Cách đây vừa tròn 60 năm, vào năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ thanh tra dự Hội nghị tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc lần thứ nhất ở Hà Nội. Người nói: “Thanh tra là công tác rất quan trọng. Nếu như Trung ương Đảng, Chính phủ có nghị quyết, chỉ thị đưa ra về các ngành, các địa phương, kết quả thế nào không có thanh tra khó mà biết được địa phương làm tốt, làm vừa, làm xấu, có làm hay không làm trên không biết; địa phương nhiều khi tự mình cũng không biết; trên không thấu dưới, dưới không thấu trên”. Xét ở phạm vi ngành GD&ĐT Hà Nội, công tác thanh tra giáo dục có vị trí quan trọng trong việc đảm bảo nền nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng giáo dục của toàn ngành. Công tác này cũng đang đổi mới từng ngày để thích ứng với sự nghiệp đổi mới, căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo.
Cùng các trường khắc phục thiếu sót
Nhận định về vai trò của công tác thanh tra đối với thực tiễn cơ sở, Hiệu trưởng trường THPT Kim Anh Trần Thị Hương Hải, huyện Sóc Sơn cho rằng: Thông qua việc tiến hành thanh tra, kiểm tra đã giúp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục và chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị tổ chức tuyên truyền pháp luật đến cán bộ, giáo viên, nhân viên của đơn vị. Giúp cho các đơn vị được thanh tra, kiểm tra có điều kiện rà soát tình hình chấp hành chính sách pháp luật và thực hiện nhiệm vụ được giao tại đơn vị mình. Mỗi trường có đặc thù riêng, khó khăn riêng cần khắc phục. Trường THPT Kim Anh có đặc thù là ở vùng nông thôn nên công tác phát triển giáo dục cũng có nhiều điểm khác so với các trường nội thành. Trên cơ sở đặc điểm tình hình, với công tác kiểm tra, mỗi một năm chọn ra một số công việc, tập trung làm sâu vào đó để có thể đạt hiệu quả cao nhất.
Theo thống kê, trong năm học 2016 – 2017, Sở GD&ĐT Hà Nội đã kết hợp với thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành 29/208 trường THPT, đồng thời tiến hành thanh tra chuyên ngành 60/1.040 trường mầm non, 58/719 trường Tiểu học, 46/609 trường THCS.
Nội dung của thanh tra hành chính là trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong việc thực hiện các quy định về: Phòng, chống tham nhũng; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy trong nhà trường. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục…
Nội dung của thanh tra chuyên ngành gồm: Thanh tra công tác quy hoạch, tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên; việc thực hiện quy chế chuyên môn, nội dung chương trình, phương pháp giáo dục; việc sử dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường; công tác kiểm tra nội bộ trường học…
Các cuộc thanh tra đã giúp phát hiện thiếu sót của các nhà trường, đồng thời hướng dẫn các trường thực hiện đúng chính sách, quy định của cấp trên. Cụ thể, việc sinh hoạt chuyên môn của tổ, nhóm chưa chất lượng, còn mang tính hình thức, chưa đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo Hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và của Sở GD&ĐT Hà Nội về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Một số trường mầm non, việc xây dựng kế hoạch khối nhà trẻ chưa phù hợp với độ tuổi; việc quản lý công tác nuôi dưỡng tại các điểm lẻ chưa chặt chẽ theo hướng dẫn thực hiện quy chế chuyên môn cấp học mầm non năm học của Sở GD&ĐT Hà Nội. Một số giáo viên tiểu học nhận xét học sinh chưa thật cụ thể, chưa thể hiện rõ và còn nhầm lẫn giữa đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh; Một số giáo viên còn sử dụng phương pháp cũ, chưa có sự đổi mới phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin cũng như sử dụng đồ dùng dạy học chưa linh hoạt; việc dự giờ cùng môn còn ít; chất lượng hồ sơ chưa đảm bảo.
