Nguyễn Bắc Sơn
Nguyên Phó Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An
Từ ngày tiếp quản Thủ đô đến giờ, lãnh đạo ngành giáo dục Hà Nội, có lẽ không ai tạo được ấn tượng sâu đậm và mạnh mẽ như Bà. Không phải chỉ vì những cương vị Bà đã đảm trách: Phó hiệu trưởng, Hiệu trưởng, Phó Giám đốc, Giám đốc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Thứ trưởng Bộ, chưa kể Ủy viên thư ký Quốc hội. Những cương vị ấy chứng tỏ bước đi tuần tự như tiến, hợp với chuyên môn, hợp cả lẽ đời, như một tất yếu. Tôi tôn trọng những cương vị ấy, nhưng hơn thế, tôi kính trọng nhân cách Bà, mến mộ tính cách bà. Chắc, nhiều người cũng suy nghĩ như tôi.
Bà là Nghiêm Chưởng Châu.
Sao một giáo viên lại quen Giám đốc Sở? Chỉ vì con tôi và con gái bà cùng một lớp ở trường Trương Vương (Hàng Bài) nên họp phụ huynh, bà cũng đến dự như bao người khác. Năm ấy, Bộ Giáo dục mở triển lãm đồ dùng dạy học Liên Xô tại trường này. Triển lãm xong, thứ trưởng Bộ giáo dục Võ Thuần Nho, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Vỹ và Giám đốc Sở Nghiêm Chưởng Châu bàn cách xử lý số đồ dùng ấy. Chỉ cần tháo dỡ, khuân sang trường Cao Bá Quát (bên Gia Lâm) chắc chắn sẽ hư hỏng và vơi đi nhiều. Bà đề xuất cứ để nguyên tại chỗ. Vì trước cách mạng vốn là học sinh trường, lại về tiếp quản trường, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nên truyền thống dạy tốt, học tốt bậc nhất thành phố của trường này, nhất là môn toán (bà vốn là học trò giỏi của nhà toán học Lê Văn Thiêm) với các thầy tên tuổi: Tôn Thân, Vũ Hữu Bình, Đàm Hiếu Chiến… Vì vậy, Bà biết rất rõ nền nếp quy củ của trường. Quyết định cuối cùng là cứ để nguyên tại chỗ. Trường đã có cấp 1, cấp 2, thêm cấp 3 vào thành trường ba cấp. Một số thầy ở các trường cấp 3 được “nhặt” sang đây, trong đó có tôi. Nhưng là trường ba cấp nên phòng giáo dục quận thì quản cấp 1-2, sở giáo dục quản cấp 3, mà nền hành chính nước ta, nhiều khi hành là chính nên chỉ sau một năm học, phải giải thể khối cấp 3. Thật tiếc!
Bây giờ, nếu can đảm tổ chức cho học sinh đi tham quan thì mọi thứ đã có công ty dịch vụ lo từ đầu đến cuối, vậy mà không mấy trường dám làm, sợ xẩy ra chuyện thì rầy rà to. Thời Bà làm giám đốc, các trường cấp 3 náo nức cho học sinh đi lao động cả tuần ở nông trường (Đồng Giao, Mộc Châu) hay lên Trung tâm Hướng nghiệp Ba Vì. Những chuyến đi ấy là bài sát hạch tổng hợp khả năng tổ chức, giáo dục của nhà trường, gia đình. Các em thiếu nhiều kĩ năng sống tập thể, làm việc nhóm, ứng xử với bạn bè, thầy cô và thiên nhiên môi trường. Trần Chiến (báo Hà Nội mới) có kể trong phóng sự sau chuyến ba cùng với các em ở Mộc Châu, một nhóm uống no sữa tươi công nhân xách ra mới quay lại hỏi, thầy có uống không ạ. Nhưng không ai biết hết tác động những chuyến đi ấy với các em thế nào. Được thoát li gia đình, như chim xổ lồng, được giúp các bạn nữ chân yếu tay mềm… Bữa cơm tập thể, tiếng hát, tiếng ghita bập bùng trong đêm lửa trại… là những trải nghiệm đầu tiên được biết. Gọi là trồng rừng, nhưng cũng là đi tham quan, dã ngoại thú vị. Mấy chục năm rồi, không biết những cây dó thầy trò chúng tôi trồng đã thành rừng chưa. Nhưng các em vẫn thấy nó gắn với những kỉ niệm đẹp nhất đời học sinh của mình.
Và tôi vẫn nhớ như in hình ảnh giám đốc Sở ngày ấy. Ở Ba Vì hay trong hội nghị tổng kết, giọng Bà truyền cảm, thuyết phục, đến câu cuối mỗi đoạn lại hạ thấp giọng nhắc lại lần nữa, như một điệp khúc nhấn mạnh với người nghe.
Những năm ấy Hà Nội còn sôi nổi cuộc vận động để Trường ta trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học do Thủ tướng Phạm Văn Đồng nêu ra. Thế nên Bà mới cho thí điểm chế độ thanh tra chuyên môn. Môn văn có ba thầy tên tuổi đứng lớp là Nguyễn Vinh Phúc, Văn Tâm, Đặng Văn Phước (đều đã mất) tham gia. Tôi là phó hiệu trưởng trường Chu Văn An, cũng được mời tham gia cùng chuyên viên các cục, vụ, viện Bộ Giáo dục. Cách thanh tra này, Liên Xô vẫn làm, người Pháp ở Việt Nam trước cách mạng cũng làm. Không hiểu sao không được triển khai.
Có người cho tôi cuốn sổ lưu niệm của Giáo sư Trần Văn Khang, hiệu trưởng trường Trung học Kháng chiến Chu Văn An ở Đào Giã (Phú Thọ). Bà đọc bài tôi viết trên báo Nhân dân: “Ba Khang, người thầy của nhiều thế hệ học sinh trường Bưởi”, trong đó có mình thì thích lắm! Bà hỏi - Làm sao ông miêu tả được Ba Khang đầu hói, bộ râu lâu chưa cạo lởm chởm; quần đùi, guốc mộc, tay chống cằm bên một chồng báo cao ngất, dưới gầm bàn là chiếc điếu cầy và những chú muỗi vo ve bên chân rình đốt. Tôi thưa thật, em tả từ bức ký họa của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Bà khen, đúng đấy, và bảo, chịu khó viết, biết đâu… Bà bỏ lửng câu nói để tôi ngẩn ngơ suy nghĩ một mình.
Thời sôi nổi bên giáo dục của tôi chính là được làm việc dưới quyền người nhạc trưởng tài năng này.
Khi được đề bạt làm Phó Chủ tịch phụ trách văn xã, Bà hỏi tổ chức, thế ai sẽ thay tôi, rồi kiên quyết bảo vệ ý kiến, giám đốc Sở phải trưởng thành từ người đứng lớp, kinh qua các chức vụ, có thế mới am tường công việc. Tổ chức phải chịu. Sắp rời ngành, bà bảo tôi lên Sở, chỉ để viết cho ngành thôi. Thế em sinh hoạt ở phòng nào ạ? Phòng phổ thông. Tôi thưa, em có làm công tác chuyên môn đâu ạ! - Thế thì trực thuộc Ban giám đốc, muốn đi đâu, muốn viết gì thì tùy, chỉ cần đầu tuần, cuối tuần có mặt ở Sở là được. Vì sao Bà có ý này? Đã có lần, tôi xin được Sở cử đi Nam Ban (vùng kinh tế mới của Hà Nội ở Lâm Đồng) làm nhiệm vụ chuyên môn, nhưng lại có kết quả phụ là hai truyện ngắn trên báo Người Hà Nội và hai bài viết về giáo dục trên báo Hà Nội mới. Một vị lãnh đạo trách tôi đưa một chi tiết bất ưng của ngành ở trong ấy lên báo. Thế nên tôi ngại. Ngẫu hứng viết là một chuyện. Viết theo chỉ đạo là chuyện khác. Tôi tìm cách từ chối. Chưa nói, chắc gì người kế nhiệm Bà cần tôi làm việc ấy.
Một sáng tinh mơ, tôi đến gõ cửa. Bà ngạc nhiên, có việc gì mà ông đến sớm thế? Về tuổi tác, cương vị và tình cảm, tôi gọi Bà là chị xưng em. Nhưng bao giờ Bà cũng gọi tôi như một người bằng vai phải lứa thế. Em đến chào từ biệt chị để sang cơ quan x. Em đã nhờ ông chú quen biết xin ở lại nhưng không được. Bà bảo, sáng nay họp thường trực Ủy ban, có vị ấy, Bà sẽ nói giúp. Vậy là tôi thoát. Nhưng một chị nhờ người quen Bà dẫn đến xin cho chồng về ngành giáo dục. Lướt nhanh hồ sơ, bà hỏi: - Sao ở quân đội bốn năm, chú ấy chưa vào đảng? Câu hỏi ấy, lúc ấy là đích đáng lắm. Chị kia không trả lời được. Chuyện dừng lại. Bà nhân từ, nhân hậu, nhưng không vô lối và nhất là rất khoa học. Sau mười năm làm công tác quản lý ở trường Chu Văn An, tôi xin về trường cũ (Hoàn Kiếm) dạy. Đúng lúc ấy, bên Văn hóa Thông tin kéo sang. Tôi chuyển ngành rồi rẽ sang ngạch viết.
Ngày 12/12/1995 nhân một kỳ cuộc gì đó, Bà với nhạc sĩ Vĩnh Long (anh ruột nhạc sĩ Vĩnh Cát - giám đốc Sở Văn hóa Thông tin) và tôi ngồi túm tụm một chỗ trò chuyện vui lắm. Anh Vĩnh Long bảo, chị em mình chụp ảnh kỉ niệm đi, rồi anh lại băn khoăn, chị có kiêng chụp ba người không ạ? - Gia đình Trung Quốc chỉ có một con thì làm thế nào? Bà đáp. Thế nên mới có tấm ảnh trong bài này. Ai nói chuyện với Bà cũng thấy dễ chịu bởi đôi mắt nheo cười, nhìn thẳng, và thái độ cởi mở chân thành như bạn bè, không hề cách bức. Nhưng tôi đã chứng kiến, Bà mời một người rời phòng họp vì không đúng thành phần mà người có trách nhiệm lại không có lý do vắng mặt chính đáng.
Có lần tôi hỏi, điều gì làm chị lúc nào cũng vui với công việc thế ạ? Thoáng lặng đi, Bà hỏi, ông cho là lúc nào tôi cũng vui à?
Ai cũng thấy đôi mắt Bà luôn nheo cười, có lần còn nháy mắt cười tinh nghịch với tôi, vì cả Bà và tôi đều khuyên anh Hòe (giám đốc Trung tâm hướng nghiệp Ba Vì) trồng me lấy lá chua cho nồi rau muống luộc để thày trò chúng tôi dùng khi lên đấy trồng rừng. Nghe Bà hỏi lại, tôi giật mình, thấy mình có gì đó như vô tâm. Tôi biết những phụ nữ thông minh, năng động, bận rộn suốt ngày với công việc như Bà; Những nhà hoạt động xã hội như Bà, thật khó tìm thấy sự trọn vẹn trong cuộc sống. Ấy là chưa kể hoàn cảnh riêng. Bà có một người con trai, học sinh chuyên toán Chu Văn An, thông minh, học giỏi nhưng đã mất vì bạo bệnh. Nào đã hết. Rồi chồng Bà lại qua đời vì tai nạn giao thông ngay sau khi Bộ Quốc phòng chiêu đãi các sĩ quan được phong học hàm phó giáo sư.
Bà thuộc những người lấy công việc làm vui, làm lẽ sống. Tôi tin Bà được mọi người yêu kính, ngưỡng mộ chứ không bị ai oán trách, kể cả chị nọ không được Bà nhận cho chồng chuyển ngành. Vậy mà sau khi nghỉ hưu, có người đã viết một bài báo, nêu chuyện vặt vãnh, kiểu mâu thuẫn hàng xóm láng giềng giữa gia đình Bà với trường bên cạnh. Tôi đã từng dạy ở đấy, biết thực chất việc này nên xin phép Bà cho được viết lại cho rõ ngọn ngành. Bà gạt đi, thôi ông ạ, người có mắt, trời càng có mắt. Rồi ông xem…
Về sau, mọi chuyện diễn ra đúng như thế. Tôi càng cảm phục tấm lòng nhân hậu ấy.
Tôi cứ ân hận mãi, vì tang lễ Bà không biết tin nên không có mặt để vĩnh biệt Bà. Thế nên em mới có những dòng hồi ức này để tưởng nhớ chị, chị Nghiêm Chưởng Châu ạ!