Vào những tháng cuối năm 1972 cuộc chiến tranh chống Mỹ ngày càng khốc liệt, lính ngụy Lào lấn chiếm ra vùng giải phóng để chiếm lợi thế trên bàn đàm phán tại Hội nghị Pari. Chúng đã đổ quân chiếm đóng bản Na-Ka- Đao (thuộc tỉnh Sa-La-Van, Nam Lào), đơn vị chúng tôi được lệnh trinh sát nắm tình hình địch để bố chí quân tiến đánh giải phóng bản Na-Ka-Đao.
Trung đoàn 19 quyết định cho Tiểu đoàn 3 gồm 3 Đại đội chia thành 3 mũi tiếp cận tấn công vào bản Na-Ka-Đao. Tôi được đi mũi thứ 3 dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Tiến Ngô – Chính trị viên trưởng tiểu đoàn (quê Hà Tĩnh) và đồng chí Toán – Tiểu đội trưởng trinh sát (quê Vĩnh Tuy-Hà Nội), đồng chí Thùy là y tá (quê Nghệ An), đồng chí Trường là liên lạc và một tổ thông tin vô tuyến có hai đồng chí trong đó có tôi.
Vào lúc 7h00 tối ngày 10/9/1972 chúng tôi được lệnh tiếp cận trận địa. Trời mưa rả rích, địch cho máy bay trinh sát và bắn pháo sáng suốt đêm, địa hình tiếp cận hết sức phức tạp, rừng cây rậm rạp, chúng tôi chậm chạp từng bước tiến sát vào vị trí đó là một khe suối cạn bên cạnh bản Na-Ka-Đao được đặt làm chỉ huy Sở Tiền Phương. Chúng tôi tranh thủ đào hầm. Hầm của chúng tôi cách hầm của đồng chí Ngô 10m.
Đúng 5h00 sáng ngày 11/9/1972, đơn vị được lệnh nổ súng đánh vào bản, sau 5 phút bắn đạn Cối 82,DKZ. Ba mũi đươc lệnh xung phong vào bản, sau những trận chiến đấu giằng co ác liệt đến 5h30 quân ta không chiếm lĩnh được trận địa, các mũi phải rút ra ngoài vì trời đã sáng, máy bay của địch thả bom và bắn đại liên vào trận địa của ta.
Các mũi đã rút ra khỏi trận địa, riêng mũi của tôi và đại đội 3 có một đồng chí hi sinh nằm trên hàng rào bằng gỗ của bản chưa lấy được ra. Nếu để tử sĩ ở lại khi địch phát hiện, quân ta rút khỏi trận địa chúng sẽ lấy mất xác tử sĩ. Chính vì vậy, đồng chí Ngô xin ý kiến chỉ đạo của Trung đoàn. Đồng chí Trung đoàn Phó lệnh bằng mọi giá phải lấy được tử sĩ ra. Tôi truyền đạt lại lệnh cho đồng chí Ngô, sau 1 phút chần chừ, đồng chí giao nhiệm vụ cho đồng chí Toán trinh sát vào lấy tử sĩ ra, đồng chí Toán nhìn chúng tôi một lượt và xách súng, bò vào gần đến hàng rào thì một loạt tiếng Đại Liên của địch nổ, sau 5 phút không thấy đồng chí Toán ra, chúng tôi tự hiểu rằng đồng chí Toán đã hi sinh, đồng chí Ngô viết lệnh cho tôi báo cáo cho đồng chí Trung đoàn Phó để biết tình hình nhưng đồng chí Trung đoàn Phó vẫn lệnh tiếp tục cử người vào lấy tử sĩ.
Lúc này đồng chí Ngô ngồi lặng im, tiếp tục giao nhiệm vụ và lệnh cho đồng chí Thùy vào lấy xác tử sĩ. Trước khi đi, đồng chí Thúy nói: “Tôi ra đi chắc sẽ không về được, tôi xin chào Thủ trưởng và các đồng chí, nếu các đồng chí còn sống báo tin cho gia đình tôi biết, xin vĩnh biệt các đồng chí” . Từ đó, đồng chí Thuỳ cũng không trở lại được nữa. Chúng tôi không cầm được nước mắt, đồng chí Ngô lệnh cho tôi điện cho Trung Đoàn biết đồng chí Thùy đã hi sinh và quyết định không vào lấy xác tử sĩ nữa vì vào bao nhiêu cũng bị hi sinh hết.
Sau đó, đồng chí Trung đoàn phó lệnh cho chúng tôi được rút quân, tôi đeo máy thông tin lao ra khỏi hầm chạy dọc theo khe suối, bị bọn địch trong bản phát hiện, bắn pháo cối, cho máy bay đuổi theo thả bom. Từ đó tôi không biết gì nữa, sau khi tỉnh lại tôi mới biết mình đã bị thương và đang được điều trị ở phẫu tiền phương. Tôi cũng được biết sau khi rút quân, đại đội 3 đã cử 3 đồng chí ở lại trận địa lập chốt, bảo vệ 3 thi hài đã hy sinh. Ngay đêm 11/9, một tiểu đội trinh sát được điều vào lấy thi hài 3 đồng chí về chôn cất theo qui định.
Thưa các đồng chí, trong cuộc chiến tranh khốc liệt không thể tránh khỏi mất mát và hi sinh, có rất nhiều đồng chí hi sinh trong các tình huống khác nhau. Riêng 3 đồng chí hi sinh mà tôi kể trong trận đánh này, chúng tôi vô cùng đau xót vì tình đồng chí, đồng đội thương yêu nhau, luôn gắn kết, lúc còn sống trong chiến đầu ngay cả lúc các đồng chí đã ra đi vĩnh viễn vì đây là mệnh lệnh trong chiến đấu.
Đây là bài học xương máu cho các đồng chí cầm quân và người thực hiện nhiệm vụ để tránh mắc phải những sai lầm, thiếu sót không đáng có trong khi giao nhiệm vụ.
Tháng 12/1972, sau hiệp nghị Pari được kí kết. Đất nước Lào được giải phóng, đơn vị tôi lại tiếp tục huấn luyện và bảo vệ nước Lào đến ngày 1/03/1975, đơn vị tôi bí mật hành quân sang đánh đồn Tầm Chốt Mỹ ở Thanh An, Thanh Bình thuộc tỉnh Gia Lai. Để nghi binh kéo Trung đoàn 43 thuộc sư đoàn 23 đóng ở Buôn Mê Thuật về và đánh bại ở đó. Ngày 10/3 quân ta đánh và giải phóng Buôn Mê Thuật, sau đó, đơn vị tôi lại tiếp tục hành quân xuống Bình Định đánh và giải phóng sân bay Phù Cát, chốt giữ quân cảng Cam Ranh để quân ta tiếp tục giải phóng TP HCM.
Sau khi miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, tôi cùng đơn vị hành quân về Buôn Mê Thuật đánh Phun-Rô đến 15/10/1976. Tôi được ra quân về tiếp tục học và công tác cho đến ngày nay. Trong quá trình tham gia quân đội trên 5 năm trong chiến đấu dũng cảm, tôi đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công quân giải phóng Hạng 3, trong thời gian công tác tại ngành giáo dục cho đến khi nghỉ hưu tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng 3.