Từ tình yêu thương với học sinh tự kỉ
Từ khi còn là sinh viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp đã làm gia sư dạy kèm cho một trẻ tự kỉ. Rồi như một cơ duyên, ra trường, cô lại được nhận dạy một trẻ tự kỉ khác tại Hà Nội. Hằng ngày, nhiệm vụ của cô chỉ giữ cho em ngồi yên, luyện viết và không để ảnh hưởng đến lớp học. Sau đó, cô được vào dạy ở trường TH Vĩnh Hưng rồi biên chế tại trường TH Tân Mai, quận Hoàng Mai. Ngoài công việc giảng dạy, hết giờ ở trường, cô vẫn miệt mài dạy 2 em mắc chứng tự kỉ nặng là Phan Đức và Trương Thăng.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp cùng học sinh trong lớp hỗ trợ bạn mắc chứng tăng động học tập trong giờ ra chơi
Càng gắn bó với các em, cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp càng nhận thức được con đường mà mình đã chọn là một con đường lắm chông gai. Bởi có những lần, cô đã phải bật khóc cảm thấy bất lực vì dạy mãi cả năm trời, học sinh vẫn không biết làm một động tác đơn giản đối với người bình thường nhưng thật khó với các em đó là… nắm tay. Nhưng rồi, sự đam mê với nghề cùng lòng yêu trẻ đã giúp cô có thêm động lực vượt qua khó khăn, mệt mỏi để giúp các em hòa nhập được với cuộc sống. Từ thực tế giảng dạy trong trường cũng như tiếp xúc ngoài xã hội, cô Diệp nhận thấy, xung quanh mình ngày càng có nhiều trẻ tự kỉ nhưng không được can thiệp sớm dẫn đến tình trạng nặng thêm, điều đó đã thôi thúc cô quyết định phải có những giải pháp hỗ trợ, giúp các em có cơ hội được can thiệp sớm.
Từ ý tưởng đến thực thi là cả một quá trình dài và lắm gian nan. Năm 2004, cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp đã tham gia Câu lạc bộ hội cha mẹ có con tự kỉ tại Hà Nội với 200 thành viên. Cùng với đó, ngoài thời gian giảng dạy tại trường, cô đã đến các trung tâm hỗ trợ trẻ tự kỉ của các tổ chức phi Chính phủ, tham gia đủ các khóa học về trẻ tự kỉ của Mĩ, Úc và Trung Quốc tập huấn tại Việt Nam để có thêm kinh nghiệm giảng dạy trẻ đặc biệt. Và sự nỗ lực ấy của cô đã được đền đáp.
Cậu học trò Trương Thăng bị mắc chứng tự kỉ nặng chính là minh chứng rõ nét nhất cho thành công của cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp. Em cũng là người để lại nhiều ấn tượng nhất với cô trong suốt gần 20 năm dạy trẻ tự kỉ. Từ bé, Trương Thăng đã ít nói, âm điệu lại không rõ ràng. Đến trường, đôi mắt em lúc nào cũng mơ màng, vô cảm, không học, không chơi mà cứ ngồi thơ thẩn. Cô Diệp đã tìm mọi cách để giao tiếp, trò chuyện và dành thời gian ở bên Thăng, hướng dẫn cho em cách phát âm, cùng chơi trò chơi, luyện tập để em cảm nhận được tình cảm, sự thân thiết của cô. Dần dần, cô đã trở thành điểm tựa vững chắc để em có thể nắm tay bước dần ra thế giới bên ngoài. Sau những giờ dạy trên lớp, cô lại cần mẫn qua nhà để dạy riêng cho em những kĩ năng cơ bản của một trẻ bình thường. Hôm thì 20 phút, có hôm đến 2 tiếng đồng hồ. Không phụ công cô, từ một học sinh tự kỉ nặng, Trương Thăng đã thay đổi rõ rệt. Sau 5 năm tiểu học, em đã biết đọc, biết viết, biết tính các bài toán cơ bản. Cả những bài toán với phân số, số thập phân em đều làm thành thạo. Em biết làm văn, biết viết câu và thể hiện cảm xúc chân thực của mình. Những dòng chữ em viết ra được thực sự là kì tích đối với cô giáo và mẹ của em. Sau nhiều năm, nhờ sự dạy dỗ của cô Diệp, cùng với cố gắng của mình, giờ đây Thăng đã là một thanh niên 18 tuổi. Em đã được vào làm việc tại một công ty nội thất của Hà Nội.
