Hội thảo “Nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến” của cụm THPT Gia Lâm- Long Biên
Thực hiện sự chỉ đạo của Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội, ngày 3/11/2021, với vai trò là trường cụm trưởng cụm THPT Gia Lâm- Long Biên, trường THPT Lý Thường Kiệt đã tổ chức thành công hội thảo “Nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến năm học 2021-2022”. Hội thảo được tiến hành trên nền tảng MS Teams và có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên phòng Giáo dục Phổ thông – Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội cùng các thầy cô giáo trong cụm THPT Gia Lâm- Long Biên. Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 kéo dài và các trường đều tập trung cho hoạt động dạy học trực tuyến nhằm đảm bảo tiến độ chương trình, thực hiện phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, đại diện phòng Phổ thông khẳng định hội thảo này là chuyên đề mang tính ích dụng và thực tiễn rất lớn đối với các trường học trên địa bàn Thủ đô hiện nay, đồng thời nêu rõ đây là dịp sinh hoạt chuyên môn sâu rộng dành cho các thầy cô giáo. Thay mặt cụm trường THPT Gia Lâm- Long Biên, ông Dương Hai Bảy Mươi- cụm trưởng, hiệu trưởng trường THPT Lý Thường Kiệt phát biểu khai mạc, chào mừng các thầy cô giáo, các báo cáo viên có bài tham luận tại hội thảo. Ông Dương Hai Bảy Mươi cũng nêu rõ mục đích của hội thảo là nhằm nâng cao kĩ năng tổ chức dạy học trực tuyến cho các nhà trường; điều chỉnh việc tổ chức dạy học trực tuyến theo hướng tăng thời lượng làm việc chủ động cho học sinh; định hướng xây dựng kế hoạch bài dạy trực tuyến, hướng dẫn một số bước cơ bản về việc tổ chức dạy học trực tuyến đối với mỗi bài học. Đồng thời tăng cường năng lực tự lựa chọn và sử dụng một số công cụ/ nền tảng công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến.
Ảnh: Đại diện phòng Phổ thông phát biểu chỉ đạo và trình bày tham luận
Với ý nghĩa đó, hội thảo đã được lắng nghe và theo dõi các bản tham luận rất chất lượng. Mở đầu là tham luận có tính chất định hướng tổng thể về việc dạy học trực tuyến, bố cục của một bài dạy trực tuyến qua phần trình bày của ông Nguyễn Đức Nguyện- chuyên viên phòng Phổ thông, Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội. Bản tham luận này nêu chi tiết, cụ thể về các bước tiến hành trong một bài dạy, đặc biệt bám sát yêu cầu và hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy học theo tinh thần đổi mới. Là giáo viên nhiều năm và đang trực tiếp giảng dạy trực tuyến, tham luận của cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hằng- trường THPT Bắc Thăng Long lại là những kinh nghiệm và chia sẻ gần gũi về một giờ dạy học trực tuyến, cách phân chia thời gian hợp lí cho mỗi bài dạy, cách thiết kế slide hấp dẫn. Trong bản tham luận, cô Thúy Hằng cũng liệt kê và đưa ra nhiều ví dụ sinh động về các phần mềm thiết kế bài học, tạo đề kiểm tra, chấm chữa bài cho học sinh…
Ảnh: Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hằng trình bày tham luận
Cùng quan điểm này, bản tham luận của cô giáo Nguyễn Thị Hương- trường THPT Nguyễn Văn Cừ cũng nêu bật những kết quả đã đạt được của cô và trò trong suốt thời gian dài dạy học trực tuyến. Cô Nguyễn Thị Hương tiếp tục trao đổi về các bước chuẩn bị, thiết kế bài dạy, tổ chức học sinh học tập hiệu quả, đặc biệt là cách ra bài tập để việc học trực tuyến không nhàm chán, một chiều mà luôn kích thích được hứng thú học tập cho học sinh.
Ảnh: Tham luận của cô giáo Nguyễn Thị Hương
Bản tham luận của cô giáo Ngô Nguyệt Huệ- trường THPT Nguyễn Gia Thiều cũng là tâm huyết và sáng tạo của người dạy để mỗi giờ học luôn là một sự khám phá thú vị của cả cô và trò. Bản tham luận này có bỗ cục rõ ràng, mạch lạc, đặc biệt báo cáo viên đã nêu bật được những đổi mới về phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá và cách lưu trữ bài giảng để khắc phục tình trạng học sinh bị ngắt quãng, gián đoán do lỗi đường truyền trong quá trình học trực tuyến.
Ảnh: Tham luận của cô giáo Ngô Nguyệt Huệ
Không những thế, hội thảo còn được lắng nghe phần trình bày của ông Nguyễn Ngọc Quế- một chuyên gia về lĩnh vực công nghệ thông tin và các ứng dụng dạy học. Phần trình bày của ông Nguyễn Ngọc Quế mang tính giới thiệu, gợi ý về các phần mềm dạy học thông dụng và phổ biến hiện nay, cách sử dụng hiệu quả về tính năng của mỗi phần mềm để không những phục vụ cho hoạt động dạy học trực tuyến mà còn đpá ứng yêu cầu phát triển năng lực học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây thực sự là những thông tin hữu ích với các thầy cô giáo.
Ảnh: Ông Nguyễn Ngọc Quế trình bày tại hội thảo
Hội thảo cũng lắng nghe những góp ý, trao đổi, thảo luận từ các thầy cô giáo tham dự nhằm bổ sung và hoàn thiện hơn các báo cáo đã trình bày. Các nhà trường tham gia hội thảo cùng thống nhất sẽ tập hợp các bản tham luận để tạo thành file kỉ yếu tài liệu tham khảo cho giáo viên trong cụm. Mặc dù không trình bày tham luận tại hội thảo, nhưng thầy giáo Đặng Anh Hiếu- trường THPT Phúc Lợi đã gửi tới một giáo án trực tuyến với mong muốn được đóng góp thêm vào file kỉ yếu như là một bản thu hoạch cá nhân và chuẩn bị tinh thần cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào năm học tới.
Kết luận hội thảo, cả đại diện phòng Phổ thông- Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội cũng như lãnh đạo cụm THPT Gia Lâm- Long Biên đều khẳng định dạy học trực tuyến là hình thức dạy tuy mới mẻ nhưng là sự thích ứng nhạy bén với hoàn cảnh, sự hòa nhập với xu thế của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay. Hội thảo “Nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến” rõ ràng là dịp để các trường THPT cụm Gia Lâm- Long Biên trao đổi, học hỏi những kinh nghiệm dạy học trực tuyến hay, hiệu quả, vừa đem lại sự yêu thích cho người dạy và người học, vừa bám sát định hướng dạy học theo năng lực và phẩm chất học sinh. Sau hội thảo này, mỗi nhà trường, mỗi thầy cô tiếp tục tìm thấy những công cụ dạy học trực tuyến phù hợp, phát huy được tính sáng tạo và tính thực tiễn của giáo viên và học sinh.
Nguồn bài và ảnh: Trường THPT Lý Thường Kiệt