Phụ huynh vui mừng
Theo kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội phê duyệt, từ ngày 13/4, trẻ mầm non sẽ trở lại trường học trực tiếp. Trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận của phụ huynh, các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ theo kế hoạch dạy học của trường và tổ chức hoạt động bán trú, dạy học 2 buổi/ngày theo nội dung của Công văn số 773/SGDĐT-CTTT-KHCN ngày 29/3/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội.
|
Trường Mầm non Việt Triều Hữu nghị (quận Đống Đa) vệ sinh trường lớp,
chuẩn bị các điều kiện an toàn để đón trẻ đi học trở lại.
|
Thông tin này đã nhận được sự đồng tình và những ý kiến tích cực từ phía phụ huynh. Nhiều phụ huynh cho rằng, mầm non là bậc học nghỉ dài nhất và cũng là bậc học duy nhất không triển khai học trực tuyến. Dù theo yêu cầu của Bộ GDĐT cùng Sở GDĐT, các giáo viên vẫn phối hợp, hướng dẫn phụ huynh về các nội dung chăm sóc, giáo dục trẻ cần thiết nhưng hiệu quả không cao. Đặc biệt, việc trẻ nghỉ học quá lâu cũng gây xáo trộn lớn với cuộc sống của nhiều gia đình khi các con còn quá nhỏ, không thể tự ở nhà một mình như học sinh các bậc học lớn hơn.
Có hai con đang ở độ tuổi mầm non, con lớn 4 tuổi và con nhỏ mới chỉ 2 tuổi, chị Lê Hồng Thắm (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) cho hay, việc trẻ được trở lại trường học trực tiếp với gia đình chị là niềm vui lớn. “Trường học đóng cửa, gia đình tôi buộc phải gửi các con về quê với ông bà vì bố mẹ phải đi làm, không có người trông. Gia đình chia đôi, bố mẹ phát cuồng vì nhớ con, còn các con cũng rất muốn được ở cùng bố mẹ. Với quyết định này của Thành phố, gia đình tôi rất hạnh phúc. Đợt nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, vợ chồng tôi đã về quê đón các con trở lại Hà Nội” - chị Thắm chia sẻ.
Nghe tin trẻ mầm non được đi học trở lại, chị Nguyễn Thu Hà (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) cũng cảm thấy nhẹ lòng phần nào. Vợ chồng chị đi làm văn phòng cả ngày. Từ ngày con nghỉ học ở nhà, gia đình chị phải “thắt lưng, buộc bụng”, chi tiêu tiết kiệm, bỏ tiền ra thuê người giúp việc để trông con nhỏ với số tiền 6 triệu đồng/tháng.
Chị Hà tâm sự: “Con tôi khi nghe tin sắp được đi học, gặp lại bạn bè ở trường đã nhảy cẫng lên, tỏ ra rất háo hức. Từ ngày con nghỉ ở nhà, công việc bận bịu, vợ chồng tôi phải thắt chặt chi tiêu để thuê người giúp việc. Dịch Covid-19, bỏ tiền triệu để thuê người trông con là một trở ngại, gánh nặng đối với gia đình. Nhiều khi bố mẹ đi làm cả ngày, có hôm đi làm về thấy con ngồi một mình xem tivi, không có ai chơi cùng cũng rất tủi thân”.
Với các phụ huynh có con lớp 5 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1, niềm vui này càng lớn hơn. Anh Phạm Quang Huy (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) cho biết, con nghỉ học cả năm, điều anh lo lắng nhất là con sẽ vào lớp 1 mà không có chút nền tảng kiến thức nào.
“Ở trường mầm non, lớp 5 tuổi sẽ được các cô dạy bảng chữ cái để các con có học đọc khi lên lớp 1, được chuẩn bị các hành trang cần thiết cho bậc tiểu học. Tôi rất sốt ruột khi đã hết năm học đến nơi mà con mình vẫn ở nhà, không biết sẽ vào lớp 1 như thế nào. Việc con sẽ đi học lại từ ngày 13/4 tới đây khiến tôi thấy yên lòng phần nào” - anh Huy bày tỏ.
Trường học sẵn sàng
Theo ghi nhận, những ngày qua, các đơn vị, trường học trên địa bàn Thành phố đã, đang khẩn trương triển khai rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng, chống dịch; đồng thời lên phương án, kịch bản ứng phó với các tình huống phát sinh khi trẻ trở lại học tập trực tiếp tại trường.
