Hạnh phúc khi thấy trẻ ăn ngoan, mau lớn
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa tổng kết Hội thi nhân viên nuôi dưỡng giỏi cấp học mầm non năm học 2024 – 2025. Hai nhân viên giành giải Nhất, gây ấn tượng đặc biệt tại hội thi là anh Bùi Đức Bình, Trường mầm non B (Sở GD&ĐT) và chị Nghiêm Thị Hương Giang, Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ (Hoàn Kiếm) bởi anh chị đã có gần 35 năm gắn bó với công việc nấu ăn, cấp dưỡng tại trường mầm non.
Chia sẻ về lý do đến với nghề, anh Bình và chị Giang có chung câu trả lời, đó là tình yêu với công việc nấu ăn; mà lớn hơn nữa là tình yêu với trẻ nhỏ.
Cũng là thực hiện công việc mang đến những bữa ăn ngon, bảo đảm dinh dưỡng cho mọi người nhưng hơn ai hết, anh chị hiểu sâu sắc rằng, nghề nấu ăn tại trường mầm non có đặc thù, vất vả và khó nhọc hơn bởi phục vụ trẻ nhỏ - đối tượng đang ở những năm tháng đầu đời, được gia đình và xã hội dành sự quan tâm, chăm sóc ở mức cao nhất.
Anh Bình mãi ấn tượng ngày mới bước chân vào nghề, đó là tại nhà bếp trường học, dụng cụ nào cũng lớn hơn ở nhà rất nhiều. “Thử thách đầu tiên của tôi tại trường là tráng mấy trăm quả trứng để chuẩn bị bữa ăn cho trẻ. Hồi đó, điều kiện chưa phát triển nên chưa có chảo chống dính, cũng không có bếp ga, bếp từ như hiện nay mà phải dùng chảo thường và bếp dầu. Dẫu vậy, tôi đã kiên trì thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ. Tôi vẫn nhớ ánh mắt háo hức của trẻ khi đón nhận món trứng tráng của mình. Các con rất thích, ăn hết suất và ăn rất nhanh”, anh Bình nhớ lại.
Cả anh Bình và chị Giang đều rất vui khi sau chừng ấy thời gian làm nghề nuôi dưỡng tại trường mầm non đều đã nấu ăn phục vụ biết bao anh chị em ruột hoặc nhiều thế hệ trong một gia đình. Người trước nối tiếp người sau, thế hệ trước lan toả niềm tin, sự hài lòng cho thế hệ sau để theo học tại trường, một phần vì có bác cấp dưỡng nhiệt tình, chu đáo, nấu ăn ngon.
Cũng tại ngôi trường công tác, anh, chị hạnh phúc khi chứng kiến sự trưởng thành, khôn lớn của trẻ mỗi ngày; nhìn thấy khuôn mặt tươi vui, háo hức của trẻ trước mỗi bữa ăn hoặc tại những bữa tiệc tập thể trước khi ra trường. Vui hơn cả, anh chị trực tiếp nhận lời cảm ơn từ ông bà, bố mẹ và từ chính các con. Khi đó, bao nhiêu mệt mỏi tan biến hết; chỉ còn lại niềm tin và niềm thiết tha gắn bó với nghề. Đó cũng là lí do để dù có nhiều cơ hội tốt hơn như được mời làm bếp trưởng tại các nhà hàng, khách sạn lớn nhưng anh chị đã từ chối và quyết định tiếp tục gắn bó với nghề.
An toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu
Công tác hơn 3 thập kỷ tại trường mầm non, anh Bình, chị Giang đã chứng kiến nhiều sự đổi thay, trong đó có sự đổi thay, cải tiến về không gian và dụng cụ bếp ăn. Không gian bếp ăn của ngôi trường nơi các anh chị làm việc nay đã được trang bị đồng bộ với bếp từ và các dụng cụ tiên tiến, hiện đại và an toàn.
Chị Giang cho hay, hàng ngày chị đến trường lúc 7 giờ sáng. Sau khi thay đồng phục, chị bắt tay vào công việc nhận thực phẩm. Khâu này rất quan trọng và được thực hiện theo quy trình. Các đơn vị cung cấp là những đơn vị uy tín, có tư cách pháp nhân, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ và được kí kết hợp đồng với nhà trường từ trước. Thời điểm nhận thực phẩm luôn có mặt của các bên, gồm: Ban giám hiệu, người cung cấp, kế toán, phụ huynh học sinh… Mỗi ngày nấu hơn 200 suất ăn, chị và 2 nhân viên nuôi dưỡng của trường phân công công việc theo ngày, có sự thống nhất; sau đó khâu lưu mẫu cũng được thực hiện theo đúng quy định. Chính vì tuân thủ cẩn trọng tất cả các khâu và luôn đề cao công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên hơn 30 năm qua, chị Giang và các đồng nghiệp chưa gặp phải sự cố nào liên quan đến bữa ăn bán trú của trẻ.
Tương tự, theo anh Bình, an toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng đầu tiên, có ý nghĩa quyết định chất lượng bữa ăn của trẻ. Nhận thức rõ điều này, thực phẩm trường của anh chọn lựa luôn ưu tiên mùa nào thức nấy, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ bảo đảm.
Trong giai đoạn đổi mới giáo dục hiện nay, cũng như nhiều bộ phận chuyên môn khác trong trường, anh Bình, chị Giang không ngừng học hỏi để góp phần xây dựng thực đơn phong phú, sáng tạo, khoa học, cân đối và hợp lý; sử dụng đa dạng các loại nguyên liệu thực phẩm theo mùa, sẵn có của địa phương.
Cùng với đó, anh chị tích cực lắng nghe phản hồi của trẻ, của phụ huynh để điều chỉnh thực đơn và có cách chế biến phù hợp hơn nữa với khẩu vị, sở thích của trẻ; chú ý yếu tố văn hoá trong từng món ăn để truyền thông điệp cho trẻ về văn hoá ẩm thực Việt Nam.
Tinh thần trách nhiệm, tình yêu nghề, mến trẻ đã tiếp thêm động lực để anh Bình, chị Giang vượt qua khó khăn. Hành trình các anh chị đã và đang đi thật sự đáng trân trọng. Đáng quý hơn nữa, anh chị luôn tự hào về nghề mình đã chọn; đồng thời mong muốn gắn bó với nghề đến lúc nghỉ hưu.
“So với các cấp học, bậc học mầm non là vất vả nhất. Trong bậc học mầm non, nhân viên nuôi dưỡng vất vả hơn ai hết khi phải đi sớm, về muộn, lặng lẽ, âm thầm... Mong Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục động viên, chia sẻ, quan tâm với cấp học mầm non; tham mưu cơ chế chính sách đặc thù để nâng cao đời sống cho cán bộ, giáo viên mầm non, trong đó có nhân viên nuôi dưỡng...", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi.