Ngày 18/03/1972. 6 giờ 25 phút, vào cấp 1 được 3 phút thì máy bay địch trút bom vào trận địa. bên phải tôi Nguyễn Ngọc Lan bị thương vào ngực, máu tuôn ra xối xả. bên trái tôi Phạm Minh Châu bị thương vào sườn, còn tôi bị ép chặt vào tủ K58. Cửa đài và nóc vỡ toang. Tôi vơ vội bộ đàm báo về trung tâm:
- Đài 1 trúng bom, 2 đồng trí bị thương nặng, sập nguồn mất sức chiến đấu.
Tiếng đồng chí tiểu đoàn trưởng Tạ Đồng Tùy vang trong máy
- Đồng chí Minh cho đài 1 sơ tán, đưa thương binh về cấp 2.
Đặt Lan trên cáng đồng chí Đạm và Sinh thì khênh, còn tôi dùng 2 cuộn băng to đè lên vết thương chạy theo, được hơn 100m , y sĩ Đồng cho đặt Lan xuống băng bó lại vết thương, lúc này đôi mắt Lan nhìn tôi đã dại, tôi cúi xuống nghe Lan thều thào:
- Anh Minh ơi! nhớ về thăm mẹ em và Dung cho em nhé! (Dung là tên vợ của Lan). Nước mắt Lan ào ra rồi nấc mạnh. Mũi tiêm cấp cứu hồi sức của y sĩ Đồng chưa xong, Lan đã ngừng thở. Anh Đồng nghẹn ngào ... Lan đi mất rồi ...
Đôi mắt Lan vẫn mở to nhìn chúng tôi. Như gửi lời vĩnh biệt !
11g30p ngày 30/03/1972, tiếng súng mở màn chiến dịch bắt đầu. Cả trung đoàn tôi. 2tiểu đoàn ở Vĩnh Linh, 2 tiểu đoàn vượt sông Bến Hải sang đất Quảng Trị. Máy bay địch như đàn ong bị tên lửa ta thiêu cháy để bộ binh tung hoành. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, liên tục suốt hơn 30 ngày. Biết bao đồng đội đã nằm xuống trên đất này. Đúng 18g ngày 01/05/1972, ta giải phòng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị.
Chưa kịp thu dọn chiến trường thì ngày 28/06/1972 địch dùng lực lượng mạnh áp đảo chiếm lại Thành Cổ. Ta và địch, giành giật nhau cho đến ngày 16/09/1972 địch kéo cờ trắng đầu hàng. Tỉnh Quảng Trị mới chiến thắng trọn vẹn. Lan ơi ! Trong 81 ngày trung bình mỗi ngày hơn 100 tên giặc phơi xác dưới chân Thành Cổ. Riêng đơn vị mình trong chiến dịch này bắn rơi 12 máy bay Mỹ trả thù cho Lan đấy. Em nhắm mắt ngủ yên đi nhé!
- Ngày 18/09/1976 Đến thăm mẹ liệt sĩ Nguyễn Ngọc Lan
Theo địa chỉ: Bình Dương-Gia Lương-Hà Bắc hỏi nhà bà Sậy vợ là Dung .
Cùng với chiếc xe đạp cà tàng từ 5g sáng đến 10g trưa, tôi chưa tìm được nhà Lan, đang định quay về may quá gặp 1 chị ở làng bên khoảng 30 tuổi đưa tôi đến nhà mẹ.
Trong bữa cơm mẹ kể: dân làng gọi mẹ là Bà Lau (gọi tên con) ở nhà lúc còn bé gọi nó là Lau lớn lên đi bộ đội cải tên là Lan, còn vợ nó là Dung, mẹ gả chồng cho nó ở làng bên cạnh được nửa năm nay rồi, thỉnh thoảng nó vẫn về thăm mẹ... !
3g chiều tôi xin phép mẹ ra về, trên đoạn đường hơn 40 cây số tôi thấy trong lòng nhẹ nhõm. Mẹ dặn tôi thường xuyên về thăm mẹ và tôi cũng thầm hứa với Lan như vậy. Tôi mong mẹ mãi mãi khỏe và sống vui, luôn tự hào có con hy sinh cho Tổ Quốc để đất nước được thống nhất.