Tại Trường Mầm non Việt Triều Hữu nghị (quận Đống Đa), nhà trường đã tổ chức tổng vệ sinh toàn bộ các lớp học và khuôn viên trường; chủ động xây dựng kế hoạch đón, trả trẻ; phân công chi tiết đến từng cán bộ, giáo viên, nhân viên, đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Toàn bộ các khâu từ đo thân nhiệt, sát khuẩn tay đến lo ăn, ngủ cho trẻ cũng được Ban Giám hiệu nhà trường xây dựng chi tiết. Trẻ sẽ được kiểm tra thân nhiệt ngay tại cổng trường. Nếu có trường hợp biểu hiện ốm, sốt… giáo viên sẽ báo cho nhà trường và phụ huynh để cùng phối hợp xử lý… Ngoài ra, trong ngày đầu trẻ trở lại trường, tại sân trường cũng như trong các lớp học, nhà trường sẽ tổ chức các hoạt động nhằm thu hút sự chú ý của trẻ.
Trước đó, từ ngày 6/4, hơn 1 triệu học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 trên địa bàn Thành phố đã trở lại trường học trực tiếp an toàn, phấn khởi. Nhìn chung, các nhà trường đều tổ chức đón học sinh chu đáo, quan tâm đến các em lớp đầu cấp; sẵn sàng phương án ứng phó với các tình huống phát hiện dịch bệnh trong quá trình dạy học trực tiếp. Qua theo dõi, các nhà trường tổ chức dạy học hiệu quả, linh hoạt, tạo thuận lợi nhất cho học sinh.
Với yêu cầu tuyệt đối không lơ là, chủ quan với dịch bệnh, Sở GDĐT Hà Nội đã đề nghị các nhà trường quan tâm nắm bắt diễn biến tâm lý học sinh để có sự hỗ trợ khi cần thiết. Trong những ngày đầu học sinh đi học trở lại, các trường phải dành thời gian ổn định nền nếp học tập; rà soát, kiểm tra kiến thức đã học trực tuyến để có kế hoạch bổ trợ, song song với việc dạy bài học mới.
|
Tương tự, tại Trường Mầm Non Liên Bạt (huyện Ứng Hòa), công tác kiểm soát y tế, phòng, chống dịch cũng được nhà trường lên phương án chi tiết. “Với hơn 400 trẻ được chia thành 17 lớp, nhà trường đã tiến hành tổng vệ sinh trường, lớp; xây dựng kịch bản; tổ chức tập huấn; trang bị đầy đủ các thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch. 100% các lớp hiện đã được trang bị máy đo thân nhiệt, nước rửa tay khô. Nhà trường cũng đã triển khai thông tin tới phụ huynh về phương án đi học trở lại, trong đó có đề nghị phụ huynh theo dõi, cập nhật tình hình sức khỏe của trẻ cho giáo viên hằng ngày. Khi tới trường, trẻ sẽ được kiểm tra thân nhiệt tại cổng, sau đó lên lớp theo sự hướng dẫn của giáo viên. Giờ đón, trả trẻ được chia cách nhau giữa mỗi độ tuổi để đảm bảo giãn cách, tránh tập trung quá đông…” - Hiệu trưởng Trường Mầm non Liên Bạt Đỗ Thị Hòa thông tin.
Hay như tại Trường Mầm non Phụng Châu (huyện Chương Mỹ), việc đón trẻ trở lại trường học trực tiếp luôn được nhà trường quan tâm và chủ động thực hiện theo đúng các văn bản hướng dẫn. Đến nay, nhà trường đã hoàn thành mọi công tác để đón trẻ trở lại trong điều kiện tốt nhất. Trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận của phụ huynh, nhà trường đã xây dựng phương án tổ chức dạy học trực tiếp, được UBND xã phê duyệt và triển khai các nhiệm vụ cụ thể trước, trong, sau khi trẻ đi học đến 100% giáo viên, nhân viên, phụ huynh. Bên cạnh đó, nhà trường đã tổ chức tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn; bố trí và mua bổ sung đầy đủ các trang thiết bị y tế, thiết bị dạy học đảm bảo theo quy định.
Riêng đối với các cơ sở mầm non ngoài công lập, niềm vui càng lớn hơn khi mở lại trường đồng nghĩa với việc chủ trường sẽ có nguồn thu, có thể tiếp tục duy trì trường lớp, giáo viên có việc làm và có thu nhập, dù trước mắt còn rất nhiều khó khăn. “Chúng tôi rất hạnh phúc khi có thể được tiếp tục sống với nghề, với công việc mà mình tâm huyết” - chị Bùi Hải Yến (giáo viên một cơ sở mầm non ngoài công lập trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ.