Chuyện khó tin nhưng có thật
*Mạng xã hội ngày nay thực sự đã là một thế giới phẳng. Những câu chuyện riêng tư, cá nhân không còn là “riêng tư” nữa khi nó trở thành những lùm xùm hành chính, kỷ luật. Đó là “chê” trường, giảng viên bị kỷ luật, “chê” Chủ tịch tỉnh ba người bị phạt tiền, kỷ luật (dù sau đó đã rút lại), than thở lo lắng về cầu sập cũng suýt bị kỷ luật... Quan điểm của ông ra sao về những hiện tượng trên?
- Facebook (FB) là một tiện ích để cho các “thần dân” của xã hội hiện đại có cơ may được sử dụng. Qua các trang mạng xã hội, không riêng FB, con người thực hiện được nhiều giao tiếp liên cá nhân, không phải thông qua các thiết chế, tổ chức, ràng buộc có tính chất truyền thống, mặc định của xã hội. Nó là phương tiện để phát triển hơn cá nhân trong xã hội. Như vậy, trên mặt lý thuyết đó là một cơ may, một tiện ích, tích cực. Nhưng bất cứ một hiện tượng xã hội nào cũng có hai mặt của nó. Các trang mạng xã hội một mặt giúp các thành viên trong xã hội thể hiện được tính cá nhân, thực thi quyền con người. Nhưng nếu lạm dụng nó, sử dụng nó một cách méo mó, sử dụng không đúng cách hoặc chưa đủ độ chín chắn thì có thể đưa lại những hệ lụy, những kết cục mà xã hội, cộng đồng và bản thân đương sự đó không mong muốn.
Chúng ta đứng trước những câu chuyện rất cụ thể như cặp vợ chồng nọ lên mạng xã hội cảnh báo dịch Ebola bằng cách dựng đứng câu chuyện dẫn đến bị phạt, hay sử dụng FB để thách đố nhau... Còn trong phạm vi trường học, người ta sử dụng FB để bình luận, nói xấu, đánh giá không tích cực về nhà giáo. Tất nhiên sử dụng FB như một tiện ích để phản biện, để giúp người khác sửa cái chưa tốt là một điều tích cực nhưng lại sử dụng FB để vu khống, phát biểu thiếu trách nhiệm là câu chuyện đã có. Hoặc sử dụng FB để nói xấu, đơm sai không tích cực...
Trong chừng mực nào đó, có thể thấy FB như một tờ báo nhưng lại không có sự kiểm duyệt của Luật Báo chí, của luật liên quan nên không được điều chỉnh mặc dù có khi tác giả trang mạng cá nhân đó phải chịu trách nhiệm hình sự. Đó là bức tranh có thật, khá hỗn loạn và thiếu kiểm soát. Mới đây nhất là sự kiện 3 học sinh THCS chiếm tên miền mạo xưng phiến quân IS. Đó là sự ngông cuồng, thiếu kiểm soát của giới trẻ nhưng cũng cho thấy sự non nớt, thiếu chín chắn và còn xa mới đạt được sự trưởng thành để sử dụng có hiệu quả mặt tích cực của các trang mạng xã hội.
*Và câu chuyện một giảng viên, một cựu thành viên Đường lên đỉnh Olympia từ chối làm Phó Hiệu trưởng để chuyên tâm làm khoa học đã bị ngược đãi, bị coi là có vấn đề về tâm lý. Chưa nói tới chuyện đối đãi nhân tài, mà đó còn là ứng xử văn hóa, thưa ông?
- Cái đó có thể đúng với những “cơ thể” giáo dục nho nhỏ. Hãy nói đến thể chế, thiết chế chung. Chúng ta thấy thái độ của những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục không phải lúc nào cũng văn hóa. Đó là tầm vĩ mô. Còn trong nhà trường, nói thẳng ra đó là “sân nhà người ta, người ta có quyền cử ra trọng tài, tuyển chọn ra diễn viên…”. Và ở câu chuyện chủ tịch tỉnh hay cựu thành viêm Olympia ở Cần Thơ, dường như những cá nhân đang có một sự đánh đồng, đánh tráo cá nhân và tập thể. Họ lấy tập thể để che lấp, thỏa hiệp cho sự không hài lòng của cá nhân.
*Chúng ta có cần thiết có những khóa huấn luyện sử dụng FB sao cho... “chuẩn”?
- Có thể nói, 40% người dùng FB hiện nay đang bị “ngộ nhận” về FB. FB không phải là nhật ký bất khả xâm phạm của mỗi cá nhân. Mà nó là thế giới phẳng, là nơi để các cá nhân thiết lập mối quan hệ. Sự ngộ nhận này đã dẫn đến nhiều hệ lụy không mong muốn như tôi đã phân tích ở trên.
Vẫn là câu chuyện hiểu biết. Phải biết mình biết cái gì. Câu chuyện này liên quan đến thiết chế giáo dục. Vì giáo dục là truyền tri thức. Do vậy, đó là câu chuyện giáo dục gia đình, câu chuyện nhận thức mỗi cá nhân. Thật là buồn cười nếu chúng ta đưa ra yêu cầu mở các khóa huấn luyện sử dụng FB như thế nào là chuẩn mực. Vì chỉ có một chuẩn giá trị chung đó là tính chân thiện mỹ trong đời sống hàng ngày.
Phản biện- không chấp nhận sự giả dối
*Nhưng liệu có phải do chúng ta chưa có cơ chế phù hợp để người phản biện có chỗ phản biện? Hay nói cách khác, người ta không chấp nhận được những lời nói, góp ý thẳng thắn? Hoặc không chấp nhận sự khác biệt?
- Câu hỏi này đưa ra câu trả lời vừa có vừa không. Không phải không có cơ hội để cá nhân bày tỏ nhưng cơ hội đó đi kèm với các điều khoản khác. Đó là mỗi thành viên xã hội phải được trang bị các kiến thức hiểu biết về tri thức chung, về pháp luật, những nguyên tắc của va chạm cọ xát thông tin, đặc biệt là phản biện xã hội. Chúng ta có cơ chế phản biện. Nhưng cơ hội đó không được thể hiện sáng rõ, minh bạch và đồng loạt như nhau ở mọi giới, mọi lớp người.
Thế nên ở mặt còn thiếu, khi người ta nêu lên quan điểm trái ngược với quan điểm chỉ đạo chính thống, các ý kiến phản biện phải gửi đến cơ quan có trách nhiệm, nhiều khi bị tồn đọng, mắc mớ ở đâu đó. Vì vậy, người ta thấy bày tỏ gián tiếp hợp lý hơn dù những ý kiến đó nhiều khi méo mó, chệch chuẩn nhưng lại tạo ra được sự quan tâm, chú ý của xã hội, cộng đồng. Rồi từ đó gây áp lực cho phía phải nhận thông tin, buộc lòng họ phải xem xét.
Do đó, trong hệ lụy đi kèm không mong muốn của tiếng nói ngược nhiều khi gây nên sự hỗn loạn, rối ren mất trật tự, hóa ra ở mức độ nào đó, nó cũng tạo ra hiệu ứng tích cực, khơi gợi sự quan tâm. Vì đọc những quy định về phản biện ta có thể thấy không phải cá nhân nào cũng làm được nên họ chọn giải pháp ra giữa đường “la làng” cho mọi người cùng thấy.
*Trở lại việc bị kỷ luật, bị phạt vì “chê” chủ tịch tỉnh. Chuyện ngỡ như đùa nhưng nỗi đau là thật. Và sẽ đau hơn nữa khi nhiều cơ quan đơn vị đem vụ việc này ra để răn đe, cảnh báo nhân viên của mình, cảnh báo người dân. Và khi đó, liệu chúng ta có còn nghe được tiếng nói phản biện tích cực của người dân?
-Rõ ràng việc phản biện đó cũng là cách để người ta thể hiện rằng họ không chấp nhận giá trị ảo, cái giả dối. Thế nào đi chăng nữa cũng tạo áp lực cho những người phải chịu trách nhiệm về những thiết chế, sự kiện, nhân vật, hiện tượng đó phải kiểm tra lại và phải điều chỉnh.
Nó đòi hỏi sự điều chỉnh tổng thể. Theo tôi, chừng nào phía hành xử, phía nắm pháp luật, phía chịu trách nhiệm không thay đổi thì chừng đó vẫn cho thấy sự trì trệ. Việc chấp nhận các ý kiến khác nhau lâu nay chúng ta chỉ nói chứ không có hiệu quả thiết thực, phải đổi mới một cách thực chất, biết tôn trọng các ý kiến khác nhau để đạt tới sự thống nhất trong đa dạng.
Và cộng đồng những người cho ý kiến cần phải xem xét, nghiên cứu đầy đủ trước khi cho ý kiến thay vì nói cho sướng mồm mà không biết hiệu quả đi đến đâu, đi kèm theo đó là có cơ chế thưởng, phạt tôn vinh cho những người đưa ra kiến giải đúng.
*Xin cảm ơn ông!
Box: Làm nhục, vu khống người khác có thể bị xử phạt hình sự
Hiện nay trong Nghị định 72 quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng đã quy định rõ 10 điều cấm. Bởi thực tế, hiện có rất nhiều người lợi dụng các trang mạng xã hội như FB để công khai nói xấu, làm nhục, bôi nhọ danh dự nhân phẩm của người khác. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu hình sự về hành vi vu khống hoặc làm nhục người khác.
Hành vi làm nhục được hiểu là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Còn hành vi vu khống là hành vi bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. Tội làm nhục người khác được quy định tại điều 121 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Nếu phạm tội nhiều lần hoặc đối với nhiều người hoặc một số trường hợp khác, người phạm tội có thể bị phạt tù từ một năm đến ba năm.
Tội vu khống được quy định tại điều 122 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Nếu phạm tội có tổ chức hoặc đối với nhiều người hoặc một số trường hợp khác, người phạm tội có thể bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.