa chỉ đỏ
Bên cạnh việc học trên lớp, học tại bảo tàng, HS Hà Nội còn được tham quan các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn. Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, các em đã rất hào hứng khi có chuyến tham quan Di tích 48 Hàng Ngang; được tìm hiểu về lịch sử của ngôi nhà - nơi ra đời bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Các hiện vật trực tiếp liên quan đến thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại ngôi nhà này được các bạn trẻ say mê tìm hiểu, đặt ra những câu hỏi cho thầy cô về những chủ đề liên quan đến bài học.
Chọn Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò làm “địa chỉ đỏ”, HS Trường Tiểu học Trưng Vương đến nơi đây để được hiểu thêm về tinh thần, ý chí kiên cường đấu tranh vì Tổ quốc của các chiến sĩ cách mạng. Các em không khỏi xúc động khi được tận mắt nhìn thấy nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng cũng như nghe được những câu chuyện quả cảm của họ.
Nguyễn Bích Hạnh, HS Trường Tiểu học Trưng Vương chia sẻ sau chuyến tham quan: Khi đến đây, em được biết thêm nhiều điều về lịch sử nước mình cũng như sự hy sinh của các anh hùng, chiến sĩ. Để xứng đáng với những hy sinh của các chiến sĩ, em tự hứa sẽ cố gắng học tập để sau này cống hiến cho đất nước.
Di tích cách mạng nhà số 5D Hàm Long - nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam là nơi HS Trường Tiểu học Võ Thị Sáu lựa chọn để tham quan, mong muốn thấy được những bài học lịch sử quý giá, cảm nhận rõ hơn những cống hiến, hy sinh to lớn của lớp người đi trước cho độc lập, tự do của dân tộc.
Trong căn phòng nhỏ với những vật dụng đơn sơ còn lưu giữ, em Trịnh Ngọc Anh cho biết: Ngôi nhà 5D Hàm Long là điểm đến thiết thực và sâu sắc với học sinh chúng em. Nơi đây ghi dấu sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Việt Nam, sự kiện mang nhiều ý nghĩa với lịch sử Đảng, với cách mạng đất nước.
Được tham quan khu di tích, em rất xúc động. Chúng em rất biết ơn các lớp cha anh đi trước vì họ đã cố gắng cho các con cháu sau này có một cuộc sống tốt đẹp nhất và chúng em sẽ cố gắng làm cho Tổ quốc ngày càng tươi đẹp hơn.
Rất nhiều “địa chỉ đỏ” khác đang được các cấp chính quyền và cơ quan văn hóa Hà Nội bảo tồn, gìn giữ, trở thành điểm đến tham quan, nghiên cứu, nơi tổ chức các hoạt động truyền thống, như lễ báo công, lễ kết nạp Đoàn, Đội của nhiều trường học trên địa bàn Thủ đô.