Thực sự là một người bạn
Tôi gọi người có vị trí “gương của gương” ở trường chúng tôi là một người bạn. Người bạn của giáo viên, của phụ huynh và cũng là người bạn lớn của học sinh. Tôi chọn gọi bạn, không chỉ để làm tăng tình thân mà vì thực chất bạn ấy đã là một người bạn của mọi người, không một chút xa cách. Thường thì người làm lãnh đạo hay giữ một khoảng cách để tạo uy nhất định, nhưng bạn ấy không vậy. Hoàn toàn giản dị, gần gũi, hòa đồng một cách khiêm nhường. Bạn rất nho nhã, ít lời nhưng luôn khiến cho mọi người có cảm giác yên tâm và đủ đầy.
Bạn không nói câu “hãy yên tâm”, “hãy tin tưởng” như nhiều người làm lãnh đạo hay nói để động viên cấp dưới. Nhưng từ cách làm việc, từ thái độ điềm đạm mà nghiêm túc, ai cũng cảm thấy yên tâm và tin tưởng. Dường như với bạn ấy, vị trí cấp trên là để nâng đỡ, động viên và rộng lượng, hơn là để xét nét và trói buộc những người khác. Đôi khi tôi tự hỏi: bạn ấy biết “lạt mềm buộc chặt” hay cốt cách con người bạn là vậy. Không bao giờ muốn ai bị căng thẳng. Đó là kiểu lãnh đạo thực là lãnh bằng đạo. Làm quản lý nhưng lại không quản chỉ bằng lý, mà còn bằng tình. Sự thân thương, khơi dậy ý thức cá nhân trong mỗi thành viên của tổ chức. Mỗi người đều dần được củng cố văn hóa làm việc tự giác. Nhờ vậy, công việc được êm thuận, và bạn ấy nhận được sự quý nể từ trong tâm của mọi người trong nhà trường.
Suốt thời gian bạn công tác tại trường, ai cũng đều quen với hình ảnh bạn sẵn lòng quan tâm, giúp đỡ bất cứ ai cần. Khi học sinh cần tổ chức hoạt động gì có ý nghĩa, bạn sẵn sàng ủng hộ các con bằng tiền cá nhân. Cũng hiếm có đồng chí hiệu trưởng nào sẵn sàng lái xe cùng nhóm giáo viên của mình đi chia sẻ, tập huấn miễn phí khắp nơi. Nhiệt thành và trân trọng với các bạn đồng nghiệp ở những nơi khó khăn. Tổ Giáo viên đồng hành sáng tạo của trường Phan Huy Chú do bạn chỉ đạo đã đến với nhiều ngôi trường ở xa để tặng sách và tặng niềm vui. Và hằng năm, bạn là người sẵn sàng nhất trong việc hiến máu nhân đạo được tổ chức tại trường với chủ đề: “Nhân ái tặng máu đào, ngọt ngào trao sự sống”. Bạn có mặt, ngồi xếp hàng chờ hiến máu với thái độ thoải mái, nhẹ nhõm. Nhìn thấy thầy hiệu trưởng như vậy, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh cùng các cựu học sinh càng thêm nhiệt tình tham gia hiến máu cứu người.
Thầy Hà Xuân Nhâm tham gia hiến máu nhân đạo
Khi giáo viên đưa học sinh đi thăm trẻ mồ côi, đi thiện nguyện thăm người bệnh, đi thăm hỏi người ốm... bao giờ bạn sẵn sàng tài trợ bằng tiền cá nhân của mình. Bạn tham gia đóng học phí ủng hộ cho những học sinh nghèo của các khóa. Bạn có mặt như một cán bộ công đoàn tận tâm trong mọi cuộc thăm hỏi gần gũi, chân tình. Có những giờ bạn ngồi bên một người chị dạy văn trong đêm bố của chị phải cấp cứu ở bệnh viện. Có đêm, bạn ngồi nắm tay một bậc sinh thành của bạn đồng nghiệp khác trong những giờ khắc cuối cùng... Trong suốt những năm tháng gắn với ngôi trường, bạn luôn là người về muộn nhất, nhiều ngày bạn ra về khi màn đêm đã buông từ rất lâu. Bạn luôn ấm áp, lặng lẽ và chưa bao giờ mảy may tạo dấu ấn về bản thân.
Thầy Hà Xuân Nhâm thăm mẹ nữ bác sỹ, liệt sỹ Đặng Thùy Trâm
Luôn sáng gương thầy
Không chỉ với học sinh, với giáo viên trẻ mà ngay cả với giáo viên “cứng” tuổi, bạn ấy vẫn là một người thầy. Thầy lãnh đạo chuyên môn bằng cách nhận xét sắc sảo, có tầm nhìn và rất thấm công sức của anh em nên thầy đã định hướng sáng tạo, khơi nguồn và tạo động lực cho giáo viên sau mỗi giờ dạy, mỗi buổi sinh hoạt chia sẻ chuyên môn.
