Hội thảo nằm trong chuỗi các hội thảo có cùng nội dung của các cấp học thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội năm học 2023-2024 nhằm hướng tới Ngày hội công nghệ thông tin và STEM cấp thành phố dự kiến diễn ra vào cuối tháng 4 tới.
Điểm nhấn đáng chú ý trong khuôn khổ của hội thảo là khu vực trưng bày các sản phẩm STEM do giáo viên, học sinh thành phố thiết kế.
Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các chuyên gia, cán bộ quản lý trường học và giáo viên đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tế; đánh giá hiệu quả, hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và giáo dục STEM. Đây cũng là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý, nhà giáo trao đổi về những giải pháp hay, kinh nghiệm tốt để khai thác, sử dụng tốt cơ sở vật chất và phần mềm dạy học...
Các vấn đề thu hút được sự quan tâm như vai trò của chuyển đổi số trong kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Đổi mới giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; kinh nghiệm phát triển giáo dục STEM ở vùng khó khăn của trường Trung học cơ sở Phong Vân (huyện Ba Vì); phương pháp thu hút học sinh đến với các hoạt động giáo dục STEM của Trường Trung học cơ sở Minh Khai (quận Hai Bà Trưng)...
Một trong những nội dung được thống nhất là thời gian tới, các nhà trường cần tiếp tục quan tâm hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, nghiên cứu khoa học và tạo điều kiện để học sinh được thực hành, ứng dụng kiến thức đã học vào giải quyết các tình huống thực tế.
Phát biểu kết luận hội thảo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị các nhà trường cần coi việc ứng dụng công nghệ thông tin và giáo dục STEM là nội dung, nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung đầu tư trong kế hoạch công tác hằng năm; đồng thời tích cực triển khai sổ điểm điện tử, học bạ điện tử… để tăng cường trao đổi thông tin với phụ huynh học sinh.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đề nghị các nhà trường tăng cường thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh, trong đó có việc số hóa các bài giảng.
Đồng thời, cần tạo không gian để học sinh được tiếp cận, làm quen với giáo dục STEM. Bên cạnh đó, các nhà trường cần quan tâm đồng bộ các thiết bị dạy học, không được để lãng phí các thiết bị thực hành; giáo viên cần cấu trúc lại các nội dung kiến thức để học sinh có nhiều hơn thời gian hoạt động trong các giờ học, nhất là tăng cường các hoạt động thực hành.