Với thầy Phan Thanh Tùng, một đồng nghiệp của chúng tôi, tôi thường nghĩ tới một câu đối rất hay, gợi về vẻ đẹp thanh cao và trường xuân của cây tùng:
Vạn cổ thanh tùng xuân bất lão
Thiên thu bạch hạc thọ vô cương
Thầy Phan Thanh Tùng, sinh 21/10/1958, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông (TP Hà Nội) vừa nghỉ hưu với chặng đường 38 năm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Hiện thầy trú tại 29D1 - khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Hà Nội. Số điện thoại di động của thầy: 0989082238. Mùa xuân này, tôi chúc thầy: Vạn cổ thanh tùng xuân bất lão...
Cơ duyên nào thầy đến với nghề sư phạm? Thầy tâm sự: “Bố tôi, ông Phan Tích Hiền, người gốc Huế, được tập kết ra Bắc học tập và làm giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1975, khi đang là Phó chủ nhiệm Khoa Sinh của trường, ông được cử làm Phó Trưởng Đoàn chuyên gia sang Lào để giúp bạn xây dựng trường ĐHSP. Sang Lào được hơn một tuần thì bố tôi đột ngột qua đời và ông được công nhận là liệt sĩ. Tôi và hai em gái chỉ còn có mẹ. Mẹ tôi quê Nghệ An, bà cũng là giáo viên. Năm bố tôi mất, cũng là năm tôi thi tốt nghiệp cấp 3 và rồi đi học tại Khoa Lý - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Cuối năm 1979, sau khi tốt nghiệp, tôi được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của Khoa. Trong thời gian công tác ở Khoa Lý, trước khi về Trường THTP công tác 1/1995, tôi có 3 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, 2 năm học sau đại học. Thế là bao dự định, mơ ước của tôi, chàng trai trẻ, yêu thích nghề hàng hải, làm việc trên tàu viễn dương đã phải bỏ lại để chuyển học sư phạm, theo nguyện vọng của người thân, để có điều kiện ở gần giúp đỡ mẹ và chăm sóc các em”.
Thầy Phan Thanh Tùng như chính tên thầy vươn thẳng, chính trực, liêm khiết trong nghề và giữa đời. Có lẽ tinh thần ấy được kết tụ từ người cha kiên nghị, mẫu mực tài hoa đất Cố đô Huế và người mẹ cần mẫn, nhẫn nại xứ Nghệ.
Bản lĩnh số một của thầy thể hiện ở công tác quản lí tài chính Nhà trường. Công khai và minh bạch là nguyên tắc. Tám năm làm Hiệu trưởng, không có sai phạm nào. Bao ánh mắt của phụ huynh, của ban ngành kiểm tra và đáng quí nhất là hơn trăm đôi mắt của Hội đồng sư phạm Nhà trường nhìn về phía thầy tuyệt đối tin tưởng và đồng thuận! 5 năm liền tính đến 2019, cơ quan luôn được chi lương tháng 13. Có những năm, nhiều người được lĩnh hơn cả chục triệu đồng.
Thầy luôn tiết kiệm và làm việc thiết thực. Thầy tận dụng từng tờ giấy in, nhắc giữ gìn từng tấm đệm nhảy thể dục, dặn cuộn cất những tấm thảm, những lá cờ đuôi nheo dùng xong ngày lễ. Gọn gàng ngăn nắp dành không gian cho các lớp học thể chất, quốc phòng. Nhìn chiếc xe máy Jupiter màu xanh lục của thầy luôn được đứng thẳng bằng chân chống giữa ở hàng thứ nhất, góc trong cùng của 3 hàng xe giáo viên dưới gầm nhà 3 tầng vẻn vẹn khoảng 50m2 thì đủ biết thầy Tùng đã tiết kiệm không gian như thế nào! Chiếc xe đứng đó sớm nhất, về muộn hơn, cứ ngay ngắn, khép gọn, vững trãi như thế cả chục năm trời!
Bản lĩnh để vượt thoát khỏi tác động cuộn xoáy của “thị trường hóa giáo giục”, không bản lĩnh chắc chắn người thuyền trưởng ấy và con đò cùng đội ngũ người đưa đò THPT Trần Nhân Tông không thể được bình an, thanh thản như thế!
Nhớ lại chuyện, có dịp đến thăm thầy ốm. Sau tiết 5 buổi chiều đã mệt lại leo lên tầng 4, cầu thang hẹp tối om, vào được nhà ai nấy đều thở hồng hộc. Cô giáo Chính, vợ thầy, xúc động đón chúng tôi, cô nói:
- Nhà chật, mong anh chị em chúng mình thông cảm nhé!
Cô Chính nhỏ nhẹ giới thiệu lại cho mấy cô giáo chưa biết về gia đình thầy và dí dỏm như thanh minh cho thầy:
- Gia đình“thầy giáo làng”chúng tôi, có bà nội cháu Bình, cháu Sơn (con trai thầy Tùng, cô Chính) - bà nghỉ hưu từ năm 1993, vợ chồng con cái tôi cùng vợ chồng và hai đứa con cô Hương, em gái thứ hai của anh Tùng, giáo viên cùng trường. Cô chú chưa mua được nhà nên vẫn ở chung đây. Nhà tập thể Nguyễn Công Trứ này đã cũ, căn hộ thì chật hẹp nhưng ở cả chục năm rồi cũng thành quen, gắn bó. Sống đầm ấm, tình nghĩa lắm! Ở đây đi làm, các cháu đi học cũng thuận tiện. Ở chung, các cháu được gần gũi tình cảm với bà, cũng để bà chăm chút học hành cho các cháu, tôi đi dạy xa tận THPT Yên Viên mà!”. Thăm hỏi xong ra về, trong lòng tôi trào dâng nhiều cảm xúc, yêu quí, nể phục …!