Không chỉ thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội cũng tiến hành thanh tra thi: thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, thi THPT quốc gia, thi chọn đội tuyển IJSO, thi HSG thành phố, chọn đội tuyển HSG quốc gia, thanh tra thi nghề, thi giải Toán qua internet, thi Olympic tiếng Anh…
Nhìn chung, công tác thanh tra của ngành GD&ĐT Hà Nội đã tiếp tục thực hiện đổi mới theo hướng tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm quản lý giáo dục của Thủ trưởng các đơn vị trường học và thanh tra các vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm. Qua thanh tra đã giúp lãnh đạo ngành giáo dục có cơ sở đánh giá việc chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện nhiệm vụ được giao của các cơ sở giáo dục. Trên cơ sở đó kịp thời phát hiện và có những biện pháp chấn chỉnh những mặt hạn chế, thiếu sót; phát hiện những bất cập, vướng mắc về cơ chế, chính sách (nếu có) để có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực giáo dục.
Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ
Chánh thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội Hoàng Cơ Chính cho biết: Trong năm học 2017 - 2018, tiếp tục nâng cao nhận thức của mọi người về vị trí, vai trò công tác thanh tra trong tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng chống tham nhũng; tập trung thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp của ngành và các vấn đề dư luận quan tâm. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho cộng tác viên thanh tra giáo dục, công tác kiểm tra cho các phòng GD&ĐT, kiểm tra nội bộ cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Phối hợp giữa Thanh tra Sở GD&ĐT với Thanh tra Thành phố, Thanh tra quận huyện, thị xã trong thanh tra, kiểm tra để tránh chồng chéo; chuẩn hóa hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo; tăng cường xử lý sau thanh tra.
Để nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, dưới góc độ các quận, huyện, ông Lê Ngọc Tôn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì chia sẻ: Trong từng tháng, thông qua giao ban của Phòng giáo dục để kiểm điểm công tác kiểm tra của phòng với các trường, đưa nội dung kiểm tra của phòng giáo dục từng tháng để xếp lịch kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra, chọn một số chuyên đề cần quan tâm, ví dụ đầu năm học trọng tâm là kiểm tra thu chi, kiểm tra về nhiệm vụ đầu năm… phòng GD&ĐT Ba Vì cũng tham mưu với UBND huyện thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành.
Theo ông Lê Ngọc Tôn, được làm cộng tác viên thanh tra cùng đoàn thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội tham gia thanh tra các đơn vị quận, huyện và các trường giúp cho phòng GD&ĐT Ba Vì được học hỏi và rút kinh nghiệm cho chính đơn vị mình trong công tác phát triển giáo dục. Việc này rất hữu ích cho các cơ sở và cần được tiếp tục duy trì.
Box: PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang:
Hà Nội được đánh giá là đơn vị xuất sắc dẫn đầu cả nước về công tác thanh tra. Công tác kiểm tra của các phòng giáo dục, kiểm tra nội bộ của các trường làm tốt. Hàng tuần, hàng tháng, hàng kỳ thanh tra Sở đều có tổng hợp để có những kiến nghị, phản ánh tới Ban giám đốc, các phòng ban để kịp thời điều chỉnh công tác chỉ đạo, quản lý. Đặc biệt qua công tác thanh tra, tất cả các vụ việc đều được giải quyết nhanh, dứt điểm với tinh thần không né tránh, sai đâu sửa đấy. Vì vậy, góp phần giúp công tác giáo dục phát triển tốt trong năm qua.
Trong thời gian tới, công tác bổ nhiệm thanh tra viên cần "ít nhưng mà tinh". Chọn người năng lực giỏi để giúp Sở thực hiện tốt công tác thanh tra. Công tác thanh tra cũng cần có sự đổi mới. Số đoàn thanh tra giảm nhưng chất lượng các cuộc thanh tra tăng lên, đồng thời phối hợp với các phòng ban chặt chẽ hơn để công tác thanh tra hiệu quả, tổng quan hơn.
Đối với các trường, cần quan tâm công khai dân chủ trong đơn vị, giải quyết vướng mắc, khiếu nại tố cáo ngay từ cơ sở. Tìm hiểu tâm tư, quan tâm đời sống của giáo viên, không để bức xúc dồn nén. Đặc biệt, cần tăng cường kiểm tra nội bộ.
Tô An