Đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo địa phương và thầy trò trường TH Nậm Mười
Chỉ trong thời gian hơn nửa tháng phát động quyên góp, ủng hộ, Ban tổ chức chương trình đã tiếp nhận được hơn 1 tấn gạo; 220 thùng mỳ tôm; 30kg mỳ gạo; 2000 quyển vở; hơn 400 chiếc áo ấm mới; 15 thùng bánh kẹo; 20 bộ màn hình máy tính; 400 bộ đồ dùng học tập cùng rất nhiêu quần áo, giày dép và các loại đồ dùng khác…
Ngày 7/1/2017, đoàn đại biểu chương trình thiện nguyện “Mùa xuân cho em” đã khởi hành từ 4 giờ sáng, vượt chặng đường khúc khuỷu, gập ghềnh gần 200 km để đến với các thầy cô giáo và các em học sinh trường Nậm Mười, trao cho các thầy cô giáo và các em những phần quà ấm áp nghĩa tình, nhằm kịp thời động viên, chia sẻ cùng tập thể thầy và trò nhà trường nhân dịp Tết đến, xuân về trên rẻo cao.
Trao quà cho học sinh Nậm Mười
Tại điểm trường Khe Kim, xã Nậm Mười; huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, chương trình đã trao 410 suất quà cho giáo viên và học sinh trường Tiểu học Nậm Mười, 37 xuất quà cho giáo viên và học sinh trường Mầm non Nậm Mười; trao 50 xuất học bổng cho 50 học sinh vượt khó học tốt của 5 điểm trường (500.000 đồng/xuất), trao 2.000.000 đồng quỹ “Hành trình đi để biết, học để sống” của Học viện Cảnh sát nhân dân; cùng các loại nhu yếu phẩm phục vụ các em học sinh bán trú với tổng trị giá quà tặng hơn 200 triệu đồng.
Ánh mắt Nậm Mười
Chương trình thiện nguyện “Mùa xuân cho em” là một trong những hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với thầy và trò trường Tiểu học Giang Biên từ nhiều năm nay. Chương trình nằm trong khuôn khổ thực hiện công văn số 332/SGD&ĐT-HSSV, ngày 23 tháng 01 năm 2014 của Sở GD&ĐT Hà Nội "về việc hỗ trợ các nhà trường vùng đặc biệt khó khăn, vùng thường xuyên phải chịu các điều kiện khắc nghiệt về thời tiết". Ngoài việc phát động, kêu gọi các lực lượng xã hội tham gia ủng hộ, hỗ trợ nhằm động viên cả về tinh thần lẫn vật chất cho các thầy cô giáo và các em học sinh trường kết nghĩa Tiểu học Nậm Mười ở vùng cao, xa xôi hẻo lánh, hoạt động còn mang tính nhân văn, giáo dục học sinh lòng nhân ái, biết yêu thương, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn, từ đó có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng xã hội những nhận thức và nghĩa cử cao đẹp về truyền thống “tương thân, tương ái”; “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam.