“Trên những nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi, có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương”…
Tôi muốn mượn lời bài hát để nói về “đóa hoa thơm”. Cô là ai? Hãy cùng tôi đến ngôi trường của vùng hoa nổi tiếng Bắc Từ Liêm! Dù đã bước sang tuổi 50 nhưng dường như cô trẻ hơn tuổi rất nhiều. Khuôn mặt xinh xắn, giọng nói nhẹ nhàng, nụ cười tươi tắn đặc biệt đôi mắt như biết nói khiến ai chỉ tiếp xúc lần đầu cũng sẽ không quên được cô. Công tác cùng cô tròn 20 năm, trong tôi luôn khâm phục, kính trọng, yêu quý cô như người chị gái. Đặc biệt tất cả đồng nghiệp và học sinh yêu quý cô bởi ở cô toát lên những phẩm chất đáng quý của một người chị luôn nhường nhịn, người cô thật hiền hậu, chịu thương chịu khó, tận tâm, trách nhiệm và rất mực yêu thương học sinh, người đồng nghiệp luôn sẵn lòng giúp đỡ chị em trong trường. Cô là Vương Thị Hải - Giáo viên trường Tiểu học Tây Tựu A, quận Bắc Từ Liêm.
Năm 1991, tôi mới ra trường nhận công tác nơi đây. Bạn bè đồng nghiệp trong trường cho biết “Gia đình nhà chồng cô và bà con nơi đó có nếp sống với khá nhiều phong tục chưa tiến bộ, nhưng từ ngày cô về làm dâu cho đến nay cô luôn coi và hết lòng chăm sóc phụng dưỡng bố mẹ chồng đã già yếu, mắt kém như chính bố mẹ đẻ để chồng cô yên tâm công tác tại đảo Trường Sa, mỗi năm anh chỉ về phép có 1 tháng, mọi việc nhà, ruộng vườn con cái đều một tay cô lo liệu”. Suốt gần ba mươi năm cô cứ như vậy không một lời than thở. Hiếm người con dâu nào chăm sóc bố mẹ chồng chu đáo như cô.
Với cô“Ước muốn ngày nào, ôm ấp trong tim mai đây là cô giáo” đã trở thành hiện thực và cô luôn tự hào vì điều đó. Đã 29 năm cô lái đò chở bao ước mơ của các em bay cao, bay xa khắp mọi phương trời của Tổ quốc thân yêu. Những chuyến đò ấy cứ trôi dần theo năm tháng bỏ lại sau lưng bao kỉ niệm buồn vui. Năm 1988, cô được nhận công tác tại trường Tây Tựu, huyện Từ Liêm (nay là trường Tiểu học Tây Tựu A, quận Bắc Từ Liêm) - ngôi trường được coi là “bán đảo” của huyện, cơ sở vật chất của trường vô cùng khó khăn: 3 dãy nhà cấp bốn cùng với những phòng học sập sệ, trời mưa nước dột cô và trò phải kê bàn ghế dồn lại, trời rét, gió lùa cả cô và trò lạnh tê tái vì không có cửa sổ. Có học sinh bỏ học đi chăn trâu bò nghịch ngợm thường trèo qua cửa sổ để vào lớp học trêu cô và trò. Năm nào cũng vậy, cả trường đều mong những ngày khai giảng ông trời đừng làm mưa, vì hễ trời mưa, cả sân trường lập tức trở thành hồ nước mênh mông, cô trò phải lội nước quần xắn đến trên gối để đến trường khai giảng. Đã vậy, phòng học thiếu, bàn ghế cũng không đủ, có em ngồi bàn thì không ghế, có em lại dùng ghế làm bàn, phải kê bảng dưới gốc cây để học. Và điều đáng buồn bởi nơi đây cha mẹ học sinh không có điều kiện quan tâm đến việc học tập của con em, tình trạng bỏ học khá phổ biến. Có lúc cô không tránh khỏi những lúc nản lòng nhưng nghĩ cánh cửa tương lai của các em sẽ kết thúc nếu việc học dang dở nên cô thường động viên các em đến trường.
