Hoạt động này nhằm thực hiện kế hoạch số 4340/KH-SGDĐT ngày 12/12/2022 của Sở GD&ĐT Hà Nội với mục đích vận động toàn ngành GD&ĐT tham gia các hoạt động kết nối, chia sẻ kinh nghiệm dạy học, nâng cao chất lượng đội ngũ, góp phần từng bước thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các nhà trường, các đơn vị.
Trên cơ sở kế hoạch đã đề ra, ngành GD&ĐT hai địa phương xác định các hoạt động giao lưu, chung tay chia sẻ, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc kết quả học tập còn hạn chế; không để học sinh vì hoàn cảnh khó khăn bị bỏ lại phía sau; thực hiện tốt mục tiêu “học thật, thi thật, nhân tài thật”, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông 2018.
Phát biểu tại buổi lễ, lãnh đạo phòng GD&ĐT hai địa phương cùng bày tỏ mong muốn chương trình sẽ đạt hiệu quả cao nhất, thiết thực nhất. Trong đó đi sâu vào các nội dung cần chia sẻ, phù hợp với các nhà trường; đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu của mỗi đơn vị để tập trung giúp đỡ cùng nhau phát triển; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, nhất là công tác chuyển đổi số, công tác cán bộ, nâng chuẩn đào tạo; đa dạng hóa các hoạt động trong dạy học giúp học sinh tiếp cận được nhiều thông tin và khai thác các nguồn tài liệu mở để triển khai thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông 2018, nâng cao chất lượng giáo dục đạt kết quả cao nhất.
Cũng tại buổi lễ, ông Lê Hồng Vũ – Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội đánh giá cao các hoạt động kết nghĩa của hai đơn vị. Đồng thời ông Lê Hồng Vũ giao nhiệm vụ, đề nghị các nhà trường kết nghĩa sâu hơn nhằm nâng cao chuyên môn cấp học, phong trào dạy và học, chất lượng đào tạo bồi dưỡng giáo viên giỏi, cốt cán,... Đặc biệt lan toả phong trào tới cán bộ giáo viên, học sinh để chia sẻ trách nhiệm, tháo gỡ khó khăn...
Được biết, để thực hiện tốt phong trào trên, hai đơn vị Đống Đa và Sóc Sơn sẽ tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm quản lý, giải pháp đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng dạy học; chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Mỗi đơn vị sẽ lựa chọn 09 trường (3 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 3 trường THCS) xây dựng điểm, từ đó, chỉ đạo, hướng dẫn các trường tổ chức hoạt động kết nối, chia sẻ và tổ chức sơ kết (01 lần/năm), tổng kết (kết thúc giai đoạn thực hiện) để đánh giá, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt phong trào.