Sát cánh, đồng cam cộng khổ cùng người đứng đầu suốt 8 năm ở vị trí cấp phó phụ trách chuyên môn, thầy đã cùng cấp trưởng, góp phần quan trọng đưa nhà trường từ những ngày đầu tiên của mô hình công lập tự chủ tài chính đi đến những nấc thang mới. Quá trình làm Phó hiệu trưởng, thầy đã hiểu ra được nhiều điều quý giá cho công việc điều hành một cơ sở giáo dục công lập nhưng là công lập tự chủ. Thầy đã tiếp nhận cương vị thủ trưởng cơ quan với khá nhiều áp lực. Thứ nhất, người tiền nhiệm của thầy là một nhà quản lý tâm huyết và giỏi giang được nhiều người biết – cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp. Thứ hai, sau những thành tựu đã có, tháng 5/2015, nhà trường được nhận bằng chất lượng cao. Mà từ thời điểm này tiến bước tiếp, sẽ không phải là thuận lợi. Nếu là những khó khăn quen thì thầy có thể xử trí. Vì suốt 8 năm của mô hình, thầy đã cùng với cấp trưởng bàn bạc và tháo gỡ nhiều. Nhưng khi nhận vị trí mới, thầy đã phải đương đầu với nhiều vấn đề khó mà trước đó chưa có.
Rất coi trọng và tiếp nối con đường của hai nhà giáo tiền nhiệm, nhưng thầy đã phát triển thế mạnh của mình, thế mạnh mà gần chục năm làm cấp phó, thầy đã góp phần rèn cho đồng nghiệp. Đó là thế mạnh của người giỏi chuyên môn với tư duy thông mình, mạch lạc. Trước đây, thầy đã từng đạt giải Nhất trong kỳ thi giáo viên dạy giỏi môn Toán của Hà Nội. Cùng với đó, công nghệ thông tin là thế mạnh đặc biệt của thầy - một trình độ CNTT được đào tạo chính quy và luôn cập nhật cái mới. Vậy nên 3 năm học gần đây ở cương vị hiệu trưởng, thầy tiếp tục đưa ngôi trường ngày càng phát triển theo tinh thần: “Gốc kiến thức – sức công nghệ”.
Người làm chủ công nghệ thông tin
11 năm trước, khi bắt đầu tham gia quản lý chuyên môn, thầy đã đưa ra yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tính theo số lượng giờ ứng dụng. Sau đó 3 năm, việc nâng cao chất lượng ứng dụng và chống lạm dụng CNTT được chú trọng. Ở một nhà trường mà từ cách đây 10 năm đã lắp đặt thiết bị ứng dụng CNTT trong tất cả các lớp, thì việc quản lý đến từng tiết, từng thầy cô giáo là không đơn giản. Vậy mà, thầy đã khiến CNTT đã phát huy sức mạnh trong tất cả các hoạt động dạy và học, quản lý nhà trường, phân công giảng dạy, xếp thời khóa biểu. quản lý điểm và quản lý hồ sơ, quản lý tài chính, quản lý đánh giá thầy và trò, quản lý và thống kê bình chọn “Giáo viên được học sinh tin yêu” hằng năm.
Dưới sự chỉ đạo của thầy, tất cả văn bản, tài liệu và phân công công việc đều được quản lý trên hệ thống bằng ứng dụng hiệu quả CNTT. Thời gian đầu nhiều thầy cô giáo “choáng” vì những việc cần hoàn thành đưa lên đường link của hệ thống có đặt đặt ngày, giờ hết hạn. Phải mất một thời gian không ngắn để cả hội đồng thích nghi và thừa nhận những tiện dụng của cách làm hiện đại, khoa học này. Đặc biệt, ở năm học 2018 – 2019, thầy đã quyết định áp dụng mời đối tác tham gia ra đề độc lập, khách quan trong các kỳ thi và kiểm tra. Đây cũng là một quyết định táo bạo đưa việc đảm bảo nghiêm minh tuyệt đối trong khâu ra đề. Nhờ vậy, chất lượng được nâng cao.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới dạy và học của Trường Phan Huy Chú - Đống Đa luôn đi cùng các giải pháp cụ thể. Nhà trường trang bị tài khoản Office 365 bản quyền cho tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Công tác bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên về kỹ năng ứng dụng cũng không ngừng được nâng cao. Chương trình Tin học văn phòng thế giới MOS được đưa vào giảng dạy thay thế cho chương trình bộ môn Tin học hiện hành. Năm 2016, trường đã vinh dự có học sinh Nguyễn Hùng Minh đạt giải Nhất Quốc gia và giải Tư cuộc thi MOS - Vô địch tin học văn phòng thế giới tại Mỹ. Năm 2018, trong cuộc thi có hàng trăm nước tham dự này, Học sinh Nguyễn Bá Trọng Đại tiếp tục được giải Nhất Quốc gia và giành được Huy chương Đồng tại Mỹ.
Luôn sẵn sàng trải thảm đón sự tiến bộ, đổi mới
Vì học 2 buổi/ ngày nên trường có điều kiện dạy kỹ năng sống chu đáo cho học trò. Nhà trường có hệ thống các câu lạc bộ Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao để tất cả học sinh cùng tham gia để được rèn luyện sức khỏe, khơi dậy tài năng. Đây cũng là nơi tạo điều kiện cho học sinh thử sức mình trong ước mơ nghề nghiệp. Học sinh trong trường luôn tự hào là mỗi học trò có một thời khóa biểu. Vì ngoài giờ học các môn chung thời khóa biểu lớp, thì trong 2 tiết cuối mỗi ngày, hai bạn ngồi cạnh nhau trong lớp lại ở 2 câu lạc bộ hoặc 2 lớp học chuyên đề khác hẳn nhau. Ranh giới đơn vị lớp không còn khuôn cứng nên học trò kết nối bền vững và đoàn kết hơn.
Điểm khác biệt của nhà trường là cam kết chất lượng đầu ra, bên cạnh việc tốt nghiệp THPT và đỗ và các trường theo nguyện vọng, học sinh còn đạt thêm các chứng chỉ Quốc tế ở các nội dung Công nghệ thông tin và Ngoại ngữ. Trong đó, chương trình Ngoại ngữ cần đạt cam kết đầu ra tối thiểu đạt trình độ B1, B2 theo khung Ngoại ngữ 6 bậc của Châu Âu. Mấy năm học gần đây, điểm tuyển sinh của nhà trường ngang bằng hoặc có phần cao hơn không ít trường công lập có uy tín lâu năm.
Xuất phát từ ý nghĩ: Hiệu trưởng cần luôn trải thảm đón sáng tạo, để tạo sáng cho ngôi trường tiến bộ nên thầy luôn ủng hộ sự đổi mới, khuyến khích sáng kiến, không hạn chế bất cứ điều kiện nào cho giáo viên muốn đổi mới và cống hiến. Tổ giáo viên đồng hành sáng tạo được thành lập và đi vào hoạt động 3 năm qua. Tổ tập hợp những thành viên đam mê sáng tạo sẵn sàng học hỏi và chia sẻ cùng các đồng nghiệp trong và ngoài nhà trường. Các thầy cô luôn được mời đi trao đổi về phương pháp giảng dạy và chủ nhiệm ở nhiều trường trong và ngoài Thành phố. Nhà trường hiện có 05 thầy cô được công nhận là giáo viên toàn cầu.
Những thành công ban đầu đã cho thấy, trong chiến lược phát triển, người đứng đầu đã tìm được giải pháp để có được hướng đi vừa đột phá, mạnh mẽ nhưng lại phải đúng và an toàn. Trường phải tự chủ toàn phần về tài chính nhưng lại phải tuân thủ toàn bộ những quy định về quản lý tài chính, về nhân sự, về chuyên môn như trường công lập được cấp ngân sách. Nhà trường cần lấy chất lượng làm danh dự và tạo danh tiếng để thu hút học sinh. Song thực tế lại phải có danh tiếng mới thu hút được niềm tin trong xã hội. Để anh chị em không nản lòng thì người hiệu trưởng sẽ phải cố gắng không mệt mỏi. Bằng tinh thần quyết tâm, bằng sự quên mình, thầy Hiệu trưởng là tấm gương về “tạm ứng” sức lực và tình yêu. Cống hiến trước, không đòi hỏi, không đứng nơi nọ nhìn chốn kia. Thầy đã làm vậy và nêu gương sáng cho mọi người.
Ai chưa hiểu mà nghe thấy việc viết về cấp trên, sẽ có thể hồ nghi có nét xu nịnh nào đó. Song nếu ai cũng ngại bản thân bị tiếng xấu mà tránh mang điều tốt đến cho người xứng đáng thì thật không hay. Điều tốt, người giỏi mà không được nhân rộng thì cuộc sống làm sao còn nhiều điều tốt đẹp. Và ngành giáo dục thiếu những tấm gương thầy cô tài đức thì sẽ thật khó có diện mạo đời sống giáo dục tươi sáng mỗi ngày. Trong khi ở đâu đó, chỉ một cá nhân giáo viên có tội lỗi thì rất vội và rất nhanh biết bao người đổ xô, tô đậm thái quá! Thế nên bằng cái nhìn tích cực, ta sẽ thấy được những người bạn, người thầy trong nghề.
Người bạn đồng nghiệp, người thầy mà tôi đã viết trong bài này là thầy giáo Hiệu trưởng ThS Hà Xuân Nhâm của trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa.