Trong những ngày này, cánh đồng đang vào vụ gặt mới. Vẫn theo thói quen cũ, người dân đốt rơm rạ khắp nơi gây ra khói bụi mù đặc, bủa vây bầu trời, làm ô nhiễm không khí, gia tăng nhiệt độ, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và chính cuộc sống của chúng ta! Trường THPT Yên Lãng nằm ở ngoại thành Hà Nội, đa số học sinh xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp nên nhà nào cũng có nhiều rơm rạ. Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng đốt rơm rạ, làm thế nào để chiến dịch: “cánh đồng không đốt rơm rạ” do sở Tài nguyên và môi trường Thành phố phát động đạt hiệu quả? Làm thế nào để vận dụng kiến thức bộ môn vào thực tế? Đây cũng chính là một trong những vấn đề mà cô giáo Phùng Thị Hà tâm huyết nhất trong quá trình dạy học. Để ngăn chặn tình trạng này, cần nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của việc đốt rơm rạ, đồng thời đưa ra các phương án hữu ích trong việc tái sử dụng rơm rạ để phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường. Bởi vậy, trong quá trình giảng dạy, ngoài việc trau dồi về chuyên môn, phương pháp; cô giáo luôn định hướng cho học sinh, cùng các em đưa ra các giải pháp và thực hiện các giải pháp đó như: dùng rơm làm thức ăn cho bò, làm phân bón, làm chổi, làm chất độn… và đặc biệt là làm nấm rơm. Sản phẩm nấm dùng để ăn, đem bán; phần còn lại đem xử lí làm phân bón hữu cơ rất tốt, góp phần cải tạo đất. Những giải pháp này không những xử lí được vấn đề rơm rạ mà còn tạo được sản phẩm, tăng thu nhập và bảo vệ môi trường… Không chỉ dừng lại ở lời nói mà cô còn trực tiếp làm, hướng dẫn học sinh cùng tham gia. Điều này đã truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích bộ môn,vận dụng kiến thức bộ môn vào thực tiễn. Các em sẽ là những tuyên truyền viên hữu ích nhất, giúp lan tỏa đến người dân nhanh nhất. Điều cô tin tưởng rằng, nếu người thầy đem tâm huyết của mình vào bộ môn thì một ngày không xa, môn Công nghệ tuy “phụ” nhưng sẽ không hề “phụ” chút nào! Thiết nghĩ, xét cho đến cùng thì thành quả tuyệt vời nhất của giáo dục là sự lớn lên cả về tâm hồn và trí tuệ của học sinh, để rồi các em biết cách ứng dụng kiến thức vào cuộc sống, từ đó cải tạo và làm chủ cuộc sống. Trong môn học cô luôn định hướng các em biết cách thực hiện các kế hoạch trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với gia đình; chế biến những sản phẩm mà gia đình các em nuôi trồng được như: cốm, sữa chua túi, khoai lang lắc và khoai lang kén từ khoai lang, kẹo lạc, kẹo vừng... Cùng với kiến thức phần “Kinh doanh” sẽ giúp các em biết cách tiêu thụ những sản phẩm làm ra, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Ở một số lớp, tôi định hướng cho các em thành lập “Hội kinh doanh nhỏ”, tiền lãi thu được đưa vào quỹ lớp, giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Việc làm này được các em hưởng ứng nhiệt tình, vừa để gây quỹ, vừa để thực hành kiến thức phần “Kinh doanh” có hiệu quả. Từ đó cô Phùng Thị Hà định hướng nghề nghiệp cho học sinh theo nhóm, giúp các em phát huy khả năng của bản thân và tự tin lập nghiệp ngay khi học xong THPT.
Có thể nói, mười ba năm đứng trên bục giảng là bấy nhiêu năm cô đã dành cả tuổi thanh xuân, trí tuệ và tình yêu của mình để chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học trò. Đó cũng là mười ba năm cô phấn đấu, miệt mài với nghề trên cương vị giáo viên giảng dạy và chủ nhiệm. Trong lớp chủ nhiệm, cô luôn tạo điều kiện giúp các em có hoàn cảnh khó khăn, các em học lực yếu, trung bình phấn đấu đạt loại khá. Chính sự cảm thông chia sẻ, sự gần gũi giữa cô và trò giúp các em cởi mở và thân thiện hơn. Tiết sinh hoạt thường hạn chế thấp nhất việc kiểm điểm, phê bình học sinh; thường xuyên biểu dương khen thưởng kịp thời các em dù là sự tiến bộ nhỏ nhất, thành lập các nhóm học sinh giúp đỡ nhau… từ đó tạo động lực để các em chăm ngoan hơn. Bằng chứng là các lớp mà cô giảng dạy luôn đứng đầu trong tốp, liên tục đạt giải thưởng lớp tiên tiến xuất sắc trong các tháng, có nhiều học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến, nhiều em đạt giải cao trong kì thi Olympic cấp cụm trường, đặc biệt có học sinh thi vượt cấp đạt giải ba… Các giải thưởng mà cô Hà đạt được như: giải nhất giáo viên dạy giỏi, giải nhì đồ dùng dạy học tự làm, giải khuyến khích giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp Thành phố, hay bằng khen của Thành phố… Đây vừa là sự ghi nhận cho những cố gắng của cô, vừa là trọng trách để cô không ngừng cố gắng vì học sinh. Cô cũng hiểu rằng thước đo công sức, sự tâm huyết, sáng tạo của người thầy chính là sự trưởng thành của các em học sinh. Mười ba năm qua, nhiều học sinh của cô đã trở thành những người lao động giỏi, những bác sĩ, kĩ sư, hay những nhà khoa học. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến, là động lực lớn lao để cô tiếp tục phấn đấu… Mặc dù cuộc sống nhà giáo còn muôn vàn khó khăn nhưng cô vẫn tiếp tục học trình độ thạc sĩ để nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ công tác giảng dạy, cô luôn tích cực cùng đội ngũ giáo viên, học sinh trong các phong trào, hoạt động… từ đó mang lại nhiều thành tích cao cho tập thể và cá nhân.
Một số thành tích nổi bật:
- Bằng khen của chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2016 – 2017.
- Giấy khen của Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động nữ công năm học 2015 -2016.
- Nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (2013 -2017).