Những năm gần đây, kinh tế trên địa bàn cô công tác đã được cải thiện rất nhiều, đời sống nhân dân đã được nâng lên nhưng vẫn còn đây mỗi em một nỗi đau: em thì bệnh nặng phải ngồi xe lăn, em thị lực kém, em thì mồ côi mẹ, có em mất cha, có em thì không nhà cửa phải dựng lều ở tạm ngoài cổng chợ...Nghĩ đến những số phận kém may mắn đó, trong lòng cô day dứt không yên, nhìn những đôi mắt buồn buồn, âu lo, nhìn trò áo quần sộc sệch, đến trường ngày nào cũng chỉ một chiếc áo sơ mi mỏng manh trong cái rét thấu xương của những ngày mùa đông lạnh giá làm tim cô nhói đau nên cho dù điều kiện gia đình cô không thật sự khá giả, nhưng cô luôn nghĩ “mình thật may mắn khi có con cái khỏe mạnh, ngoan ngoãn, có công việc ổn định”. Vì thế từ năm 2015-2016 cô đã tặng em Hà Huy Tuấn Anh tấm áo mùa đông, quần áo Tết, những bộ quần áo còn lành lặn, sạch sẽ, giúp em tiền học 2 buổi, bộ sách giáo khoa mới. Dù không chủ nhiệm nữa nhưng đầu năm học 2017-2018 cô vẫn tặng hai anh em Tuấn Anh những bộ quần áo còn lành lặn và tặng em trai Hà Huy Tuấn Bảo học lớp 2C chiếc áo mùa đông mới. Năm học 2018-2019 cô vẫn dạy bồi dưỡng miễn phí 3 học sinh trong 20 buổi, mỗi buổi gần một giờ.
Cô Hải tự nhủ “Làm gì cũng phải có cái tâm”.Vì vậy, từ nhiều năm nay, cô đều dạy bồi dưỡng học sinh giỏi. Có lẽ không tính hết được thời gian của cô đã dành cho học sinh, chỉ biết sau giờ học chính khóa, cô thường kèm miễn phí khoảng 10-15 trò đều đặn từ 1-2 giờ mỗi ngày. Nhiều năm qua, cô luôn tích cực tham gia các phong trào, các cuộc thi do ngành phát động: “Cán bộ công đoàn giỏi”, “Báo cáo viên về Tư tưởng Hồ Chí Minh”, “Cô giáo tài năng duyên dáng”, thi giáo viên dạy giỏi…. và luôn được đánh giá cao. Khi nhận lớp cô thường dành thời gian tìm hiểu hoàn cảnh, tính nết của từng học sinh. Với những học sinh chưa ngoan cô luôn gần gũi khuyên nhủ, thủ thỉ như người bạn nên đã cảm hóa rất nhiều trò “cá biệt”.
Có dịp 20/11 tôi trở lại trường, thấy đám học trò cao bằng cô cứ vây quanh tíu tít: “Cô có nhớ em không”, “Em tên là gì hả cô”… rồi tranh nhau kể về kỉ niệm ngày học cô, tôi chợt nghĩ “Chị may mắn thật, có những học trò ngoan và ân tình thế”. Đợi học trò ra về, tôi đến bên chị và đùa:
- Chị có bí quyết gì mà cảm hóa được những học sinh “cá biệt” ấy?
Giọng chị hóm hỉnh: “Ôi đấy chính là những học trò ngày xưa quậy nhất lớp chị đấy, đau khổ lắm, tức lắm, phát khóc ấy nhưng thật ra bọn trẻ rất ngây thơ, nó có ý thức được những việc đó đâu, chị cứ phải gần gũi, động viên, trò chuyện và thế là chúng thay đổi lúc nào không biết”.
Giọng trầm xuống, chị nói thêm:
- Cái tâm em ạ, cứ yêu thương trò thật lòng là ổn thôi.
Tôi cũng đoán chị không muốn kể những vẫn đề nghị: “Chị kể cho em kỉ niệm về học trò mà chị chăm sóc yêu thương nhiều nhất nhé!”
Im lặng một lúc lâu rồi chị mới ngập ngừng tâm sự:
- Chị nhớ năm 2003, lớp chị có em Hà mới 7 tuổi nhưng 14 lần gãy xương do em bị bệnh xương thủy tinh bẩm sinh khiến chị không khỏi xót xa. Chị đã kể những câu chuyện tấm gương kiên trì, nghị lực để động viên em, thường giảng lại những bài khó, luôn bên cạnh cố gắng dành nhiều thời gian cho Hà để em bớt đi cảm giác cô đơn. Hàng ngày hướng dẫn em học, khi thì cất sách vở, lúc thì đi lại cho em đôi dép, cài lại chiếc cúc áo. Phải thật nhẹ nhàng em ạ vì xương Hà rất dễ gãy, nếu sơ ý thì rất khổ thân trò. Hà đã ra trường nhưng có dịp em đã ngồi xe lăn để mang tặng chị những bông hoa thắm tình thầy trò như lời tri ân. Gặp lại nhau, cô trò mừng mừng, vui vui nhớ lại kỉ niệm mà mắt lại rưng rưng.
Đúng rồi, ngày ấy tôi thường bắt gặp cô đến lớp sớm hơn đợi sẵn em Hà để bế em Hà từ xe lăn vào bàn học và lúc tan học lại bế em ra xe để bố mẹ hoặc các bạn đẩy xe đưa em về. Giờ ra chơi có khi cô lại nói học sinh trong lớp hoặc cô lại bế em ra xe đưa em ra sân trường nhìn các bạn vui chơi. Phải rồi những cử chỉ săn sóc yêu thương như người mẹ, người chị cứ thế, cứ thế thấm sâu vào trong tim em Hà, tình cảm ấy như dòng suối mát trong đã là nguồn động lực động viên em Hà vượt qua khó khăn bệnh tật để hàng ngày đến trường.
Cô học trò bé nhỏ bệnh tật ngày nào nay đã 22 tuổi, bệnh tật chẳng làm em lùi bước bởi em luôn nghĩ về những điều tốt đẹp mà cô giáo Hải đã dành cho em trong quãng đời thơ ấu.
Sau 20 năm là đồng nghiệp cùng cô Hải, đến năm 2011 tôi chuyển công tác nên không còn được chứng kiến những cử chỉ săn sóc yêu thương của cô dành cho học trò nữa, một lần có dịp trở lại thăm trường, cô Huệ, một cô giáo trong trường đã tâm sự với tôi:
- Chị Hải ấy, hàng ngày toàn ở lại dạy học trò không thu tiền, tài thế chứ, dạy trò rất say mê mà các công việc khác vẫn hoàn thành rất tốt, lại luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp trong trường, cả trường luôn lấy chị Hải là tấm gương phấn đấu chị ạ.
Rồi cô Huệ hào hứng kể: “Năm nào chị ấy cũng đỡ đầu một số em khó khăn đặc biệt. Em cứ thấy thỉnh thoảng chị lại mang túi quần áo tuy không còn mới nhưng thơm tho sạch sẽ đến trường chia cho các em học sinh, hàng năm chị còn thu gom nhiều quần áo lành lặn, tự tay giặt sạch để gửi ủng hộ đồng bào miền núi nữa. Biết vậy chúng em cũng làm theo chị ấy. Nhìn những trò cứ quấn quýt bên chị Hải em thấy rất vui và cũng cố gắng học tập chị. Thế mà còn có bác phụ huynh đợi con thêm chút thời gian để chị ấy giảng bài cho trò mà lại kêu ca phàn nàn vì phải đợi, thế có buồn không chứ?”.
- Khi biết phụ huynh như thế chị ấy có phản ứng gì không?
- Có chứ? Nghe vậy ai chả buồn hả chị, nhưng chị ấy nói “Mong các bác gắng đợi cô trò thêm nhé để các con hiểu bài kĩ hơn”. Chị thấy có tuyệt vời không chị?
