Từ xưa đến nay, người thầy luôn lấy cốt cách làm trọng, lấy sự đỗ đạt của học trò làm niềm vui cho mình. Vì thế, dù cuộc sống thanh bần nhưng người thầy ở thời đại nào cũng có được niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống. Niềm hạnh phúc của người thầy dù đơn sơ, mộc mạc, thậm chí lạc lõng giữa thời hiện đại này nhưng không phải ai cũng dễ gì có được. Dù biết nghề dạy học sẽ có nhiều gian nan, vất vả. Song, không vì thế mà tôi nản bước. Bởi phía trước tôi là một con đường dù có vất vả, gian nan nhưng mà con đường đó là một con đường vui vẻ - con đường của tri thức của nghiệp chèo đò. Mới ngày nào còn tập tễnh những bước đi đầu tiên của nghề dạy học với biết bao khó khăn, thì giờ đây tôi đã trở thành thành viên chính thức của ngôi nhà Đoàn Thị Điểm thân yêu, tôi tự hào về điều đó. Có được ngày hôm nay, tôi thầm cảm ơn người bà, người thầy đã truyền cho tôi thật nhiều cảm hứng và năng lượng để tôi phấn đấu và trân trọng công việc mà tôi lựa chọn – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền.
“Bà Hiền”, đó là cách gọi giản dị mà tràn đầy tình yêu thương, kính trọng của phụ huynh, giáo viên và học sinh dành cho Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Hơn 70 tuổi đời, gần 50 năm tuổi nghề, đến nay, bà Hiền vẫn miệt mài, tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”. Bà thường tâm sự với các giáo viên trong trường về cuộc đời và cái nghiệp của bà. Ít ai biết rằng, đằng sau sự thành công, nụ cười hiền hậu của nhà giáo Nguyễn Thị Hiền là những nỗi đau, những mất mát. Biến cố lớn trong đời xảy ra với bà Hiền đúng vào lúc ngôi trường mới thành lập đang ở giai đoạn khó khăn đủ bề. Bệnh tật đã lấy đi của bà người con gái đầu lòng. Bà Hiền gần như suy sụp, không còn thiết tha bất cứ công việc gì. “Nhưng cũng chính vào những ngày tháng khó khăn ấy, khi được đọc cuốn sách về chân dung những nhà giáo ưu tú Việt Nam, tôi như bừng tỉnh. Ở quanh tôi, trên đất nước này, biết bao đồng nghiệp còn có nỗi đau, mất mát lớn hơn nhiều, vậy mà họ vẫn gượng dậy và miệt mài cống hiến…” - nhà giáo Nguyễn Thị Hiền xúc động. Tinh thần ấy đã thôi thúc, là điểm tựa cho nhà giáo Nguyễn Thị Hiền trong suốt những năm tháng sau này. Căn bệnh ung thư tưởng chừng khiến bà gục ngã, nhưng sau mỗi lần điều trị, đồng nghiệp, học trò lại thấy bà thêm kiên cường, say mê với công việc. Năm 1997, trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm được thành lập dưới sự bảo trợ của trường Đại học Ngoại ngữ. Vốn là giáo viên dạy tiếng Nga, chưa qua công việc quản lí và chuyên sâu về giáo dục Tiểu học, bà Hiền bắt đầu bằng việc tự học từ sách vở, rồi cất công tìm hiểu thực tiễn tại các trường tại quận Cầu Giấy. Khi đó, khái niệm trường dân lập còn mới mẻ, người dân nhìn bà với thái độ đầy nghi ngại. Song, bà vẫn quyết tâm xây dựng một ngôi trường đào tạo ra những học sinh phát triển toàn diện Đức – Trí – Thể - Mỹ, không chỉ phát triển tài năng, năng khiếu mà còn bồi dưỡng các em có lòng nhân ái, biết yêu thương và quan tâm đến mọi người. Tôi luôn tự hào với khẩu hiệu của ngôi trường Đoàn Thị Điểm – “Ngôi trường của ước mơ và lòng nhân ái”. Với mục tiêu giáo dục như vậy, nhà trường đã dần vượt qua muôn vàn khó khăn và đến nay, ngôi trường của chúng tôi đã trở thành một trong những trường Tiểu học dân lập lớn nhất của Thủ đô với hơn 3000 học sinh và hơn 400 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Ở bà, tôi luôn nhìn thấy tinh thần học hỏi, trau dồi về chuyên môn, kiến thức, nghiệp vụ khi thấy bà đều tham gia nhiều các khóa học tập huấn bồi dưỡng về phương pháp giáo dục, hay các lớp tập huấn về Chương trình lớp học mô hình mới… ở cả trong nước lẫn quốc tế qua những chuyến công tác tại Singapore, Malaixia, Pháp… đồng thời bà không ngừng nghiên cứu về các phương pháp giáo dục học sinh tiểu học cũng như tâm lý của các em trong giai đoạn này. Tinh thần học tập ấy, là tấm gương cho những thế hệ giáo viên trẻ như chúng tôi phải học tập, noi theo. Có lẽ cũng bởi vậy mà trong suốt những năm gắn bó với nghề giáo dục, bà luôn nhận được sự yêu quý của học sinh, sự tín nhiệm của phụ huynh và đồng nghiệp.
Từng là người đi lên từ gian khó, thấu hiểu nỗi vất vả của những đồng nghiệp, học trò ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, một năm vài bận, bà Hiền trực tiếp cùng giáo viên chúng tôi, cùng học sinh của trường trao quà tận tay những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn; ủng hộ bạn nghèo, tham gia hội chợ từ thiện, nuôi lợn đất, chăm sóc cụ già neo đơn… Bây giờ, khi bà không còn nhiều sức khỏe, những hoạt động ấy vẫn diễn ra đều đặn, trở thành truyền thống của thầy, trò nhà trường. Theo bà, sự trưởng thành của mỗi học trò một phần là nhờ những chuyến đi, những hoạt động từ thiện đó. Các em có thể chưa hiểu hết được mọi việc, nhưng ít nhất cũng cảm nhận rõ rằng còn rất nhiều người xung quanh đang thiếu thốn, các em là những người may mắn, nên hãy sống sao cho có ích.
20 năm qua, các thế hệ học sinh Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm không chỉ có thành tích về học tập, mà vượt trội về sự tự tin, có lòng nhân ái, biết chia sẻ. Đội ngũ cán bộ, giáo viên của nhà trường ngày càng trưởng thành bởi sự gương mẫu của người chủ tịch hội đồng quản trị. Dù ở cương vị đứng đầu nhà trường, song, ở bà Hiền luôn toát lên sự giản dị, gần gũi. Gia đình Đoàn Thị Điểm có hơn 400 thành viên, bà Nguyễn Thị Hiền thuộc từng hoàn cảnh, hiểu tính cách từng người. Nhiều trường hợp giáo viên ốm nặng, con mắc bệnh hiểm nghèo, vợ - chồng mâu thuẫn…, bà Hiền luôn là người đầu tiên được tìm đến. Suốt những năm qua, cái “tâm” trong sáng với nghề nghiệp, với học sinh, với tập thể nhà trường của bà đã lan tỏa đến nhiều thế hệ giáo viên và học sinh trong ngành Giáo dục Thủ đô và giáo dục cả nước. Những học sinh từng được bà dìu dắt, dù đã trưởng thành, có địa vị trong xã hội vẫn luôn nhớ đến cô giáo Hiền đã luôn theo sát nhắc nhở họ sống sao cho trọn lẽ làm người. Với những cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, nhà giáo Nguyễn Thị Hiền đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua cao quý.
Chắc hẳn với nhiều người khi mới bước chân vào nghề như tôi, thì việc trở thành người thầy giỏi cũng đã là một điều khó. Hơn thế, để “cảm hóa” được học sinh cũng là điều không hề dễ dàng, đặc biệt là đối với các em học sinh có “màu sắc lạ” trong lớp. Đó là khi các em hiếu động, nghịch ngợm; là khi các em nhút nhát, tự ti; hay là khi các em có những hành vi thái quá hoặc có các vấn đề về cảm xúc… thì quả thật là phiền não. Nhưng, hãy nhìn cách bà nói chuyện với chúng, nhìn cách bà vỗ về và động viên chúng, tôi tin chắc rằng rồi ai cũng sẽ phải nể phục. Khi trò chuyện với bà, tôi nhận ra mình đúng khi đã nghĩ, bà có sự quan tâm đặc biệt đến những em học sinh như vậy. Đối với bà, những em học sinh ấy giống như những món quà quý giá của mỗi gia đình, các em có những khả năng riêng biệt mà chúng ta – những người thầy giáo, cô giáo cần tìm hiểu và giúp các em khai phá. Hơn ai hết, các em cần sự quan tâm, cần sự an toàn và yêu thương từ tất cả mọi người. Như bà nói, người giáo viên không chỉ là người thầy, mà còn là người cha, người mẹ thứ hai của đứa trẻ. Thế nên, sự tâm huyết và tình yêu thương là điều kiện hàng đầu để chúng ta giúp những đứa trẻ ấy phát triển một cách toàn diện và tốt hơn bao giờ hết. Xuất phát từ tình cảm ấy, bà luôn giành được sự tin tưởng của các bậc phụ huynh và dường như cũng trở thành một “nhà tư vấn” đáng tin cậy cho họ và cho cả chúng tôi.
Ngày Nhà giáo Việt Nam, bà có viết một bức thư chúc mừng giáo viên trong trường, bà chia sẻ: “Có người hỏi tôi sao ở tuổi này thất thập cổ lai hi mà bà vẫn say mê với sự nghiệp Giáo dục và tràn đầy năng lượng như vậy. Tôi cười và trả lời, tôi yêu công việc tôi đang làm, nụ cười của các con khi chào tôi, những cái bắt tay của các con khi gặp tôi ở sân trường, những tấm thiếp chúc bà học giỏi... đã truyền thêm năng lượng và nghị lực để giúp tôi vượt qua những thăng trầm của cuộc sống, những gian nan vất vả của nghề dạy học. Gian nan vất vả là vậy nhưng tôi thât hạnh phúc vì tôi được đồng nghiệp, cha mẹ học sinh và rất nhiều thế hệ học trò yêu quý giúp đỡ. Tôi đã nhận ra một điều thật đơn giản nếu chúng ta yêu trẻ, tận tâm với công việc và nếu chúng ta coi việc dạy học và làm việc trong các nhà trường là nghiệp Giáo dục thì chúng ta sẽ vượt qua tất cả. Nhiều thế hệ học trò Đoàn Thị Điểm thành công ở nhiều lĩnh vực khác nhau là phần thường vô giá cho chúng ta những người LÁI ĐÒ THẦM LẶNG!”.
Ai đó đã từng nói: Một thầy giáo như ngọn nến đốt chính mình để soi rọi cho người khác - Mỗi lần nghĩ tới câu nói đó, tôi thầm nghĩ rằng mình đang đi tìm những tiềm ẩn của bản thân dưới sự dẫn đường của bà, và tôi cũng đang dẫn đường cho các học sinh của mình phát hiện những gì còn tiềm ẩn trong con người các em. Đối với chúng tôi bà Hiền không chỉ là một người lãnh đạo mà còn là một tấm gương để bản thân học tập, rèn luyện, để cống hiến nhiều hơn cho mái trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm thân thương này!
Hà Nội, ngày 12 tháng 2 năm 2019