Để thực hiện mục tiêu chương trình Giáo dục phổ thông mới là phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, gắn kiến thức với thực tiễn cuộc sống, góp phần định hướng giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, năm học 2023-2024 trường THPT Phạm Hồng Thái đã tổ chức đa dạng các hình thức dạy học trong đó có hoạt động giáo dục di sản cho học sinh lớp 10 tại Hoàng thành Thăng Long.
Sáng Chủ nhật (29/10/2023) các em học sinh khối 10 đã có mặt đầy đủ tại số 19C phố Hoàng Diệu để tham gia chương trình học tập trải nghiệm. Những gương mặt háo hức, phấn khởi khi lần đầu các em được học tập trong một không gian khác với thường nhật đó chính là khuôn viên của Hoàng thành Thăng Long. Với những giá trị lịch sử văn hóa mà công trình kiến trúc này mang lại, năm 2010 tổ chức UNESCO đã công nhận khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới.
Mục đích buổi học tập trải nghiệm của các em học sinh tại Hoàng thành không chỉ để các em được tiếp cận với các nguồn sử liệu gốc chứa đựng thông tin phong phú và chính xác về lịch sử Hoàng thành Thăng Long mà còn là cơ hội để học sinh thể hiện được năng lực, phẩm chất của bản thân và có sự trải nghiệm từ đó định hướng – hình thành ý tưởng loại hình nghề nghiệp trong tương lai.
Sau khi được nghe các cô giáo hướng dẫn và giao nhiệm vụ học tập, các em đã chủ động tìm đối tác học tập có cùng năng lực, sở trường tương đồng để tạo nhóm học tập.Trong buổi học những nhóm nhỏ học sinh đã cùng nhau chăm chú quan sát ghi lại thông tin tư liệu lịch sử, chụp ảnh, ghi hình những hiện vật, tư liệu lịch sử, các cổ vật, các công trình kiến trúc tại khuôn viên di sản để sau buổi học các nhóm sẽ tạo sản phẩm học tập mang sắc thái riêng của từng nhóm như: nhóm “hướng dẫn viên du lịch”, nhóm “ hội họa-kiến trúc”, nhóm “ thiết kế đồ họa”...Sản phẩm học tập các em đăng kí sẽ nộp sau buổi học tập cho cô giáo bộ môn Lịch sử khá đa dạng như : bản vẽ phác họa về công trình kiến trúc Đoan Môn hay đôi rồng đá ở nền Điện Kính thiên, nghệ thuật quạt, những hiện vật gốm sứ... được trưng bày trong phòng báu vật hoàng cung...những bộ lịch mang tên “Sắc thu Hoàng thành” có hình ảnh những hiện vật lịch sử, những công trình kiến trúc tiêu biểu và hình ảnh hoạt động học tập của chính các em tại Hoàng thành.
Cô giáo hướng dẫn, giao nhiệm vụ học tập cho học sinh trong buổi trải nghiệm
(Hình ảnh: Các nhóm học sinh chủ động thực hiện nhiệm vụ học tập trong buổi trải nghiệm)
(Hình ảnh: Các nhóm học sinh chủ động thực hiện nhiệm vụ học tập trong buổi trải nghiệm)
(Hình ảnh: Các nhóm học sinh chủ động thực hiện nhiệm vụ học tập trong buổi trải nghiệm)
Buổi học tập diễn ra trong tiết trời mùa thu mát mẻ, nắng vàng nhẹ với tâm thế học tập chủ động, thoải mái khiến cho các em học sinh gần gũi, thân thiện với nhau hơn, các em đã phát huy tốt hơn kĩ năng giao tiếp, hợp tác nhóm, biết cách giải quyết nhiệm vụ một cách sáng tạo, các em đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích về lịch sử cố đô ngàn năm tuổi. Qua chuyến học tập trải nghiệm các em càng thêm tự hào, trân trọng lịch sử dân tộc và nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo tồn và phát huy và quảng bá giá trị di sản văn hóa địa phương. Cũng qua buổi học này và từ quá trình tạo sản phẩm học tập sẽ giúp các em có được định hướng về một số lĩnh vực nghề nghiệp trong tương lai như hội họa, kiến trúc, nghiên cứu lịch sử hay hướng dẫn viên du lịch ...
Với hình thức tổ chức học tập ngoài khuôn viên trường học sẽ tiếp thêm động lực sáng tạo, đổi mới cho cả cô và trò trong quá trình dạy và học đồng thời các cô giáo cũng có thêm thời gian để gần gũi, chia sẻ và hướng dẫn học sinh những phương pháp học tập mang tính thực tiễn của bộ môn Lịch sử. Kết thúc chuyến học tập trải nghiệm, cả cô và trò ai cũng phấn khởi bởi có nhiều bức hình đẹp ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ tại Hoàng thành Thăng Long.