Ít ai có thể ngờ, sau 21 năm xây dựng gia đình, mỗi năm cô Hải và chồng chỉ bên nhau vẻn vẹn 01 tháng, đến khi anh được nghỉ hưu, tưởng như gia đình được đoàn viên, chị được bên anh thật nhiều khi anh vẫn còn sức khỏe, nhưng không, về được ít hôm chị và gia đình choáng váng khi phát hiện chồng chị bị ung thư. Đến thăm anh tại bệnh viện 108, nhìn anh chàng Hải quân ngày nào mạnh khỏe, rắn rỏi giờ đây đau yếu chúng tôi không khỏi xót xa, thương và buồn thay cho anh, chị. Chị buồn lắm nhưng bằng tình yêu, sự thủy chung son sắt và nghị lực, chị đã chăm sóc anh, động viên anh luôn bên cạnh anh những lúc đau yếu và với tinh thần lạc quan, anh chị đã vượt qua những ngày tháng khó khăn. Giờ đây sức khỏe anh đã khá hơn rất nhiều, chị vui lắm, biết được vậy ai cũng mừng và cầu mong anh ngày một khỏe mạnh.
Đến bên cô giáo Hải, tôi hỏi:
- Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, chị mong ước điều gì?
Cô cười hiền hậu:
- Tất nhiên là mong anh nhà chị khỏe mạnh và học trò ngày càng tiến bộ - Rồi cô tiếp tục - Chị luôn nhớ lời Bác Hồ dạy:"Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức... Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con". Chị nghĩ “Cho đi chính là nhận lại”, chị hiểu rằng 29 năm qua, chị đã không hổ thẹn với mình và hơn cả mong đợi, chị thật hạnh phúc khi đón nhận: “sự kính trọng của trò, sự tin yêu gửi gắm của cha mẹ học sinh. Ôi không thể mua được điều tuyệt vời đó em ạ”!
Tôi đã đọc và rất ấn tượng với nhận định của Gôlôbôlin “Nếu người kỹ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa mình vừa mới trồng, thì người giáo viên vui sướng khi nhìn thấy học sinh đang trưởng thành, lớn lên”. Đúng vậy cô Hải rất vui mừng khi mỗi ngày đến trường cô luôn đem đến cho trò những tình yêu thương, mỗi ngày cô thấy trò một trưởng thành.
Hiện nay, đâu đó vẫn còn những câu chuyện đau lòng về nghề giáo - nghề mà từ xưa đến nay vẫn luôn được coi là nghề cao quý. Đó là hiện tượng có thầy giáo, cô giáo đã có hành vi ứng xử không đúng mực với học sinh gây bức xúc cho xã hội. Nhưng những trường hợp vậy chỉ là “Con sâu bỏ rầu nồi canh”, thực tế còn biết bao thầy giáo, cô giáo sẵn sàng hy sinh, cống hiến và rất yêu thương học sinh. Các thầy các cô đã đỡ đầu những mảnh đời kèm may mắn, làm lay động trái tim của các em và được phụ huynh kính trọng, tin yêu.
“Nhân hậu - Tận tâm - Yêu thương - Trách nhiệm” là nét nổi bật ở cô Vương Thị Hải - “đóa hoa thơm” ấy là niềm tự hào của trường Tiểu học Tây Tựu A. Nếu có dịp đến nơi đây, hỏi về cô giáo Vương Thị Hải, hầu hết học sinh của trường đều biết đến cô, biết đến người cô - người mẹ - người chị giản dị, nhân hậu, cởi mở, dịu dàng và yêu quý học sinh hết mực. Và tôi, tôi luôn tự hào, tin yêu, cảm phục chị, mong ước chị mãi mãi đem tất cả trái tim dành cho những trò thân yêu.
Tâm hồn chị “sáng trong như bóng lá bàng”, trái tim chị “đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ”. Trong lòng tôi Chị thật sự là đoá hoa thơm của vùng hoa Tây Tựu, của ngôi trường Tiểu học Tây Tựu A thân thiện- đóa hoa tỏa ngát hương, mãi mãi trong tim các học trò yêu thương.