Sáng ngày 17/10/2020, Phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức tổ chức tập huấn chuyên đề: “Xây dựng trường học hạnh phúc” và chuyên đề “Đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động, giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo”để nâng cao năng lực nghề nghiệp góp phần xây dựng trường học hạnh phúc”. Về dự buổi tập huấn có lãnh đạo, chuyên viên phòng GDĐT cùng 250 thầy cô giáo là Hiệu trưởng và giáo viên cốt cán của các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn huyện. Truyền đạt những kiến thức về hai chuyên đề là TS. Nguyễn Ngọc Ân - Phó Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam, đồng chí Đỗ Văn Nam - Phó Chủ tịch Công đoàn giáo dục Hà Nội.
Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, đồng chí Phan Ngọc Anh – Phó Trưởng phòng GDĐT đã nhấn mạnh Trường học hạnh phúc là nơi mà cả thầy cô, phụ huynh và học sinh đều cảm thấy hạnh phúc.
Đồng chí Đỗ Văn Nam - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội chia sẻ các biện pháp nhằm đẩy mạnhcác phong trào thi đua, các cuộc vận động để nâng cao năng lực nghề nghiệp góp phần xây dựng trường học hạnh phúc. Qua nội dung chuyên đề, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đã hiểu hơn về nội dung và giải pháp nâng cao hiệu quả trong việc triển khai thực hiện các cuộc vận động, cũng như các phong trào thi đua của ngành. Từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên tự học nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và sáng tạo trong các hoạt động giáo dục, góp phần đổi mới mạnh mẽ sự nghiệp Giáo dục Đào tạo của huyện nói riêng, của Thành phố nói chung đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
TS. Nguyễn Ngọc Ân - Phó Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam đã chia sẻ: Trường học hạnh phúc là nơi mà cả thầy cô, phụ huynh và học sinh đều cảm thấy hạnh phúc. Đó là nơi mà các thầy cô tìm được niềm đam mê, nhiệt huyết giảng dạy và tích cực đưa ra các phương pháp dạy học chủ động, sáng tạo, luôn hỗ trợ, giúp đỡ học trò của mình trong quá trình học tập, thiết lập được mối quan hệ thân thiết, gắn bó và chia sẻ với học sinh. Trường học hạnh phúc là nơi học sinh cảm thấy có hứng thú với những giờ học, không có áp lực, căng thẳng, mệt mỏi, được thỏa sức vui đùa, hòa đồng với bạn bè. Đối với phụ huynh, một trường học hạnh phúc là nơi họ muốn gửi gắm con em mình, để cho chúng được phát triển tốt nhất, nơi họ có thể tin tưởng giao phó tương lai của con em mình. Hơn thế nữa, trường học hạnh phúc là nơi không có bạo lực học đường, không có những vụ đánh nhau, xô xát giữa học sinh, không có những hành vi, lời lẽ vi phạm đạo đức xã hội, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của nhà giáo. Đặc biệt, đó là nơi phải biết tôn trọng sự khác biệt, không áp đặt một cá nhân lên cái chung của tập thể.
Sau buổi tập huấn, mỗi CBQL, nhà giáo đã hiểu được giá trị và tầm quan trọng cũng như xác định rõ những việc làm, những kỹ năng xây dựng trường học hạnh phúc, đó là: Nuôi dưỡng cảm xúc tích cực, xây dựng mối quan hệ và môi trường sống tích cực; đề cao cảm xúc tích cực của mỗi cá thể trong nhà trường, các mối quan hệ tốt đẹp, trên cơ sở tinh thần dân chủ, công bằng, tôn trọng sự khác biệt, lắng nghe lẫn nhau; đồng cảm, yêu thương và chia sẻ; tích cực đổi mới phương pháp giảng dạytạo tinh thần học tập vui vẻ, lôi cuốn trong từng bài giảng, tạo cơ hội cho học sinh được sáng tạo ởmôi trường gắn kết với nhau; làm cho mỗi thành viên trong nhà trường có cơ hội được thể hiện, khẳng định và công nhận giá trị của bản thân. Chính các nhà trường phải là nơi tạo ra sự hạnh phúc cho người dạy và người học. Hy vọng năm học 2020-2021 ngành Giáo dục Hoài Đức sẽ xây dựng được nhiều mô hình “Trường học hạnh phúc – Lớp học hạnh phúc” đáp ứng niềm mong mỏi của toàn xã hội.