Chúng ta đang “nhập rác” vào người
Ngày nay, người ta đã không còn xa lạ với cụm từ ngâm hóa chất, dùng chất tẩy, phun thuốc làm tăng trưởng... người tiêu dùng đang bị “khuất mắt trông coi”. Các cụm từ thịt “bẩn”, lợn tăng trọng, gà thải loại, cá, mực ướp phoóc-môn, đậu phụ tẩy trắng bằng chất gây ung thư, hóa chất giúp mít, sầu riêng chín siêu tốc… đang là một thực trạng diễn ra hàng ngày khiến cho người tiêu dùng hoang mang. Và thực tế, dù có lúc biết rằng mình đang đưa chất gây ung thư, chất độc hại vào cơ thể nhưng chúng ta hoàn toàn không có sự lựa chọn nào khác, chỉ là “trời gọi ai người ấy dạ” mà thôi.
Tại một cuộc họp về an toàn vệ sinh thực phẩm do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, những con số kinh hoàng vẫn tiếp tục được đưa ra như gần 97% lò mổ bẩn, trên 16% cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật lộn xộn... Số liệu giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) nông thủy sản 9 tháng năm 2015 cũng cho thấy tỉ lệ vi phạm đáng báo động. Cụ thể, 16% mẫu thịt phát hiện có vi khuẩn Salmonella; 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức; 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng vượt ngưỡng cho phép.
Mới đây, Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh xét nghiệm ngẫu nhiên 159 mẫu thịt heo, phát hiện 37 mẫu tồn dư kháng sinh Tetracycline vượt mức; 26 mẫu tồn dư kháng sinh Sulfadimidin và 3 mẫu dương tính với chất tạo nạc bị cấm sử dụng trong chăn nuôi là Salbutamol. Ngoài ra, gần 28% mẫu thịt gà tồn dư kháng sinh Enrofloxacin và Florfenicol là những chất cấm trong chăn nuôi...
Tháng 4/2015, cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh phát hiện, bắt quả tang một cơ sở chế biến, kinh doanh bì lợn ở quận 8, với hàng trăm cân bì lợn bị ngâm hóa chất. Điều khủng khiếp nhất là trước khi bị phát giác, thì mỗi ngày, cơ sở sản xuất bì lợn bẩn này tiêu thụ hàng trăm kg cho các địa điểm kinh doanh ăn uống trên khắp thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh miền Tây.
Hay vụ hơn 1 tạ tim lợn đông lạnh đã mốc xanh trong tháng 10/2015 do Đội 4 - Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường phát hiện cũng khiến người dân không khỏi lo lắng. CATP Hà Nội đã chủ động phối hợp với Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội bất ngờ kiểm tra các hộ kinh doanh thực phẩm đông lạnh nhập lậu tại chợ Phùng Khoang, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 1 tạ tim lợn đang trong giai đoạn cấp đông, màu đen và mốc xanh được bày bán cho người tiêu dùng. Trước đó, không lâu dư luận bàng hoàng khi các cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất chiếc xe khách mang biển số 77B- 00564 do tài xế Lê Xuân Dũng điều khiển đang trên đường di chuyển vào khu chế xuất Linh Trung và phát hiện lượng lớn thịt lợn sữa đang bốc mùi hôi thối.
Được biết, số thịt lợn sữa thối sẽ được các cơ sở sản xuất chế biến và quay giòn lên bán cho các nhà hàng đặc sản, nhà hàng tiệc cưới, quán nhậu. Còn mỡ lợn thối thì được cắt thành từng tảng và rán lên rồi bán cho các quán bún, quán nhậu. Ngoài những vụ việc được phát hiện còn có rất nhiều thực phẩm bẩn, thực phẩm chứa hóa chất như gà nhuộm vàng da, thịt lợn siêu nạc, bún chứa hàn the... vẫn được bày bán và người tiêu dùng vẫn mua nườm nượp.
Trước thực tế này, ông Cao Đức Phát, người có trách nhiệm cao nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ “dám” hứa toàn ngành đã xác định sẽ làm hết sức để chấn chỉnh; tập trung vào 5 nhóm giải pháp như tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng hành lang pháp lý, hỗ trợ người dân tổ chức sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn, kiểm tra giám sát xử lý vi phạm, tăng cường năng lực hệ thống. Thậm chí ông Cao Đức Phát còn thừa nhận các giải pháp chỉ thực hiện ở mức độ kiềm chế tình hình chứ chưa có cải thiện đáng kể. Gần đây một số việc còn xấu đi như việc sử dụng kháng sinh, chất cấm chăn nuôi đang bùng phát...
“Tại sao lại là tôi”?
Việt Nam đang đứng đầu thế giới ở một lĩnh vực mà không ai mong muốn: ung thư mà nguyên nhân chính từ nhiễm độc thực phẩm bẩn. Mỗi năm, ở dải đất hình chữ S có thêm 150.000 người mắc ung thư. Và 75.000 người trong số đó phải chết. Nghĩa là cứ một ngày trôi qua thì chúng ta mất đi hơn 208 người, mỗi giờ trôi qua chúng ta mất gần 9 người vì căn bệnh ác tính này.
Theo các chuyên gia đầu ngành về ung thư, đa số các bệnh nhân khi được chẩn đoán ung thư thường tự hỏi: “Tôi đã làm gì sai?” hay “Tại sao lại là tôi?”. Khi mà căn bệnh này không chỉ ở các thành phố lớn mà ngay cả những người nông dân ở những vùng quê hẻo lánh cũng bị lưỡi hái của tử thần quét tới. Thậm chí, nhiều người còn tin rằng họ bị trừng phạt bởi lý do ... từ “kiếp trước” hoặc trong quá khứ... Tuy nhiên, “ung thư không phải là sự trừng phạt cho những điều bạn đã làm hay không làm trong quá khứ, mà hầu hết là do những tác nhân từ môi trường bạn đang sống”- GS Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội ung thư Việt Nam nhấn mạnh.
Cũng theo các bác sỹ đầu ngành, những hóa chất có trong thịt tăng trọng đã dẫn tới tỷ lệ vô sinh và “nhạt” chuyện đó ở người trẻ tăng cao...
Chưa bao giờ con đường từ bữa ăn đến bệnh viện lại trở nên ngắn đến như vậy. Ở bất kỳ đâu, mỗi năm, người ta đều nghe thông tin về một đồng nghiệp, hoặc gia đình họ, có người chết vì ung thư.
Mới đây, ca sỹ Trần Lập, một người đàn ông mạnh mẽ đã phải thảng thốt khi phát hiện mình bị ung thư. Và anh đang kiên cường vượt qua những đợt hóa trị.
“Xuân Tóc đỏ” Tuấn Dương qua đời vì ung thư vòm họng khi phía trước vẫn còn những vai diễn hứa hẹn. Trưởng thôn Văn Hiệp ra đi vì ung thư phổi, khi tiếng cười của ông vẫn sang sảng trên sóng truyền hình. Người mẫu, diễn viên trẻ Duy Nhân từ giã cuộc sống và bỏ lại người vợ vừa cưới, khi anh mới tròn 29 tuổi. Ca sĩ Wanbi Tuấn Anh dừng cuộc chơi trần thế năm 26 tuổi vì ung thư não. Tác giả của “Xa rồi mùa đông” - nhạc sĩ Nguyễn Nam, ca sĩ Tố Như… cũng đã phải đầu hàng số phận. Họ đã để lại những hình ảnh đẹp và sự thương nhớ của bao người...
May mắn hơn, nghệ sĩ Hán Văn Tình, Hari Won, Anh Vũ, Kim Phượng… đã và đang thoát khỏi lưỡi hái tử thần mang tên ung thư. Nhưng, rất nhiều dân thường không có được cái may mắn ấy. Khi cái chết của những người mà cái tên không xuất hiện một dòng nào trên truyền thông, mới vẽ lên bộ mặt khủng khiếp của bệnh ung thư ở Việt Nam. Bởi nó đã ở rất gần, hiện hữu hàng ngày trong cuộc sống.
Ung thư, căn bệnh quái ác chỉ là hậu quả của cái ác khi một số kẻ bất lương đã mồi chài cán bộ thú y địa phương đến từng nhà dân gạ bán loại thuốc tăng trọng, tích nước thần kỳ. Khi bán, cán bộ thú y đó dặn người mua: Chỉ được cho gà, vịt, lợn uống thuốc trước khi bán đúng 1 tháng. Cho uống mà để hơn 1 tháng mới bán, lợn gà vịt có thể bị chết vì không chịu được sự công phá của thuốc.
Nhiều tấn hàng hải sản đông lạnh bị bắt giữ khi được đưa về Hà Nội. Nhiều tấn chân gà đông lạnh cả chục năm, nếu không bị bắt giữ, thì sẽ trở thành món khoái khẩu của bao người. Có những khu chợ bày cả chục can hóa chất độc hại, hóa chất ướp xác, để bán cho những kẻ chuyên đi đầu độc đồng loại.
Không biết phải cảnh báo tới mức nào nữa mới kêu gọi được lương tâm “bé bỏng” của những người, những mắt xích dây chuyền chỉ vì trước mắt mà quên đi tính mạng của cộng đồng. Khi mà một vụ phát hiện cũng chỉ dừng lại ở việc phạt hành chính vài triệu và một cam kết thì có thực sự đủ răn đe so với lợi nhuận của việc làm gian dối đem lại?
Và việc mạnh tay diệt thực phẩm bẩn cũng đâu có khó đến mức không thể thực hiện được. Nếu chúng ta ráo riết, nghiêm cấm và tẩy chay, chẳng qua người ta không muốn quản lý đổ trách nhiệm này cho người dân thôi. Người bán thì thấy nó không chết ngay nên cứ ung dung, người mua thì chẳng có cách nào kiểm tra đành nhắm mắt mua đại...
Lương tâm là thứ bền vững ẩn chứa trong mỗi trái tim. Nhưng giữa cuộc sống ồn ã và bề bộn lo toan, người ta đã quên mất rằng: Chỉ vì cái nợ mưu sinh, cơm áo hàng ngày mà đầu độc, làm hại hàng triệu người! Hẳn những nông dân lạm dụng thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại khi sản xuất nông nghiệp không nghĩ đến hậu quả đó vì lương tâm họ không cho phép. Nhưng sự thiếu hiểu biết và sự coi thường tính mạng khi cái chết không phải là sự ngay luôn mà người ta đã đi theo chỉ dẫn của những kẻ vô lương tâm...
Và nữa, bởi rằng cuộc sống vật chất đã làm chúng ta hoa mắt. Những giá trị bị đảo lộn, khi nhà hàng xóm có cái gì, nhà mình cũng phải có cái đó. Khi mà con người ta phải giàu lên bằng mọi giá, người ta đã bất chấp đánh đổi lương tâm của mình. Thế nên, sự “đầu độc” dù vô thức hay cố ý được bao biện bởi vô vàn lý do, khi những cái ác đi ra ngoài nhận thức và quy chuẩn chung thì những người nội trợ của mỗi gia đình chỉ còn biết khóc giữa chợ mà thôi...