Ảnh minh họa
Con cần phải thở…
Lướt qua nhiều trang mạng xã hội có thể dễ dàng bắt gặp những dòng chia sẻ của học trò. Có bạn thốt lên rằng: “Ngôi sao của con chỉ sáng đến đó, xin bố mẹ đừng ảo tưởng về con” hay: “Mình đã bỏ học 5 ngày rồi, để cho bố mẹ biết là mình cần phải thở chứ không phải lúc nào cũng học, học, học”. Thậm chí có em còn than thở: “Sắp đến kỳ thi học sinh giỏi rồi, mình sẽ chết mất nếu không đạt thành tích gì”…
Thu Hằng- học sinh lớp 11 của một trường THPT ở Hà Nội chia sẻ: “Từ nhỏ, bố mẹ đã kì vọng rất lớn vào em. Ngay khi em mới học tiểu học, bố mẹ đã cho em đi học thêm khắp nơi. Và cũng không ít lần, em đã làm bố mẹ thấy tự hào về điều đó khi đạt được kha khá thành tích trong học tập. Em thấy ánh mắt của bố mẹ rạng ngời khi em đạt giải nọ, giải kia và ngược lại là một khuôn mặt nặng nề, tiếng thở dài não nề khi em chưa đạt kết quả tốt. Thế nên em luôn cố gắng để làm vui lòng bố mẹ… Nhưng bố mẹ càng kì vọng vào em bao nhiêu, áp lực trong em càng nhiều bấy nhiêu. Nhất là khi thi vào lớp 10, em lo lắng đến kiệt sức không chỉ vì phải học quá nhiều mà vì áp lực phải đỗ vào một trường công lập tốp đầu, nếu không em không dám nhìn mặt ai nữa mất... Giờ đây là “đích” thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng. Nhiều khi em thấy rất mệt mỏi… Chỉ mong bố mẹ bớt kỳ vọng vào em, bởi em thấy mình không thể cố hơn được nữa”.
Những tâm sự ở trên cho thấy có nhiều kiểu áp lực tâm lý cha mẹ gây ra cho con cái khi các em đang ngồi trên ghế nhà trường. Đầu tiên là con phải học trường điểm, lớp tốt; tiếp đó là con phải luôn đạt thành tích cao, đứng đầu bảng rồi thi đỗ trường nọ, giải kia… Đủ thứ áp lực đổ lên đầu đứa trẻ trong khi nhiều bậc phụ huynh “mặc định” rằng đó là điều nên làm, phải làm trong xã hội hiện nay. Họ luôn cho rằng mình đúng, con cái bắt buộc phải theo, không cần bàn cãi. Và điều ấy nhiều khi gây ra những kết quả dở khóc, dở cười. Thực tế, nhiều em đã bị rối nhiễu tâm lý, trầm cảm, thậm chí có em đã hành động dại dột khi không chịu được áp lực học hành từ chính cha mẹ mình.
Vì đâu nên nỗi?
Yêu con, chiều con, dành mọi tâm sức cho con, nhiều bậc phụ huynh đã kỳ vọng thái quá vào con. Dường như đứa trẻ là một thứ “trang sức” của cha mẹ để họ mở mày mở mặt khi “khoe” với bạn bè, đồng nghiệp, người thân. Để thứ “trang sức” ấy luôn sáng bóng, khiến những người xung quanh phải trầm trồ khen ngợi, họ luôn thúc ép con phải học thật giỏi, nổi bật hơn hẳn bạn bè cùng trang lứa. Những người này luôn bắt con học ngày, học đêm và hầu như chẳng bao giờ thỏa mãn với thành tích của trẻ.
Bên cạnh đó cũng xuất hiện những bậc phụ huynh muốn con phải học theo sở thích, nguyện vọng của mình, theo đuổi những ước mơ của họ hay phấn đấu đạt được những thứ họ muốn. Họ quên mất rằng, để con cái trưởng thành, thành đạt, không phải đặt lên vai con quá nhiều kỳ vọng mà phải giúp con học cách tự đưa ra các quyết định, suy nghĩ cho bản thân và có trách nhiệm với các hành động của mình.
