Nhằm chung tay vào cuộc chiến chống xâm hại tình dục nói chung và chống xâm hại tình dục trẻ em nói riêng của toàn xã hội đồng thời để thực hiện kế hoạch số 16/KH-MNMD ngày 12/10/2018 về thực hiện nhiệm vụ năm học 2018-2019, Trường Mầm non chất lượng cao Mai Dịch, đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục kĩ năng sống cho trẻ. Một trong số những kĩ năng quan trọng hàng đầu, đó là dạy trẻ kĩ năng phòng chống xâm hại. Để thực hiện, ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu nhà trường đã tiến hành triển khai chuyên đề “Phòng chống xâm hại cho học sinh mẫu giáo”. Giáo viên được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng để có thêm hiểu biết về tâm sinh lí trẻ và cách dạy trẻ phòng chống xâm hại từ đó xây dựng nội dung giáo dục phòng chống xâm hại cho trẻ theo hướng đồng tâm phát triển, phù hợp với từng lứa tuổi và khả năng của trẻ, giúp các con có những kiến thức và kĩ năng phù hợp nhất.
Với các bé khối mẫu giáo bé, các con hiểu được đâu là vùng đồ bơi, các con cũng biết được rằng chỉ có bố mẹ và bác sĩ mới được chạm vào vùng đồ bơi của con khi tắm rửa hoặc khám bệnh cho con nếu được con đồng ý. Với các bé khối mẫu giáo nhỡ, các con đã biết qui tắc 5 ngón tay với: Ngón cái - được ôm hôn, dành cho bố mẹ, ông bà, anh chị em ruột; Ngón trỏ - được nắm tay, với người thân là họ hàng, thầy cô, bạn bè; Ngón giữa – chỉ dừng lại ở những cái bắt tay, đó là với người quen như bạn bè của bố mẹ, hàng xóm; Xa hơn nữa là Ngón áp út – chỉ vẫy tay với người lạ mà em mới gặp; Cuối cùng là ngón út – Xua tay, thậm chí hãy hét to lên nếu con cảm thấy bất an khi có người xa lạ tiến lại gần. Các con cũng biết đâu là những bộ phận riêng tư trên cơ thể, biết được thế nào là những đụng chạm tốt hoặc đụng chạm xấu. Quan trọng nhất là các cô đã hướng dẫn các con nhận biết được và phòng tránh các hành vi xâm hại.
Đối với các bé khối mẫu giáo lớn, các con không chỉ nắm rất rõ qui tắc 5 ngón tay, các con còn biết thêm về qui tắc 5 không, qui tắc 6 cánh hoa để không bị xâm hại hoặc lạm dụng. Những nội dung gần gũi và thiết thực và đơn giản như: không nhận quà và đi theo người lạ, không đi một mình vào chỗ vắng người, không cho ai chạm vào vùng đồ lót, hét thật to nếu cảm thấy không an toàn… chắc chắn giúp các con kiến thức để bảo vệ bản thân. Đặc biệt, các cô giáo còn chú trọng cho các con thực hành các tình huống giúp các con bình tĩnh, phản xạ nhanh, phản ứng kịp thời trong các tình huống không an toàn, thoát hiểm bằng những động tác dễ thực hiện như chạy, đấm vào mắt, cắn, quắp chân thật chặt kẻ xấu…
Và các con vẫn nhớ lời các cô dặn: hãy trò chuyện và nói với bố mẹ về những lo lắng, những điều làm các con sợ hãi, những người làm các con đau hoặc khiến các con cảm thấy không an toàn nhé. Đừng ngại ngùng và giữ bí mật điều khiến các con bất ổn, bố mẹ và các cô giáo sẽ luôn bên con, bảo vệ con và yêu thương con thật nhiều.
Bên cạnh việc dạy trẻ kiến thức và kĩ năng phòng chống xậm hại, các cô giáo cũng đã tích cực tuyền truyền đến các bậc phụ huynh, khuyến khích bố mẹ gần gũi các con hơn, phối hợp cùng các cô dạy con về phòng chống xâm hại và thực hành kĩ năng thoát hiểm. Với sự phối hợp chặt chẽ và bảo vệ từ 3 phía: gia đình – nhà trường – xã hội, các cô mong và tin rằng các con luôn bình an và được phát triển tốt nhất trong môi trường an toàn, thân thiện, đầy tình thương yêu và trẻ có thể an tâm tìm sự giúp đỡ từ những người lớn tốt ở xung quanh mình.