UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình báo cáo tình hình tổ chức soạn thảo và xin ý kiến về một số nội dung của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Tờ trình nêu 16 nội dung, đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Về áp dụng pháp luật, UBND TP Hà Nội đề xuất trường hợp luật, nghị quyết khác của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực, có quy định cơ chế, chính sách thuận lợi hơn cho xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô, thì việc áp dụng do HĐND TP Hà Nội quyết định.
Ưu tiên giáo dục
Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nêu rõ, Thủ đô Hà Nội là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về GD-ĐT chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.
Trong đó, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học theo các tiêu chí về quy mô đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy, dịch vụ giáo dục và cơ chế quản lý phù hợp với vị trí, vai trò của Thủ đô.
Thành phố đầu tư, xây dựng hệ thống trường học công lập, đội ngũ giáo viên phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô. Ưu tiên bố trí quỹ đất xây dựng trường học ở vị trí thuận lợi và không bố trí trường học gần cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tiếng ồn, không khí.
Cơ sở giáo dục phổ thông công lập của Thủ đô được thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài. Chính phủ quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, chương trình giáo dục, việc cấp văn bằng, chứng chỉ; việc thuê giáo viên nước ngoài, cơ chế huy động nguồn lực để thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp.
Dự thảo đề xuất, HĐND TP Hà Nội quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học. Đồng thời, mức hỗ trợ và lộ trình thực hiện việc hỗ trợ học phí cho học sinh phổ thông và trẻ em mầm non trên địa bàn Thủ đô không phân biệt trường công lập, dân lập và tư thục.
“Việc điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông đối với một số môn học, hoạt động giáo dục để phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô theo hướng tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế sau khi có ý kiến của Bộ GD&ĐT”, dự thảo nêu rõ.
Theo UBND TP Hà Nội, dự án sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật (tháng 9/2023). Thời gian tới, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, cấp thành phố sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến đối với các nguyên lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ và hội nghị cán bộ chủ chốt của thành phố góp ý đối với dự thảo luật.
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến, UBND TP Hà Nội sẽ phối hợp tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Theo Nghị quyết số 89 của Quốc hội khóa XV về điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 6 chương, 59 điều (tăng 2 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012). UBND TP Hà Nội khẳng định, các quy định của luật nhằm tạo cơ chế để Thủ đô có thể phát triển mạnh mẽ, tạo động lực, cùng các địa phương trong Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển và thực hiện tốt nhất vai trò, trách nhiệm của Thủ đô đối với Trung ương, đối với vùng và cả nước.