Trong chuyên môn, thầy giáo - người lính ấy càng bản lĩnh vững vàng: chuần chỉ và nghiêm túc, khắt khe nhưng khoa học. Thầy luôn khích lệ mọi người học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để sao cho đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn và vượt chuẩn nhiều hơn nữa. Nhắc mình và nhắc đồng nghiệp: “luôn phải là tấm gương sáng cho học trò noi theo!”
Thầy Phan Thanh Tùng, một trái tim nhiệt huyết, một tấm lòng yêu thương giàu sẻ chia, một tâm hồn không kém phần “ga lăng” và một đức tính giản dị hiếm có!
Được bổ nhiệm Hiệu trưởng ở tuổi 52, không còn là trẻ tráng nhưng “trái tim đỏ nhiệt tình” đã cháy lên cùng công việc. Thầy luôn đi đầu và sát cánh với BGH và cán bộ giáo viên để thực hiện nhiệm vụ giáo dục. “Cần quan tâm nhiều đến giáo dục đạo đức học sinh”, “…bám sát để nắm bắt tâm lí các em...”, “ Tìm hiểu kĩ từng đối tượng học trò để dạy cho phù hợp”. Tận tụy từng việc nhỏ: chỉnh loa máy cho phù hợp; bật công tắc đèn chiếu nếu có trục trặc, ai nhờ. Có dịp, thường đến sớm hơn cả giáo viên chủ nhiệm để hướng dẫn học trò trực nhật cho sạch (trước kia trường học đều thuê lao công quét dọn, 4 năm trở lại đây học sinh tự vệ sinh phòng học). Thầy nói: “muốn giáo dục nhân cách cần giáo dục từ những việc nhỏ!”.
Cháy lên để tỏa sáng. Người kĩ sư tâm hồn Phan Thanh Tùng nhiệt huyết đã gặp đội ngũ nhà giáo nỗ lực, vì vậy, chỉ sau 4 năm ở vị trí Hiệu trưởng, hoa và cờ rực rỡ sân trường, tiếng hát lời ca ngân nga trang trọng trong ngày kỉ niệm 55 năm thành lập trường và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Có năm điểm thi đại học của học sinh khối 12 được xếp vào tốp 200 trường trên toàn quốc. Nhiều năm Nhà trường đạt danh hiệu Trường tiên tiến xuất sắc. Năm 2018, trước thời điểm thầy nghỉ hưu, Trường được Bộ Giáo Dục và Đào Tạo tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.
Thầy Phan Thanh Tùng tấm lòng giàu yêu thương. Thầy là tấm gương ưu trong lòng đồng nghiệp và mọi người. Nhớ câu nói đùa vui mà xúc động - như ta nhìn thấy mầm lộc nhú lên từ cái cây tưởng khô héo: “Hễ thầy cô nào hiếm muộn con cái, về trường anh Tùng là sinh con ngay!”. Sự thật là có thầy dạy Tin, 3 cô giáo dạy Ngữ Văn, 1 cô giáo dạy Sinh học, hiếm muộn đến cả 5 -7 năm rồi. Thầy cho nghỉ chữa sinh, thầy ân cần động viên anh chị em trong các tổ “gánh hộ chuyên môn”. Và rồi, tình người thấm đượm là có nụ cười mãn nguyện, hạnh phúc tràn về!
Chu đáo và sẻ chia là đức tính đẹp của thầy Hiệu trưởng Phan Thanh Tùng. “Gửi một chút quà thăm cháu nhé!” là tấm lòng thơm thảo của thầy đối với những cô giáo trẻ sinh con. Khi nghe chuyện than phiền về con cái, khi chứng kiến thái độ bực bội của các nữ đồng nghiệp về con của họ, thầy ôn tồn góp ý: “Các em đừng đánh mắng con… Tuyệt đối không so sánh con mình với bạn nọ bạn kia, khiến nó tự ái phản ứng ngược, phải gần gũi, chia sẻ nhé…!”.
Sống “ga lăng” và lãng mạn là phong thái là tính cách của một người đàn ông phố cổ Hà thành chăng? Những món quà nhỏ, những đóa hoa tươi kèm những lời chúc ngọt ngào gửi tới nữ đồng nghiệp vào các dịp kỉ niệm 20/10, 8/3 là minh chứng điều đó. Lời chúc của thầy vào những dịp kỉ niệm Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày Tết đến xuân về... luôn ấm áp, chân thành.
Thầy Phan Thanh Tùng - cây thông gốc Huế tỏa phấn thông vàng nơi phố cổ Hà Nội- giản dị và gần gũi trong kí ức của thầy và trò trường THPT Trần Nhân Tông. Hình ảnh thầy, dáng nhỏ gọn cầm chổi quét nước ở sân trường cho thoát nhanh để học sinh đến khỏi bị ngập ướt là bức tự họa đẹp đẽ nhất, xúc động nhất về đức tính giản dị, gần gũi của thầy!