Buổi chuyên đề có sự tham dự và trao đổi chuyên môn của Tiến sĩ Tường Duy Hải và Thạc sĩ Lê Thị Thu Huyền là hai chuyên gia của Bộ GD&ĐT.
Bên cạnh đó là sự có mặt của cô giáo Lê Thị Thu Chung, Phó Hiệu trưởng trường TH Thịnh Hào, một trong những trường tham gia dạy thí điểm STEM của Thủ đô. Ngoài ra còn có Ban giám hiệu và các thầy cô giáo của hai nhà trường kết nghĩa là Trường Tiểu học Hồng Kỳ (Sóc Sơn) và Trường Tiểu học Bế Văn Đàn.
Những sản phẩm của các em học sinh lớp 3B và cô giáo Tô Thị Hải Hà (Trường Tiểu học Bế Văn Đàn) đã phần nào chạm vào mục tiêu của giáo dục STEM là giúp các em hình thành kỹ năng cần thiết để trở thành công dân toàn cầu.
Giáo dục STEM là một cách tiếp cận liên môn trong dạy và học, kết nối các lĩnh vực khoa học, kĩ thuật, Công nghệ, Toán….
Ngoài ra, giáo dục STEM còn giúp trang bị cho học sinh những kỹ năng mềm cần thiết cho sự thành công trong công việc sau này như kỹ năng cộng tác, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, tư duy phản biện…
Đẩy mạnh mô hình giáo dục STEM trong nhà trường nhằm khơi dậy khả năng sáng tạo, đam mê nghiên cứu khoa học của học sinh là yêu cầu cấp thiết trong năm học 2023-2024 của giáo dục thủ đô.
|
Các em học sinh cùng giáo viên thực hiện chuyên đề hấp dẫn thông qua bài học STEM. |
Theo đó, bài học STEM có môn học chủ đạo là Tự nhiên xã hội (bài 7: Các bộ phận của thực vật), môn tích hợp là Mĩ thuật và Toán, với mục tiêu giúp các em tự tay làm ra một cuốn Sổ lật nhằm giới thiệu cho mọi người xung quanh về cây cối. Với sự giúp đỡ của cô giáo chủ nhiệm, các em học sinh đã cùng nhau tự khám phá nhiều kiến thức thú vị về đặc điểm của Rễ, Thân và Lá của nhiều loài cây qua hình thức dạy học tích cực “Trạm học”.
Tiết học đã thực sự trao cho các em cơ hội vận dụng nhiều kĩ năng quan trọng như kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng nhận dạng và sắp xếp hình, kĩ năng quan sát và đặc biệt là kĩ năng tự học, tự nghiên cứu,… để khám phá nhiều kiến thức cần thiết cho mục tiêu làm sản phẩm STEM Sổ lật về cây cùng với cả nhóm.
Có thể thấy rõ sự hào hứng, chủ động, tự giác trong việc sưu tầm nguyên vật liệu, đồ dùng,… của các em trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, ghi chép về vấn đề và lên ý tưởng thiết kế.
Đồ dùng học tập và các nguyên vật liệu được các em học sinh sử dụng rất linh hoạt, thành thạo để cùng nhau thiết kế sản phẩm Sổ lật về cây. Đây cũng chính là điểm hấp dẫn nhất của tiết học STEM: học sinh được cùng nhau tự tay làm ra sản phẩm để tham gia triển lãm ngay tại lớp.
Chia sẻ với các đồng nghiệp, cô giáo Tô Thị Hải Hà đã bày tỏ niềm hạnh phúc làm nghề khi được triển khai những bài học thú vị, có ý nghĩa cho học sinh bên cạnh những băn khoăn trước tiết học đối với quy trình và đặc trưng của dạy học STEM còn rất mới mẻ. Cô cũng cho biết, học sinh của cô vô cùng hào hứng với bài học và sản phẩm làm ra hôm nay.
Trong buổi tập huấn sau chuyên đề, các cô giáo cũng bày tỏ những băn khoăn, thắc mắc về quy trình dạy học STEM cũng như phương pháp áp dụng cho nhiều đối tượng học sinh và nhận được sự chia sẻ từ hai chuyên gia của Bộ GD&ĐT.
Thạc sĩ Lê Thị Thu Huyền cho biết, cô rất ngạc nhiên và thích thú trước một giờ học tự nhiên, thoải mái và những ý tưởng thú vị của các em học sinh. Tiến sĩ Tường Duy Hải lại có nhiều đóng góp cho hoạt động của Trạm học để giúp học sinh phát huy tối đa năng lực tự học, đúng với bản chất của dạy học STEM là học sinh phải được tự do sáng tạo.