Những áp lực này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau: do cha mẹ quá lo lắng cho tương lai của con trong một xã hội mang tính cạnh tranh cao; do cha mẹ muốn con hoàn thành những ước mơ còn dang dở của mình trước đây; do cha mẹ ảo tưởng về khả năng của con cái; do thái độ cầu toàn của cha mẹ hoặc do cha mẹ “sĩ diện” trước mọi người... Tất cả những điều này có thể đều xuất phát từ tình yêu thương và đều hướng đến mục tiêu là một tương lai tốt đẹp cho con. Tuy nhiên, nó lại biến thành áp lực phần lớn là do những điều kỳ vọng này không phù hợp hoặc thậm chí mâu thuẫn với những khả năng, nguyện vọng, sở thích của con. Trong khi đó, gần như không có sự chia sẻ, trao đổi, bàn bạc giữa cha mẹ và con cái.
Cho con những niềm vui
Không phải đứa trẻ nào cũng có thể đạt thành tích cao trong học tập, thi đỗ giải này, lọt vào trường kia… Phần lớn các em đến trường để tiếp thu kiến thức sách vở cùng với phát triển năng khiếu, sở trường và học kỹ năng sống để có thể ứng phó, thích nghi với những môi trường mới và với cuộc sống sau này.
Các bậc cha mẹ không nên nghĩ rằng, càng kỳ vọng vào con sẽ khiến cho chúng phải cố gắng hơn, phải nỗ lực hơn. Bởi vì sức người có hạn và khả năng của mỗi người không phải lúc nào cũng có thể đạt được đỉnh cao như thế. Cha mẹ cũng đừng bao giờ sỉ vả hay đối xử phân biệt với con cái. Làm như vậy sẽ tổn thương lòng tự trọng và cái tôi của các em. Nó không có tác dụng khiến con cố gắng hơn, mà nó chỉ làm cho trẻ nhụt chí, tự ti, mặc cảm hơn mà thôi.
Theo Th.s Nguyễn Thành Đoàn, Hiệp hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, các bậc cha mẹ hiện nay mặc dù được tiếp cận với rất nhiều thông tin nhưng phần đông họ đều mắc những sai lầm trong việc giáo dục con cái. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển và hình thành tính cách của trẻ.
Thạc sĩ Đoàn cho biết trong thực tế có nhiều bậc phụ huynh khi con không nghe lời, không đạt được yêu cầu như mình mong muốn thường tỏ ra cáu bẳn, càu nhàu hay giận dữ. Nhiều người làm cha làm mẹ thì cho rằng con cái và cha mẹ không thể “cá mè một lứa” và “trên bảo dưới phải nghe”. Họ cho rằng, chỉ có bố mẹ hoặc bản thân con mình là tài giỏi, là nhất, lúc nào cũng thích khoe khoang, hậu quả sẽ chỉ tạo ra những đứa trẻ có tính tự phụ, xem thường người khác không chỉ với người lớn mà cả với bạn bè. Điều này làm cho trẻ khó hòa nhập với môi trường xung quanh, nhất là với bạn bè ở lớp, ở trường. Trẻ không tìm thấy niềm vui trong việc học tập sẽ khó phát triển một cách hài hòa khi bước vào cuộc sống sau này. “Mắc kẹt” trong những giấc mơ, sự kỳ vọng của cha mẹ sẽ khiến đứa trẻ có đời sống tâm hồn lệch lạc hơn so với những bạn được phát triển theo đúng khả năng, tâm sinh lý của mình.
Thực tế, nhiều bậc cha mẹ quá kỳ vọng vào con và muốn xây tường thành để bảo vệ con. Điều này rất khó, thay vào đó, hãy để con thoát khỏi bức tường, trở thành người lớn, cho con niềm vui đúng với lứa tuổi và sự phát triển của mình. Cha mẹ chỉ đứng cạnh, nâng đỡ khi cần thiết.