Có những người không chịu … ngồi yên
Cả gia đình ai cũng bảo là Thủy dại dột. Lý do là sau khi tốt nghiệp khoa Tiếng Anh, ĐH Ngoại ngữ, bố mẹ Thủy đã phải lục tìm các mối quan hệ quen biết, phải “nhờ vả” mãi mới xin cho cô vào làm tại một cơ quan cấp quận. Vậy mà được sáu tháng, cô đã bỏ việc. Cô tâm sự: “Tôi rất cần việc làm, nhưng phải là một công việc giúp tôi phát huy được những gì đã học và có cơ hội thăng tiến. Tôi học ngoại ngữ xong không phải để trở thành một người ngồi ghi danh đại biểu và phát tài liệu hội nghị”. Bỏ việc làm ở đây, Thủy xin vào làm tại một công ty du lịch tư nhân. Tuy thu nhập có khá hơn, nhưng cô cũng không trụ lại ở đây lâu, bởi cô khó chấp nhận một người “có học” như cô lại suốt ngày phải làm những công việc lặt vặt như ra sân bay đón khách, dẫn khách đi ăn trưa, đi đặt vé máy bay và cả mang vác hành lý cho khách để chiều lòng họ… Sau một năm đi làm, Thuỷ chuyển đến 3 – 4 chỗ, cuối cùng cô đã tạm chấp nhận làm cho một công ty liên doanh. Lý do chính là “Em cảm thấy mình được tôn trọng”.
Ảnh minh họa
Cũng thay đổi năm lần bảy lượt công việc, nhưng lý do của chàng trai tên Hùng lại là những mối quan hệ trong cơ quan. Là kĩ sư tin học, nhưng lần đầu Hùng được nhận vào làm tại phòng “Hành chính tổng hợp” một cơ quan. Anh đã rất vui khi thấy trong phòng có hàng chục máy tính loại xịn, anh hy vọng mình sẽ được dịp “thể hiện bản thân”. Nhưng không như Hùng nghĩ, thực chất công việc của anh là sáng sáng pha nước cho “các chú, các bác” trong phòng. Khi thì chú trưởng phòng sai đi mua cho con gái chú cái vé ô tô buýt, khi thì cô phó phòng nhờ Hùng đi đón thằng con của cô học năng khiếu ở Cung Thiếu nhi. Những hôm liên hoan phòng, Hùng là người đi mua bia, nước uống và đồ nhắm. Hùng chưa được “sờ” đến cái máy vi tính bao giờ, bởi máy nào cũng đã “có chủ” và hầu như họ chỉ dùng để chơi game và gửi mail cá nhân. Khi bạn bè hỏi sao lại bỏ việc, Hùng bảo: “Nếu chỉ làm những công việc ấy thì việc gì phải học Bách khoa cho khổ”. Sau vài lần thử làm ở các cơ quan khác nhau, cuối cùng Hùng tuyên bố “Phải làm chủ thôi”. Thế là sau một thời gian chuẩn bị, Hùng cùng một nhóm bạn bè thành lập công ty riêng. Hùng tâm sự: “Mình không sợ vất vả, nhưng mình muốn được thể hiện bản thân, muốn được làm thật, ăn thật, cống hiến thật”.
Hãy quen dần với những thay đổi
Thời đại này, khó ai có thể nói công việc nào là “ổn định”. Xã hội phát triển, có một số nghề trở nên mai một, ngược lại liên tục xuất hiện những nghề mới mẻ. Có công ty, doanh nghiệp đang nổi như cồn, bỗng dưng chững lại và bị sáp nhập với công ty khác và hàng loạt cán bộ, nhân viên phải sa thải. Mỗi ngày có hàng trăm công ty TNHH, công ty cổ phần … ra đời, cũng có hàng loạt công ty giải thể hoặc chuyển đổi ngành, nghề kinh doanh.
Những người trẻ, năng động sẽ không ngại chuyển đổi. Điều quan trọng là phải đào tạo lại và tự đào tạo lại. Vốn là giáo viên tiếng Pháp bỏ nghề vì số lượng người học tiếng Pháp ngày càng giảm, Hiền nộp đơn vào làm cho một tổ chức phi chính phủ của nước ngoài. Cô được nhận ban đầu chỉ vì vốn ngoại ngữ. Nhưng Hiền nhận thấy rằng nếu chỉ là phiên dịch viên, lâu lâu mới có cơ hội đi theo khách nước ngoài, dịch hội nghị, dịch những bản hợp đồng hay dự án ra tiếng nước ngoài cũng chán. Cô quyết tâm tự học công việc quản lý nhân sự, quản lý tài chính và kế toán. Hai năm sau khi làm đơn thuần là phiên dịch viên kiêm hỗ trợ dự án, cô đã thi vào vị trí “quản lý dự án cấp vùng”. Rất may, người nước ngoài tuyển dụng thông qua đánh giá công việc và giao việc, chứ không dựa vào bằng cấp, nên cô trúng vị trí số 1, nghiễm nhiên trở thành manager.
