Tôi muốn nói đến một người như thế, một tấm gương “Người tốt việc tốt” đó chính là cô giáo Đào Lệ Thủy – Nguyên Bí thư chi bộ - Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội (giai đoạn năm 2007-2016). Cô không chỉ là một giáo viên dạy giỏi, tài năng, là nhà quản lí giỏi, tâm huyết mà còn là một người vợ liệt sĩ với biết bao hy sinh thầm lặng giữa cuộc đời.
Cô Đào Lệ Thủy vào ngành giáo dục tháng 8/1981 được phân công lên công tác tại Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội. Tháng 1/ 1985 cô chuyển về công tác tại Phòng Giáo dục và tháng 10/1985 được phân công về công tác tại trường Tiểu học Vĩnh Tuy. Trong quá trình công tác ở đây nhiều năm liền cô đạt giáo viên dạy giỏi cấp Quận, Giáo viên tài năng duyên dáng cấp Quận , là khối trưởng CM, Chiến sĩ thi đua, Lao động Tiên tiến ... Tháng 1/2001 cô được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Vĩnh Tuy. Công việc tuy bận rộn, vất vả nhưng cô luôn nỗ lực và có được thành công nhờ được sự ủng hộ, động viên từ gia đình và đồng nghiệp. Cuộc sống yên ả cứ thế trôi đi cho đến một ngày cô nhận được tin dữ.
Ngày 26/8/ 2005, chồng cô, anh Nguyễn Xuân Nghiệp, một đạo diễn, một nhà quay phim đã hy sinh khi đang ngồi trên thuyền quay cảnh lũ trên sông Đà. Với chiếc máy quay phim nhựa nặng, anh đang say sưa tác nghiệp thì chiếc thuyền bị lũ chao nghiêng. Anh rơi xuống bị lũ cuồn cuộn cuốn đi và ra đi mãi mãi. Cả tuần sau với quyết tâm của Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng và ĐAQĐ mới tìm thấy anh trôi dạt cách chỗ rơi xuống gần trăm cây số. Trong những ngày tháng đó cả đơn vị dấu gia đình khi chưa tìm thấy anh và nói dối là cho con trai lớn đi cùng đơn vị lên giúp bố (cháu đang học Đạo diễn ) làm tiếp phim để về Hà Nội cho nhanh đúng dịp 2/9 còn làm tiếp chương trình diễu binh diễu hành ở Lăng Bác. Thực ra là đơn vị muốn đưa cháu đi để theo tâm linh hy vọng máu mủ ruột thịt sẽ tìm thấy anh nhanh hơn. Cuối cùng sau 1 tuần lăn lộn vất vả dọc tuyến sông Đà đồng đội đã tìm thấy anh và đưa về Hà Nội đúng dịp 2/9 như anh đã hẹn với vợ là mùng 2/9 anh sẽ về . Anh được phong là Liệt sĩ, an táng ở nghĩa trang Liệt sĩ Ngọc Hồi, anh là NSƯT quản đốc xưởng làm phim Khoa học và đang cơ cấu là nguồn Ban Giám đốc ĐAQĐ.
Mất đi người người bạn đời thân yêu, không có nỗi đau nào lớn hơn thế nữa. Nhưng nhờ được sự quan tâm, chia sẻ của đơn vị chồng, của bạn bè đồng nghiệp, vượt qua nỗi đau, cô tiếp tục một mình nuôi 2 con nhỏ, chăm bố mẹ già, gánh vác trách nhiệm 2 bên gia đình và tiếp tục công tác. Cùng với Ban giám hiệu trường Tiểu học Vĩnh Tuy xây dựng trường chuẩn Quốc gia giai đoạn 1 xong thì tháng 7/2007 cô được bổ nhiệm về làm Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngô Quyền. Trong 9 năm công tác, cô đã dần dần đưa trườngTiểu học Ngô Quyền trở thành trường TTXS cấp Thành phố nhiều năm liền với nhiều thành tích Giáo viên giỏi cấp Quận và Thành phố, nhiều học sinh giỏi Quận và Thành phố về học tập văn hóa, các môn năng khiếu, TDTT - giải tập thể cũng như cá nhân. Các hoạt động ngoại khoá các CLB trong trường được triển khai hoạt động sôi nổi. Nổi trội là phong trào bóng rổ bóng đá, tiếng Anh, Toán – Tiếng Việt của trường nhiều giải nhất cấp Quận, Thành phố và Quốc gia, làm tốt công tác xã hội hóa. Cơ sở vật chất của trường ngày càng khang trang sạch đẹp, phong trào giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi thu được nhiều thành tích. Trường được phụ huynh tin yêu, quận tin tưởng đưa vào xây dựng trường chuẩn Quốc gia. Với sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo nhà trường của CB, GV, NV, HS trường đã đạt danh hiệu trường Chuẩn Quốc gia giai đoạn I tháng 12/2013 sau 7 năm Quận không có trường chuẩn nào ngoài Vĩnh Tuy và Lương Yên. Trong quá trình công tác ở trường Tiểu học Ngô Quyền , dù phải gánh vác công việc trường tương đối nhiều và áp lực nhưng cô vẫn hoàn thành tốt vai trò người mẹ hiền, người con đảm. Các con của cô đã tốt nghiệp đại học và trưởng thành. Bản thân cô nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp Quận và Thành phố, GV giỏi việc nước, đảm việc nhà, Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên tục. được tập thể nhà trường tin yêu tín nhiệm, phụ huynh yêu quí, tin tưởng. Đến tháng 6/2016 cô Đào Lệ Thủy nhận quyết định về nghỉ chế độ.
Câu chuyện về sự nghiệp và cuộc sống của cô giáo Đào Lệ Thủy làm tôi rưng rưng xúc động. Tôi thấy yêu mến và cảm phục cô – một người phụ nữ nhỏ bé nhưng rất kiên cường. Trải qua những biến cố của cuộc đời vẫn mạnh mẽ vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vủa một nhà giáo mẫu mực. Những mất mát, hy sinh mà cô chịu đựng không gì có thể bù đắp được. Một lần nữa, nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, xin được kính cẩn nghiêng mình trước vong linh các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do, hòa bình của nước nhà. Cảm ơn nhà giáo Đào Lệ Thủy, người đã truyền lửa niềm tin yêu vào sự nghiệp trồng nghiệp trồng người của Quận Hai Bà Trưng nói riêng và của thủ đô nói chung.