Đến sáng kiến phần mềm hỗ trợ trẻ khuyết tật
Từ thành công khi dạy học sinh đặc biệt qua các năm học, cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp đã tổng hợp kinh nghiệm để viết phần mềm Ispring suite 9.7 kết hợp với Powerpoint hỗ trợ trẻ khuyết tật (Trẻ tự kỉ, phổ tự kỉ, tăng động giảm tập trung) ở môn Toán, Tự nhiên xã hội giai đoạn 1 (lớp 1,2,3). Cô cho biết, sau khi viết xong, cô đã gửi phần mềm đến Câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỉ tại Hà Nội. Các em đã rất hào hứng với phần mềm đó và tự học rất tốt. Bởi lẽ 99% học sinh tăng động, giảm tập trung có niềm đam mê sâu sắc với máy tính. Các em học mà chơi, chơi mà học. Học sinh có thể luyện tập ở nhà, phụ huynh theo dõi kết quả học tập của con mình, tương tác với giáo viên chủ nhiệm, gửi kết quả học tập của con cho giáo viên hướng dẫn. Sau đó, cô đã áp dụng thực hiện cho học sinh mắc hội chứng tăng động, giảm tập trung trong lớp mình chủ nhiệm. Nhờ đó, học sinh đặc biệt trong lớp của cô có cơ hội học tập, hòa nhập cộng đồng. Phần mềm hỗ trợ của cô có thể giúp trẻ đặc biệt được rèn luyện riêng vào các giờ hoạt động tập thể, giờ ra chơi hay đầu, cuối mỗi giờ học.
Chia sẻ thêm về phần mềm hỗ trợ trẻ khuyết tật, cô Diệp cho biết: Phần mềm dành cho trẻ khó hòa nhập khác phần mềm cho học sinh bình thường. Bởi học sinh bình thường có hệ thống bài nâng cao ở mức độ 3, 4 và thiên nhiều về kênh chữ. Còn phần mềm cho trẻ khó hòa nhập chủ yếu là những bài tập ở mức độ nhận biết, thiên nhiều về hình ảnh, biểu tượng, sơ đồ tư duy, lý thuyết ngắn gọn để các em không ngại đọc. Hệ thống trò chơi cũng có những hình ảnh minh họa ngộ nghĩnh hơn. Khi sáng tạo phần mềm này, cô đã nghĩ đến sự khác biệt về nhận thức cũng như tâm sinh lí của học sinh khó hòa nhập so với học sinh bình thường. Các em khó hòa nhập ham thích dùng máy tính, được làm những bài toán dễ. Và khi được khen, dù chỉ là rất ít, các em cũng vô cùng sung sướng, nhờ đó các em say mê hơn với việc học. Đặc biệt, qua phần mềm, cô đã khéo léo nhờ phụ huynh hỗ trợ để giúp con hoàn thành nhiệm vụ trên lớp. Phần mềm có hướng dẫn cụ thể từng bước, không cần internet học sinh vẫn có thể sử dụng được.
Và giá trị của sự sẻ chia
Nhiều năm dạy trẻ tự kỉ, cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp nhận thấy, có nhiều gia đình không thể chấp nhận việc con bị tự kỉ khi đưa con đến trường tiểu học. Theo cô Diệp, hiện nay, số lượng học sinh mắc bệnh tự kỉ, phổ tự kỉ hay tăng động giảm tập trung ngày càng nhiều. Có học sinh ở những dạng nặng, dù đã rất lớn, nhưng vẫn vô thức trong những việc như đi vệ sinh. Lại có học sinh khi được bố mẹ đưa đến lớp vẫn chưa biết cầm nắm bất cứ vật gì, không có những cử động mắt, giao tiếp bằng mắt với người khác. Khi được hỏi, chỉ im lặng, không chút phản xạ. Không chỉ có những biểu hiện về mặt nhận thức, hành vi, mà các em còn rất nhạy cảm với thời tiết. Có em khi chuyển mùa là đã khó ăn, khó ngủ, khóc lóc, bứt rứt khó chịu, liên tục đập đầu vào tường ảnh hưởng đến các bạn trong lớp. Những lúc như thế, cô giáo phải ôm ấp, xoa lưng, vỗ về để các em bớt căng thẳng. Bên cạnh đó, điều làm cô giáo Diệp luôn trăn trở là phụ huynh không yên tâm khi có những bạn tăng động như vậy học trong lớp của con mình. Thực tế ấy đã thôi thúc cô bằng mọi giá phải giúp các em khuyết tật hòa nhập được với các bạn. Vì vậy, ngoài việc hỗ trợ riêng cho học sinh khuyết tật, cô thường xuyên dạy học sinh trong lớp phải yêu thương, giúp đỡ các bạn thiệt thòi hơn mình. Cô luôn tìm cách để học sinh khá giúp các bạn khuyết tật đồng thời chụp lại những bức ảnh các em giúp đỡ nhau để giờ sinh hoạt lớp tuyên dương việc làm đó. Chính tình cảm yêu mến, sự giúp đỡ của các bạn trong lớp đối với học sinh khuyết tật đã tác động đến phụ huynh, giúp phụ huynh không cảm thấy bất an khi trong lớp của con mình có những trẻ học hòa nhập. “Và điều tôi nhìn thấy rõ nhất trong lớp học của mình chính là giá trị của sự sẻ chia” – cô Diệp bộc bạch.
Dành nhiều công sức, thời gian chăm sóc, dạy dỗ học sinh đặc biệt, cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp cũng không quên trau dồi, tìm tòi đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng những phương pháp dạy học tích cực nhằm phát huy sức sáng tạo của học sinh bình thường, giúp các em chủ động trong việc lĩnh hội tri thức. Đặc biệt, cô rất tích cực tham gia công tác bồi dưỡng học sinh năng khiếu, công tác mũi nhọn của nhà trường và đã có nhiều học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi HSG Quốc tế, Quốc gia và Thành phố. Chỉ tính riêng năm học 2018-2019, học sinh do cô bồi dưỡng đã đạt 16 Huy chương trong kì thi Toán Quốc Tế- Toán học không biên giới; 01 học sinh đoạt giải Khuyến khích cấp Quốc gia cuộc thi Viết chữ đẹp toàn quốc “Nét chữ - Nết người” và 01 học sinh đoạt giải Ba Trạng nguyên Tiếng Việt cấp Thành phố.
Với phương châm không bỏ rơi một học sinh nào trong lớp, gần 20 năm qua, bằng sự tâm huyết và tình yêu nghề cháy bỏng, cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp luôn đồng hành với học sinh của mình trên mọi chặng đường để rồi “trải qua quá trình gian nan, giờ đây, những học sinh đặc biệt trong lớp tôi chủ nhiệm đã có rất nhiều tiến bộ. Các em đã mạnh dạn, tự tin hơn, không còn rụt rè, sợ sệt khi đến trường mà chủ động tham gia các hoạt động ngoại khóa, biết chơi cùng các bạn, có thái độ học tích cực. Nhìn hoạt động của các con, tôi mừng rơi nước mắt. Tâm huyết của tôi bao nhiêu năm nay đã được đền đáp. Trong lớp tôi, sẽ không có học sinh đặc biệt, chỉ có sự đoàn kết, không khí sôi nổi, hăng hái học tập mà thôi“ – cô Diệp xúc động nói.