Khá nhiều ngành, nghề của chúng ta hiện nay chưa cập nhật trong đào tạo, nên người tốt nghiệp có bằng cấp ra xin việc không được nhận và nếu có được nhận cũng không làm được việc. Có nơi cử đi đào tạo lại, có nơi yêu cầu nhân viên mới tự đào tạo lại để có thể đảm đương công việc được giao.
Chuyện một người trẻ hiện nay thay đổi công việc, cũng như đổi nghề vài lần là chuyện bình thường. Trừ một vài nghề đặc thù, cần sự ổn định, còn lại nghề nào cũng phải thay đổi để tồn tại.
Cha mẹ nên từ bỏ tư duy nghề nghiệp ổn định
Gia đình anh Kính ở Long Biên đã phải tổ chức họp năm lần bẩy lượt để thuyết phục, thậm chí ép buộc con gái thi vào ngành A chỉ vì gia đình cho rằng “là con gái, nghề này nhàn, lại ổn định, xã hội nào cũng cần nghề A”. Tuy nhiên, cô con gái thì đưa ra tối hậu thư cho gia đình rằng “con chỉ muốn theo nghề tổ chức sự kiện hoặc làm PG (người mẫu giới thiệu nhãn hàng – PG Promotion girl), nếu bố mẹ không đồng ý, con không cần thi nữa, đi làm thuê cho công ty Sam Sung để kiếm tiền ngay. Với con, không được làm đúng nghề mình thích thì… làm nghề gì cũng được”. Gia đình đã dọa cô rằng, nghề PG lúc nào cũng phải xinh đẹp, tươi tắn, ăn mặc sang chảnh, đứng phơi mặt trong các sự kiện. Nghề này “chóng tàn” lắm, nhất là khi mình có tuổi hoặc lấy chồng, sinh con. Vậy mà cô bảo: “Con đã xin được việc thì con cũng sẽ xin lại được. Khi không còn làm PG nữa, con sẽ làm quản lý”. Cuối cùng, trước sự bướng bỉnh của cô con gái, gia đình đành chấp nhận “tùy con”.
Từ năm học lớp 11, Thái đã tuyên bố học xong phổ thông sẽ không thi đại học nữa, mà theo học ở trung tâm đào tạo để trở thành dancer (vũ công). Nghe thế, cả gia đình rụng rời tay chân. Gia đình có mỗi cậu con trai, bố làm bác sĩ trưởng khoa của một bệnh viện lớn, mẹ giảng viên của một trường đại học, nên ai cũng muốn cậu con trai học ngành gì tử tế như Đại học Y hay Sư phạm để sau này có công việc làm ổn định, vậy mà cậu kiên quyết “không là không”. Cậu bảo, con không có tố chất làm thầy, con cũng không đủ kiên nhẫn để làm trong bệnh viện. Con muốn được đứng dưới ánh đèn sân khấu, được thể hiện bản thân, đó là điều con ước mong từ lâu. Đúng là Thái có chút năng khiếu văn nghệ. Từ lâu cậu đã tham gia các nhóm nhảy nam, theo các đoàn đi biểu diễn, cũng đã kiếm được chút ít tiền. Các trưởng đoàn, trưởng nhóm, bạn bè đều khen Thái có triển vọng trong lĩnh vực nghệ thuật. Cha mẹ Thái đe dọa rằng nghề này bạc bẽo, hay người ta khen, dở là bị “ném đá hội đồng” trên mạng, cậu cãi “nghề nào chẳng hay khen, dở chê”. Bố cậu bảo không lẽ là con trai mà cứ nhảy nhót suốt ngày đến cuối đời sao? Thái hứa sẽ phấn đấu từ vũ công, chuyển lên vũ công giỏi, rồi vũ sư (dạy nhảy), thậm chí lập đội, lập đoàn để cậu là “quản lý”, “đội trưởng”. Cậu chốt một câu với bố: “30 năm sống trong bệnh viện mà bố không thấy chán à? Con nghĩ người muốn ổn định là người lười biếng. Thay đổi và cạnh tranh, đối mặt với những thách thức mới phát triển được”. Cuối cùng bố mẹ Thái cũng “chịu thua”.
Cha mẹ nào cũng mong muốn điều tốt cho con mình. Tuy nhiên, nếu mong muốn của cha mẹ khiến con trẻ phải gồng mình làm điều không thích, vượt quá khả năng bản thân thì hậu quả sẽ thật tai hại. Có không ít trường hợp, con vì không muốn phụ lòng cha mẹ, ngoan ngoãn chọn trường như cha mẹ mong muốn nhưng quá trình học sau này chẳng hứng thú gì. Kết cục là kết quả học tệ hại, không theo kịp hoặc có nhiều em vì chán nản nên bỏ dở ngành học đó, quay trở lại ôn thi vào trường khác. Đặc biệt, cha mẹ phải dần từ bỏ tư duy “nghề nghiệp ổn định” trong khi định hướng hay tư vấn cho con. Nghề nào con yêu thích, nghề nào con có khả năng, năng lực và có tương lai phát triển, đó mới là nghề con cần.