Năm 1980, liệt sĩ Nguyễn Chí Lãnh (cha đẻ của cậu bé Nguyễn Chí Viên) hy sinh, khi ấy, Viên mới được hơn 1 tuổi. Đó là cái tuổi còn quá nhỏ để cảm nhận nỗi đau khi mất một người thân. Viên lớn lên trong tình yêu thương của người mẹ tảo tần, chịu thương chịu khó, chắt chiu nuôi con khôn lớn. Những năm đất nước còn nghèo khi vừa trải qua một thời lửa đạn chiến tranh, cuộc sống của gia đình cậu bé Nguyễn Chí Viên còn vất vả hơn nhiều lần những gia đình khác. Một mình mẹ vất vả gánh vác việc gia đình, chăm sóc ông nội Viên đã gìà yếu. Cậu bé Nguyễn Chí Viên hiểu được điều đó nên luôn nỗ lực học tập, không phụ sự yêu thương, tảo tần của mẹ. Khi còn học ở phổ thông, nhiều năm, cậu đạt danh hiệu học sinh giỏi, là thành viên trong đội tuyển thi học sinh giỏi môn Văn của trường THPT Hoài Đức A.
Năm 1997, Nguyễn Chí Viên thi đỗ khoa Văn trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây. Năm 2000, anh tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm. Sau 3 năm công tác tại trường THCS Đức Giang, anh có nguyện vọng được về Minh Khai cống hiến cho quê hương, đồng thời để có nhiều thời gian chăm sóc mẹ. Từ khi về trường công tác, trở thành thầy giáo tại chính ngôi trường mình được học thời cắp sách, thầy Viên luôn là một tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, về sự tận tuỵ, cống hiến.Thầy luôn tâm niệm: Phải làm sao cho xứng đáng với cha, người đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Là con liệt sĩ, nhưng chưa bao giờ, thầy giáo đòi hỏi quyền lợi gì cho mình.
Nhiều năm liền, thầy đăng ký danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi”, “Lao động tiên tiến”. Thầy luôn trăn trở: làm thế nào để có những bài giảng giúp học sinh dễ hiểu, dễ tiếp nhận vấn đề. Thầy đã luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm ở những người đi trước. Chính vì sự ham học hỏi, sự nỗ lực trong chuyên môn nên nhiều năm liền, thầy giáo Nguyễn Chí Viên được công nhận là “Giáo viên dạy giỏi” cấp huyện, đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”.
Ở nhà, thầy giáo Nguyễn Chí Viên luôn là người cha mẫu mực yêu thương con. Cả hai đứa con thầy đều là con ngoan, trò giỏi. Cậu bé Nguyễn Chí Việt (con trai đầu của thầy Viên), noi gương cha luôn tích cực học tập, năm học lớp 9, cậu đã đạt danh hiệu Học sinh giỏi cấp huyện. Cô bé Nguyễn Linh Hương (Con thứ của thầy Viên) đang học lớp 8 cũng luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, là một trong những thành viên tích cực trong các phong trào văn nghệ của nhà trường, cô bé cũng được chọn vào đội tuyển môn Lịch sử chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 năm học tới. Đây là một niềm vui, là niềm động viên rất lớn đối với thầy giáo Nguyễn Chí Viên.
Là một người thầy cần mẫn, trăn trở với nghề, là một người cha yêu thương con, biết vun vén cho hạnh phúc gia đình, nhưng có lẽ, điều đáng nói ở thầy giáo Nguyễn Chí Viên là tinh thần hết mình vì công việc chung, không ngại khó, không nề hà vất vả. Ngay từ nhỏ đã mất bố nên thầy giáo Nguyễn Chí Viên đã phải tự mày mò để có thể làm được những việc sửa chữa trong gia đình. Từ việc thay cái bóng đèn, lắp lại cầu chì, công tác, sửa lại cái quạt điện bị hỏng…. Sau này, khi đi làm, trở thành giáo viên của trường THCS Minh Khai, thầy giáo Nguyễn Chí Viên lại có cơ hội để thể hiện “nghề tay trái” của mình. Ở trường THCS Minh Khai, thành viên chủ yếu là phụ nữ nên những việc liên quan đến kỹ thuật, đến nặng nhọc, thầy thường phải là người đảm nhiệm. Nhưng thầy giáo Nguyễn Chí Viên không bao giờ nề hà việc gì. Ngày không có tiết dạy trên trường, nhưng cô văn thư báo: “Phòng em bị cháy một cái bóng, anh ạ”, Thế là nửa tiếng sau đã thấy thầy ở trường, tháo tháo, lắp lắp để căn phòng được đủ ánh sáng. Những chiều thứ 7, tranh thủ khi học sinh được nghỉ, thầy lại đi kiểm tra các phòng. Cái quạt nào chạy chậm, cái công tác nào hỏng, hay cây nước nòng lạnh nào trục trặc, thầy mày mò, khắc phục giúp nhà trường, giúp học sinh. Lúc nào thầy cũng tỉ mỉ, chỉn chu, coi việc của trường giống như việc của nhà mình.
Có những chiều chủ nhật đến trường, tôi rất xúc động khi thấy thầy giáo đang tự một mình leo trèo, gỡ lại cái bóng điện, lắp thêm cái Attomat chống giật để học sinh an toàn khi sử dụng điện, hay kiểm tra hệ thống phòng cháy, chữa cháy xem có còn vận hành được không. Những dịp nhà trường tổ chức chương trình hoạt động ngoại khoá hay chương trình văn nghệ, thầy ra trường từ chiều hôm trước. Một mình với loa đài, âm li, để hôm sau, các thầy cô, học sinh có thể sử dụng được tốt nhất, âm thanh được hay nhất. Miệt mài, tận tuỵ như thế, nhưng chưa bao giờ thấy thầy kêu ca khó nhọc, hay yêu cầu nhà trường phải trả công cho mình. Những điều mà thầy giáo Nguyễn Chí Viên làm thật đáng trân trọng. Chỉ tính trong hai năm học trở lại đây, thầy đã ủng hộ nhà trường mỗi năm hàng chục ngày công. Năm học 2021 - 2022, thầy giáo Nguyễn Chí Viên đã ủng hộ trang thiết bị cho hệ thống âm thanh nhà trường trị giá 5,5 triệu đồng. Để có những tiết chào cờ đầu tuần, những buổi liên hoan văn nghệ, những chương trình hoạt động ngoại khoá ấn tượng, đằng sau đó là mồ hôi, là công sức của một người thầy thầm lặng.
Ngoài ra, thầy giáo cũng là người tham gia nhiệt tình trong công tác từ thiện, nhân đạo. Trong hai năm học vừa qua, thầy đã ba lần tham gia hiến máu nhân đạo, ủng hộ cho chương trình “Hướng về miền Trung” năm 2020, chương trình “ Nối vòng tay yêu thương” năm 2022 của nhà trường.
Chứng kiến những việc làm của thầy giáo Nguyễn Chí Viên trong những năm học vừa qua, tôi cứ liên tưởng đến nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long. Cũng dáng người bé nhỏ, cũng sự khiêm tốn, say mê với công việc, tận tuỵ và cống hiến hết mình cho công việc. Dù mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng anh thanh niên trong truyện của Nguyễn Thành Long và thầy giáo Nguyễn Chí Viên của trường THCS Minh Khai chính là những con người thầm lặng góp phần làm nên vẻ đẹp tâm hồn của người Việt Nam trong thời đại mới.