Từ đó đến nay, các đại hội IX, X, XI của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương Đảng, khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã nhấn mạnh: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội”. Đây là quan điểm được đặt ở vị trí đầu tiên trong 7 quan điểm về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), thể hiện tinh thần nhất quán của Đảng ta là xác định GD&ĐT không chỉ là quốc sách hàng đầu, mà còn là một trong những kế sách được ưu tiên đi trước tạo tiền đề, động lực thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển.
Tạo sự đồng thuận cao về chủ trương đổi mới giáo dục và đào tạo
Trên cơ sở Nghị quyết số 29-NQ/TW, Đại hội XII của Đảng đã xác định phương hướng, nhiệm vụ với 8 vấn đề lớn: Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học; đổi mới chương trình, nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; đổi mới căn bản công tác quản lý GD&ĐT, bảo đảm dân chủ, thống nhất; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT; đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN.
Như vậy, một trong những vấn đề xuyên suốt, bao trùm các nhiệm vụ nêu trên chính là đổi mới, từ quan điểm đến mục tiêu, nội dung, giải pháp thực hiện; từ chương trình, phương pháp dạy-học đến công tác quản lý; từ cơ chế, chính sách bảo đảm đến nghiên cứu khoa học. Khác với các nghị quyết chuyên đề về giáo dục trước đây, vấn đề đổi mới GD&ĐT được nêu ra tại Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã có nội hàm sâu sắc hơn. Đổi mới không còn nêu chung chung, mà đổi mới phải từ gốc rễ, từ tư duy, nhận thức đến hành động và việc làm cụ thể, thông qua những cơ chế, chính sách thiết thực và giải pháp thực hiện sát thực, khả thi hơn, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Từ nhận thức đó, những năm qua, bám sát Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng ở các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, góp phần đưa công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đi đúng lộ trình, từng bước tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Để tạo sự thống nhất cao về nhận thức, đồng thuận và tích cực thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đã triển khai học tập, phổ biến Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cho gần 42.000 cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn ngành. Nhằm tiếp tục giữ vững, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong các cơ sở giáo dục, công tác phát triển Đảng thường xuyên được quan tâm đúng mức. Theo ông Bùi Văn Linh, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), những năm qua, các sở GD&ĐT trong cả nước đã xây dựng quy chế phối hợp với các huyện ủy (thành ủy, thị ủy, quận ủy) trong lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể chính trị-xã hội trong trường học trên địa bàn. Trong 5 năm (2013-2017), theo thống kê từ 84 trường đại học, học viện, đã có 9.128 cán bộ, giảng viên và 10.479 sinh viên được kết nạp Đảng. Đây là lực lượng bổ sung, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trong các cơ sở giáo dục.
Lộ trình đổi mới đang đi đúng hướng
Bấy lâu nay, khi nhìn nhận về đổi mới giáo dục, một số ý kiến cho rằng, sự đổi mới GD&ĐT chưa rõ nét, hiệu quả chưa cao, chưa mang lại niềm tin cho một bộ phận phụ huynh và người dân trong xã hội. Nhận định như vậy ít nhiều có cơ sở, nhưng chưa thỏa đáng. Bởi vì, khác với những lần đổi mới giáo dục trước đây, việc đổi mới lần này là đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ ở tất cả các khâu, các nhân tố, các vấn đề liên quan mật thiết, hữu cơ đến quá trình GD&ĐT. Vì vậy, đổi mới không thể nóng vội, đốt cháy giai đoạn, mà lộ trình đổi mới phải tiến hành đồng bộ, căn cơ, bài bản với những bước đi thích hợp, cách làm khoa học, thận trọng, nhưng cũng không thể lơ là, chậm trễ vì những yêu cầu, đỏi hỏi bức bách của thực tiễn xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Với nhận thức và cách làm như vậy, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, khóa XI và nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, công cuộc đổi mới căn bản GD&ĐT bước đầu đã có những tín hiệu khả quan.
Theo TS Nguyễn Viết Lộc, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT, kết quả của đổi mới giáo dục được thể hiện trước tiên ở việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục. Sau khi có Nghị quyết số 29-NQ/TW, từ đầu năm 2014 đến tháng 6-2018, Chính phủ đã ban hành 20 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 13 quyết định, Bộ GD&ĐT đã ban hành 158 thông tư nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy đổi mới GD&ĐT, đồng thời khắc phục những rào cản, bất cập, “nút thắt” cản trở quá trình đổi mới lĩnh vực quan trọng này.
Một trong những điểm sáng của giai đoạn đầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT là đã xây dựng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục đáp ứng mục tiêu chú trọng phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học, kết hợp với dạy chữ, dạy người và dạy nghề.
Chương trình GDPT tổng thể chú trọng khắc phục những bất cập, hạn chế của chương trình giáo dục hiện hành, như: Nội dung nặng về truyền thụ kiến thức, học sinh phải học và ghi nhớ rất nhiều nhưng khả năng vận dụng vào đời sống rất hạn chế; sự kết nối giữa chương trình các cấp học trong một môn học và giữa chương trình các môn học chưa chặt chẽ; một số nội dung giáo dục bị trùng lặp, chồng chéo hoặc chưa thật sự cần thiết đối với học sinh phổ thông...
Theo PGS, TS Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, chương trình GDPT tổng thể đã có những nội dung đổi mới mang tính đột phá, như: Cụ thể hóa mục tiêu phát triển năng lực cá nhân đã được nêu ra trong Luật Giáo dục; xác định những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi cần hình thành, phát triển cho học sinh. Chương trình này được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm) bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, toàn diện và thực sự cần thiết; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm) tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận nghề nghiệp phù hợp với năng lực, nguyện vọng và chủ động chuẩn bị tốt cho giai đoạn giáo dục sau phổ thông. Cốt lõi của chương trình GDPT tổng thể được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực mà nhà trường, xã hội kỳ vọng.
Hiện nay, ngành giáo dục đang chỉ đạo ráo riết Ban soạn thảo chương trình GDPT tổng thể khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện nội dung sách giáo khoa để triển khai dạy học sinh lớp 1 theo chương trình đổi mới từ năm học 2020-2021; đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng, các cơ sở giáo dục tiếp tục làm tốt mọi công tác chuẩn bị, nhất là tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn giáo viên để có đủ khả năng thích ứng kịp thời, hiệu quả với chương trình GDPT mới.